Ra đời trước áo dài nữ và từng là trang phục truyền thống của người đàn ông Việt, tuy nhiên qua những thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài nam truyền thống không còn hiện diện trong đời sống thường ngày. Những kỷ vật cuối cùng của tà áo dài ngũ thân nam, khăn quấn nay chỉ còn tồn tại trong các viện bảo tang, trong văn học đương đại, sân khấu điện ảnh, nghệ thuật hội họa.
Thăng trầm số phận áo dài nam
Áo dài nam ngày nay có tiền thân từ áo ngũ thân tay chẽn được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và hoàn thiện chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Trung Hoa). Kể từ năm 1802 thời vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài ngũ thân hoàn chỉnh.
Áo dài ngũ thân truyền thống được ghép bởi 5 vạt áo gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.
Áo có 5 cúc: 1 cúc ở cổ, 1 cúc ở dưới vai, 1 cúc ở nách và 2 cúc dưới eo. Hàng cúc chạy theo vạt bên trái, phía trước rồi xuống eo (hình chữ quảng). Năm nút áo tượng trưng cho ngũ thường của Nho giáo là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. Cổ áo cao 4 cm, vuông, tạo hình đứng, khép kín. Tay áo từ nách thu dần đến cổ, ống tay vừa để bàn tay lọt qua.
Áo thường được may bằng các loại vải gấm (dành cho giới thượng lưu), còn giới trung lưu thường may bằng chất liệu sa, the mỏng… Quần thường may vải màu trắng, ống rộng có thể lên tới 36 cm.
Bộ trang phục truyền thống của người đàn ông Việt luôn có một chiếc khăn quấn hoặc khăn đóng hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất màu đen, hoặc màu đậm, được quấn rối tạo nếp phía trước, phía sau quấn chặt giữ búi tóc. Cách vấn khăn này tượng trưng cho lòng nhân nghĩa, trung hiếu phải luôn được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên không được may mắn như tà áo dài của nữ giới, trải qua nhiều biến động của lịch sử, tà áo dài truyền thống của đàn ông Việt ít thịnh hành và dần mờ nhạt trong đời sống.
Ths. Đinh Hồng Cường, Phó chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống cho biết, sau năm 1945, đất nước rất nghèo, để may áo ngũ thân như thế này rất tốn vải vóc. Cùng với đó là ảnh hưởng của nền văn minh phương tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường khiến người ta có cái nhìn mới hơn về trang phục.
Và khi đất nước bước vào giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp và sau năm 1954, những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ dần bị thay thế bằng trang phục giản đơn, tiện lợi. Chính vì thế tà áo dài nam truyền thống không có điều kiện để kế thừa, phát triển và dần bị mai một. Số ít chỉ còn đọng lại ở trang phục của những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng hay trong tiềm thức của những người cao niên.
Bối rối khi nhận diện áo dài nam truyền thống
Chính số phận thăng trầm của tà áo dài nam đã dẫn đến thực trạng hiểu sai, nhầm lẫn trong việc nhận diện bộ áo dài ngũ thân truyền thống với trang phục sân khấu. Đến nay, ít người biết đến lịch sử, hình thức, đặc điểm thẩm mỹ của áo dài ngũ than nam nguyên bản.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt (nơi tập trung nhiều chuyên gia về áo dài nam ngũ thân truyền thống) lý giải nguyên nhân: “Cuối những năm 1950, áo dài nam đã có những cải biên nhất định để xuất hiện trên sân khấu. Áo dài của sâu khấu cải biên đã ngấm dần vào thị giác khán giả, hồn nhiên bước vào đời sống. Hình ảnh về áo dài ngũ thân nguyên bản đã bị áo dài sân khấu, cách tân chiếm lĩnh. Sự chiếm lĩnh này đi kèm sự tùy tiện, đơn giản, giá thành rẻ, thiếu tìm hiểu của người may và mặc”.
Suốt chiều dài lịch sử, áo dài nữ cho thấy sự phát triển không ngừng, phù hợp với bối cảnh xã hội và thẩm mỹ đương thời. Áo dài nam cũng có sự biến đổi nhưng lại hoàn toàn xa rời bản sắc văn hóa Việt.
Các nhà thiết kế cách điệu, biến tấu, thêm bớt nhiều lần khiến tà áo dài không còn giữ được những nét tạo hình, nét đẹp vốn nền nã, trang nhã, đoan trang, lịch thiệp của áo dài ngũ thân thuở ban đầu. Nhiều bộ trang phục còn bị sáng tạo thái quá, đôi khi mang tính khoa trương, kiểu cách. Thậm chí nhiều mẫu áo dài cách tân thể hiện rõ sự ảnh hưởng của trang phục các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar…
Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama chia sẻ: "Hiện nay trong các sự kiện ngoại giao, các ngày lễ, đàn ông Việt Nam mặc các kiểu khác nhau khiến người nước ngoài như chúng tôi đôi khi bị "lạc hướng" khi nhìn vào các kiểu áo dài”.
Những nhầm lẫn, ngộ nhận này là lý do để các nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa, trang phục và thời trang xác định nhiệm vụ, nỗ lực đưa áo dài ngũ thân dành cho nam giới trở lại với cuộc sống đương đại với những giá trị truyền thống. Nhiều hội thảo chuyên đề, các hoạt động liên quan như trưng bày, triển lãm đã được tổ chức, thậm chí còn có người đưa ra ý kiến lựa chọn áo dài ngũ thân là lễ phục của nam giới như tà áo dài từ lâu đã được ngầm thống nhất là biểu tượng phục trang của người phụ nữ Việt Nam.
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal cho rằng thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm bảo tồn, phát triển, và tái khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc thông qua bộ trang phục này: “Một trong những logo nhận diện của Việt Nam là tà áo dài. Tà áo dài của người phụ nữ đã trở thành thương hiệu rồi, phải chăng đến lúc nam giới mặc áo dài gợi lại một thời đã từng coi đó là biểu tượng của Việt Nam do sự xáo động mà bị mất đi?”.
Đi tìm “Quốc phục” cho đàn ông Việt
Đến nay, đã có nhiều cuộc thi thiết kế mẫu nhưng vẫn chưa chọn được thiết kế nào đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam trong lễ phục của nam giới. Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng áo dài ngũ thân truyền thống hội tụ các yếu tố thể hiện sự trang trọng, lịch lãm, cương nghị nhưng nhu hòa, nghiêm cẩn tạo trong tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt xưa nay. Nhưng các mẫu thiết kế mới chỉ đạt được các tiêu chí là tiện lợi, mới lạ, độc đáo nhưng bản sắc văn hóa của đàn ông Việt trong áo dài thì lại hoàn toàn biến mất.
Đồng tình với ý kiến của hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình, ThS. Đinh Hồng Cường Phó Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống nhận định, bộ lễ phục là thể diện và là niềm tự hào về văn hóa mặc của mỗi dân tộc, chứ không phải là sáng tác thiết kế thời trang theo xu hướng mốt, thời trang lòe loẹt. Thiết kế mẫu trang phục cho đàn ông Việt phải kế thừa được những nét tinh hoa của áo dài ngũ thân nam truyền thống, thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ.
|
Thực tế, việc thiết kế một chiếc áo dài tụ hội đầy đủ các yếu tố không phải là điều đơn giản. Hiện tại không có nhiều nghệ nhân có thể may được áo dài ngũ thân theo đúng nguyên bản. Ở Hà Nội có nghệ nhân Đỗ Minh Tám làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, nghệ nhân Trần Nguyễn Trung Hiếu và nghệ nhân Trần Lê Trung Hiếu tại TP. Hồ Chí Minh đều là nghệ nhân trẻ 9X, đam mê cổ phục, áo ngũ thân... Tuy mỗi nơi có những phong cách khác nhau, nhưng nhất định phải đủ 5 thân, còn độ tinh xảo, kỹ thuật của từng người cũng khác nhau. Đây cũng là một trong những thách thức trong việc phục dựng áo dài ngũ thân nam truyền thống.
|
Bên cạnh đó, các giá trị gắn với áo dài nam truyền thống vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để áo dài nam truyền thống trở thành phương tiện quảng bá hình ảnh Việt Nam đậm bản sắc dân tộc đến bạn bè thế giới thì cần có sự hiệp lực của các ngành, các đơn vị, các tổ chức xã hội mà trước tiên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ quản, trực tiếp phụ trách mảng trang phục này, các chuyên gia may mặc trong nước và thế giới, các nhà làm chuyên môn, các nhà làm văn hóa, lịch sử.
“Một trong những đích nhắm cho áo dài nữ và áo dài nam cũng nên là phấn đấu để được UNESCO công nhận làm Di sản văn hóa thế giới; khi đó tầm quan trọng của chúng sẽ được nâng lên rất nhiều”, ThS. Đinh Hồng Cường nêu quan điểm.
Đây cũng là cách để chúng ta chung tay giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn của tà áo dài ngũ thân nam, góp phần tôn vinh trang phục truyền thống của người Việt Nam, một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng, biểu tượng của văn hoá Việt Nam.
Thực hiện: Hà Phương - Hạnh Lê
Trình bày: Tuấn Linh
Ảnh: Vũ Hồng Kỳ - Phan Huy - Phan Huy Thiệp