Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đề án chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 trọng tâm phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trong thang 4 mức độ dịch vụ công trực tuyến. Người dân hài lòng khi đi làm các thủ tục hành chính nhanh, gọn. Đi làm giấy khai sinh cho con khai báo điện tử thuận tiện và được hẹn ngày, giờ đến nhận kết quả, anh Lê Đình Bắc, ở phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, bày tỏ hài lòng: “Nhân dân đến làm thủ tục hành chính được tiếp đón nhiệt tình, hướng dẫn thủ tục chu đáo. Hiện nay, công nghệ số áp dụng bản thân tôi thấy đáp ứng được nhu cầu, giải quyết công việc của công dân nhanh và gọn.”
Thanh Hóa là một trong những tỉnh trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số. Tỉnh cũng đang triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Tại Thanh Hóa, hạ tầng viễn thông được triển khai hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu, là tiền đề để thực hiện thành công chuyển đổi số. Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, cho biết: “Hướng tới thành phố thông minh, văn minh hiện đại thì chuyển đổi số là điều kiện đảm bảo. Chỉ có đẩy nhanh chuyển đổi số chúng ta mới tăng được năng suất lao động, chúng ta mới kết nối được các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, dịch vụ là ngành chủ lực để phát triển thành phố so với các vùng khác.”
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (phải) và ông Vĩnh Tuấn Bảo – Phó TGĐ Tổng công ty Viễn thông MobiFone (trái) ký kết Thỏa thuận hợp tác về Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025. Ảnh: dangcongsan.vn |
Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Trong quý I năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận gần 78.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 đạt 98,54%; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 đạt 95,76%. Nền tảng chia sẽ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh Thanh Hóa là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1443 đơn vị của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị sự nghiệp), phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, 100% doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện ký số, thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế; 85% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử. Có 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử; 50% các doanh nghiệpcung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện thanh toán điện tử.
Tỉnh Thanh Hóa khuyến khích các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số.
Chị Lê Thị Ngọc Hoàn, công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, cho biết: “Về chính quyền số hiện tại 100% văn bản đã được ký số hóa. Thủ tục hành chính một cửa. Vận động nhân dân khi đến giao dịch thì thực hiện chứng thực qua cổng thông tin điện tử. Về số hóa kinh tế, chính quyền vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia một số sàn giao dịch trực tuyến, vận động hộ sản xuất đưa vào sàn giao dịch thương mại cung cầu của tỉnh.
Tháng 6/2022, Tổng Công ty Viễn thông Mobi Fone và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Thỏa thuận hợp tác nhằm phát huy khả năng, thế mạnh của hai bên, nâng cao hiệu quả trong triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội tại tỉnh Thanh Hóa; đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Theo đó, hai bên hợp tác cùng nhau xây dựng hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, về hạ tầng số, hai bên cùng hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin phục vụ việc kết nối, chỉ đạo, điều hành, triển khai xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; xây dựng cơ sở hạ tầng mạng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ và cung cấp dịch vụ, giải pháp về an toàn thông tin cho các hệ thống ứng dụng nền tảng của tỉnh; nghiên cứu triển khai mạng viễn thông công nghệ 5G và các thế hệ mới.
Về kinh tế số, hai bên cùng nhau hợp tác, phát triển thương mại điện tử, phát triển tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ sinh thái MobiFone Money; hợp tác, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi số toàn diện với bộ giải pháp MobiFone Smart Sales và MobiFone Smart Office của MobiFone.
Về xã hội số, MobiFone hỗ trợ, tham vấn giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Thanh Hóa đến với nhân dân trong nước và du khách quốc tế; hợp tác, tham vấn ứng dụng các nền tảng, giải pháp vào công tác xây dựng, phát triển xã hội số (nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở MOOCS, nền tảng phát thanh số, nền tảng truyền hình số, nền tảng khả sát thu thập ý kiến người dân…); hơp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập sử dụng chữ ký số công cộng phục vụ các hoạt động của doanh nghiệp như: nộp thuế, ký kết hợp đồng điện tử, thanh toán bảo hiểm…
Thành phố Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp. Đồng thời người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh.
Mục tiêu của Thanh Hóa đặt ra đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, TP đứng đầu cả nước về chuyển đổi số, hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập (bao gồm cả thiết bị di động) đạt 100%, có 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất…
Tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Theo lộ trình, đến năm 2030, thành phố Thanh Hóa cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại./.