(VOV5) - Trong năm nay, công ty RYNAN Technologies sẽ xuất khẩu 50 Hệ thống giám sát côn trùng thông minh sang Nhật Bản, con số này sẽ còn tăng lên trong năm 2024.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh (IMS – insect monitoring system) là sản phẩm do Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam thiết kế và sản xuất độc quyền tại Việt Nam nhằm giải bài toán chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Sản phẩm từng đoạt Giải bạc Make in Viet Nam ở hạng mục Sản phẩm số xuất sắc năm 2021 và được triển khai tại 13 tỉnh thành, địa phương ở Việt Nam.
Ngay trong năm nay, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu Hệ thống giám sát côn trùng của RYNAN Technologies để giám sát và dự báo tình hình phát triển dịch bệnh trên cây trồng ở quốc gia này.
Kĩ sư Công ty RYNAN Technologies Vietnam bảo trì Trạm Giám sát Côn trùng và Thiên địch thông minh |
Trong năm nay, công ty RYNAN Technologies sẽ xuất khẩu 50 Hệ thống giám sát côn trùng thông minh sang Nhật Bản, con số này sẽ còn tăng lên trong năm 2024. Là giải pháp công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, sản phẩm của RYNAN Technologies Vietnam ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại côn trùng có lợi hay có hại và trả kết quả dưới dạng biểu đồ trực quan.
Ông Thái Nguyễn Hoài Thiên, quản lý dự án phát triển nền tảng nông nghiệp số VDAPES của công ty RYNAN Technologies Vietnam cho biết: Sản phẩm công nghệ make in Viet Nam này cho thấy rõ tương quan giữa sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi, từ đó giúp người nông dân có cái nhìn tổng quát và nhanh chóng về mức độ cân bằng của hệ sinh thái.
Với hệ thống giám sát côn trùng thông minh, người nông dân sẽ có thể theo dõi thông tin, dữ liệu thông qua smartphone mà không cần ra đồng vạch lá tìm bệnh, hay đi bẫy và đếm số lượng côn trùng theo cách truyền thống. Thông qua ứng dụng Ryan Mekong, người nông dân dù ngồi ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào vẫn có thể theo dõi tình hình hoặc lịch sử sâu bệnh.
Hệ thống này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý, tổng hợp số liệu, báo cáo, cảnh báo, dự báo sâu rầy với độ chính xác cao thông qua phần mềm quản trị trung tâm.
Người nông dân giám sát côn trùng dễ dàng trên điện thoại thông minh từ app của Rynan Mekong |
Ông Thái Nguyễn Hoài Thiên nói: “IMS đóng vai trò là một công cụ giúp nông dân theo dõi các loại sâu hại và thiên địch trên đồng ruộng. Trí tuệ nhân tạo cung cấp, thống kê, giúp trực quan hóa cho người quản lý cũng như nông dân chủ động kiểm soát được tình hình dịch hại, có kế hoạch ứng phó kịp thời; nhằm đi đến mục đích cuối cùng là tối ưu về mặt sản lượng và năng suất của mùa vụ; giảm thiểu thất thoát, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản. Đồng thời, khi hệ thống được phủ trên diện rộng, sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu giúp quản lý, hoạch định được chính sách, xây dựng được bản đồ dịch hại”
Với thế mạnh về công nghệ, nhóm nghiên cứu ở công ty RYNAN đã kết hợp các nền tảng đang là xu hướng hiện nay gồm trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và internet vạn vật (IoT) để nhận dạng và phân tích dữ liệu cho sản phẩm này. Hệ thống giám sát côn trùng thông minh hoạt động bằng năng lượng mặt trời, đảm bảo an toàn về điện khi vận hành đặc biệt khi có mưa và gió lớn, dễ dàng lắp đặt tại các vị trí xa không cần nguồn điện lưới. Bẫy cũng có thiết bị chống sét để bảo vệ thiết bị trong những ngày mưa bão.
Ông Thái Nguyễn Hoài Thiên cho biết thêm: “Hệ thống IMS sử dụng AI giúp tự động nhận dạng, thống kê hơn 150 loại côn trùng khác nhau, bao gồm các loại côn trùng có hại, vô hại và thiên địch trên nhiều loại cây trồng như lúa và cây ăn trái. Sau khi dữ liệu được thu thập, sàng lọc, sắp xếp và phân tích, thì kết quả sẽ được trả về dưới dạng biểu đồ, bản đồ trực quan, thể hiện rõ tương quan giữa sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi. Đồng thời, hệ thống cũng tận dụng sức mạnh của công nghệ biên (edge computing) làm tăng tốc độ xử lý hình ảnh của hệ thống gần như tức thời (real-time), Al phân tích ngay tại trạm, tối ưu hóa về tài nguyên phần cứng. Hình ảnh được thu thập và phân tích tại trạm dựa theo mật độ côn trùng đạt ngưỡng tại trạm đó, nhằm đưa ra một kết quả tối ưu.”
Hệ thống giám sát sẽ đưa ra các cảnh báo, dự báo về tình hình sâu rầy trên cánh đồng để người dân lựa chọn phương thức xử lý kịp thời thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.
Một trạm Giám sát côn trùng thông minh |
Nhờ sử dụng năng lượng mặt trời và có ắc quy lưu trữ, hệ thống giám sát côn trùng của Rynan có thể đảm bảo việc duy trì vận hành liên tục trên diện rộng như ruộng lúa, rau màu, khu trồng trọt canh tác diện tích lớn và không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.
Với những ưu điểm vượt trội như vậy, hệ thống này đã được nhiều tỉnh thành đánh giá cao và hiện đã có 60 trạm giám sát được lắp đặt ở Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Trà Vinh…
Qua quá trình sử dụng trạm giám sát côn trùng thông minh, anh Lý Đức, ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết: “Trạm có lợi ích rất thiết thực cho bà con nông dân. Thứ nhất là trạm dẫn dụ côn trùng bằng đèn có bước sóng phù hợp và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để tự động đếm côn trùng nên rất chính xác. Hai là dữ liệu được gửi lên trên app điện thoại nên tất cả mọi người có thể xem và đánh giá được lượng côn trùng có lợi hay gây hại, qua đó có thể quyết định có nên phun thuốc bảo vệ thực vật hay không. Ví dụ như ra đồng xem lúa thấy nhiều rầy nâu, nhưng nếu như không có Trạm giám sát côn trùng thông minh, thì nông dân thấy rầy là sẽ đi phun thuốc. Làm như vậy mình sẽ vô tình giết đi những con côn trùng có lợi. Có Trạm mình sẽ biết lượng sâu rầy và thiên địch có chênh lệch hay không, nếu lượng thiên địch nhiều mình sẽ không cần phun thuốc.”
Hiện nay, Hệ thống giám sát côn trùng thông minh của công ty Rynan là một giải pháp công nghệ cao độc quyền về mặt thị trường. Sản phẩm đến được với thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường rất khắt khe, cho thấy việc sản phẩm công nghệ cao Việt Nam đã vươn tầm thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (nhà khoa học gốc Việt từ Canada trở về), Giám đốc điều hành của Công ty Rynan Technologies khẳng định, hệ thống này cũng như nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp công nghệ cao do công ty phát triển, còn hướng đến một mục tiêu lớn hơn: góp phần xây dựng một hệ sinh thái chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam.