(VOV5) - MV Ký sự Trường Sa là một món quà góp thêm nguồn cảm hứng và động lực lớn cho các chiến sĩ đang canh gác ngoài hải đảo xa xôi.
Hà Myo tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, bước ra từ cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2020” với một dấu ấn mạnh mẽ bởi "cú đúp": Giải Nhì chung cuộc và Giải Bài hát hay nhất về Hà Nội với “Xẩm Hà Nội”.
Sau chuyến công tác đặc biệt Hà Myo tới Trường Sa, Hà Myo và Thế Phương VBK cùng ra mắt sản phẩm độc đáo “Ký sự Trường Sa”. Ca khúc ngợi ca vẻ đẹp Trường Sa, ý chí, nghị lực của các chiến sỹ, tình cảm gắn bó giữa các chiến sỹ với người dân đến với đảo, lan tỏa năng lượng và nhiệt huyết cũng như tình yêu với tổ quốc và biển đảo tới thế hệ trẻ. Đặc biệt, ca khúc còn được lồng ghép thêm yếu tố dân ca của Nam Trung Bộ, giữ được hình ảnh riêng biệt và sự nghiêm túc với lý tưởng, góp phần tôn vinh giá trị âm nhạc dân gian Việt Nam.
Sau khoảng thời gian 2 năm dù dịch bệnh nhưng Hà Myo cùng ê kíp của mình vẫn liên tục ra mắt sản phẩm âm nhạc mang màu sắc dân gian kết hợp với nhạc điện tử sôi động như MV “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xầm Xuân chúc phúc”, “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Son”, gần nhất là bài dân ca dân tộc Mường kết hợp với Rap Mường và EDM là MV “Đập nàng Khọt”
Ngày 12/4/2022 Hà Myo đã có chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa. Đây là lần thứ hai Hà Myo vinh dự được đến Trường Sa. So với lần đầu tiên năm 2016, lần này trong chuyến đi, Hà Myo đã mang nghệ thuật Xẩm qua những ca khúc đặc sắc của mình đến với các cán bộ chiến sĩ ngoài đảo như “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” và nhận được sự yêu mến của rất nhiều chiến sĩ.
Chuyến đi đã để lại cho Hà Myo cảm xúc mạnh mẽ, nhận ra sự trẻ trung của các chiến sĩ ngoài đảo và sự yêu mến âm nhạc truyền thống của các chiến sĩ trẻ cũng như những ấn tượng mạnh mẽ với vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam và con người nơi đảo xa. Những ấn tượng đặc biệt trong chuyến đi đã khiến Hà Myo nảy sinh ý tưởng thực hiện sản phẩm Ký sự Trường Sa ngay khi trở về sau chuyến công tác.
Dẫu “Ký sự Trường Sa” là một ca khúc hoàn toàn mới nhưng Hà Myo vẫn vẹn nguyên mong muốn mang nhiều nhất âm nhạc dân gian đến với khán giả cả nước. Được sự cố vấn từ nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, Hà Myo đã quyết định đưa dân ca Nam Trung bộ vào sản phẩm “Ký sự Trường Sa”.
“Huyện đảo Trường Sa có địa phận hành chính thuộc tỉnh Khánh Hoà nằm trong khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam, Hà tin rằng những điệu Lý đặc sắc của vùng sẽ là những giai điệu người dân nơi đây cảm thấy quen thuộc và tự hào khi nghe được, đặc biệt là khi giai điệu đó có nội dung về Trường Sa”, Hà Myo cho biết.
Đã quen với hát mới, hát xẩm nên khi chuyển sang thể hiện dân ca Nam Trung bộ, Hà Myo gặp khó khăn, nhất là giọng nói, cách phát âm đặc hữu của khu vực Nam Trung bộ. Hà Myo đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của NSƯT Diệu Hương, nhờ chị dạy cho Hà cách luyến láy và cảm xúc khi hát.
Vẫn còn những khó khăn khác nữa khi thực hiện MV “Ký sự Trường Sa”. Bài hát được viết sau chuyến đi nên Hà Myo không có sự chuẩn bị về hình ảnh khi công tác tại Trường Sa. Quá trình hoàn thiện MV gặp rất nhiều khó khăn vì không có đủ hình, Hà Myo cùng team phải liên hệ rất nhiều nơi, nhiều người để có được những thước phim đẹp, ý nghĩa và phù hợp với bài hát nhất.
Khó khăn tiếp theo đến từ nhạc sĩ trẻ Đỗ Minh đảm nhận viết lời bài hát và rapper Tobby Quốc Trung đảm nhận lời rap. Cả hai nghệ sĩ chưa có cơ hội được trực tiếp đến Trường Sa nên sẽ khó cảm nhận được những cảm xúc của người trực tiếp đến. Hà Myo đã phải truyền đạt lại những cảm xúc và đặc biệt may mắn có bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hoài Nam cùng trên chuyến tàu 571 đến với Trường Sa đã giúp cho cả hai tác giả nắm bắt được tinh thần và tạo được cảm hứng cho bài hát.
“Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” là câu nói quen thuộc tạo cảm hứng mạnh mẽ để Hà Myo thực hiện MV “Ký sự Trường Sa”.
Chắc chắn rằng đây là câu nói cả đời sẽ không thể quên đối với ai đã may mắn được đến với Trường Sa trên các con tàu. Vào khung giờ cố định, mỗi ngày, mọi người sẽ đều được nghe câu nói quen thuộc trên đây - câu nói đánh thức toàn tàu khi bình minh. Ngoài ra còn có nhiều câu khác như đến giờ ăn cơm, giờ thủ trưởng lên tàu… Hà Myo đã từng đi Trường Sa năm 2016 và đến giờ vẫn rất nhớ, sau khi trở về những người cùng chuyến đi cũng luôn nhắc đi nhắc lại câu lệnh báo thức này.
Khi câu nói bỗng trở nên quen thuộc, với hết con tàu này đến con tàu khác, chuyến đi này đến chuyến đi khác, con người này đến con người khác, ngay lúc đó Hà Myo đã có ý tưởng mang câu nói ấy vào sản phẩm âm nhạc của mình. Để mỗi khi nghe được, đều gợi lại cho chúng ta những kỷ niệm, những cảm xúc bồi hồi, lâng lâng…
Thế Phương VBK tên thật là Ngô Thế Phương, CEO của công ty TNHH VBK Music chuyên sản xuất và đào tạo về nhạc điện tử. Xuất thân từ một guitarist rồi đến một Music Producer, anh còn được biết đến dưới vai trò là một trong những người tiên phong phổ cập kiến thức về nhạc điện tử cho cộng đồng giới trẻ đam mê sản xuất âm nhạc.
“Phần âm nhạc cho ca khúc “Ký sự Trường Sa” lại thêm một lần thử thách cho Phương. Nhạc được kết hợp từ dân ca Nam Trung bộ và 2 dòng nhạc điện tử gắn liền với hình ảnh của biển là Deep House và Moombahton. Khó khăn lớn nhất khi thực hiện sản phẩm này vẫn là làm sao để ra được ý tưởng hoàn chỉnh cho một bản nhạc để dẫn dắt được cảm xúc người nghe. Hơn nữa việc kết hợp các nhạc cụ dân tộc với âm nhạc hiện đại cũng là một rào cản rất lớn. Khác với những lần trước có các nghệ sỹ chơi nhạc cụ thu âm trực tiếp, lần này Phương phải một mình vật lộn với cây đàn tranh để có thể vừa lột tả được âm nhạc dân gian lẫn việc liên kết nhạc cụ dân gian với nhạc điện tử”, Thế Phương VBK cho biết.
Thế Phương VBK. |
Về phần mình, Hà Myo mong muốn thông qua MV “Ký Sự Trường Sa” phần nào thể hiện được bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp của Trường Sa, vẻ đẹp của biển trời quê hương, về con người và ý chí kiên cường của các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi.
Bài hát ra mắt hy vọng sẽ thay lời tâm sự của rất nhiều thành viên trong các đoàn công tác gửi tới những chiến sĩ trên đảo, cũng là lời chia sẻ với người dân cả nước về nơi thiêng liêng này.
MV là một món quà góp thêm nguồn cảm hứng và động lực lớn cho các chiến sĩ đang canh gác ngoài hải đảo xa xôi.