(VOV5) -Không biết từ bao giờ mùa hoa cải ven sông Hồng đã trở thành một địa điểm “check in”của giới trẻ
“Có một mùa hoa cải, nở vàng trên bến sông.
Em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng.
Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải,
Cầm tay em bối rối, anh nói lời yêu thương…”
(Mùa hoa cải- Thơ Nghiêm Thị Hằng, nhạc Lê Vinh)
Ảnh: zing.vn
|
Bài thơ và ca khúc “Mùa hoa cải” dường như đã trở thành một niềm khắc khoải khi hoa cải xôn xao về phố Hà Nội. Mà cũng không biết từ bao giờ mùa hoa cải ven sông Hồng đã trở thành một địa điểm “check in” không chỉ của giới trẻ Hà thành mà còn của khách phương xa đến Hà Nội… Một truyện ngắn nổi tiếng“Mùa hoa cải bên sông” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được viết cách đây gần 30 năm, đã được dựng thành phim truyền hình “Lời nguyền của dòng sông” do Khải Hưng làm đạo điễn; bộ phim từng đoạt giải vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Đây là một câu chuyện tình đẹp đến nghẹn lòng nhưng gặp trắc trở... Và từ đó, mùa hoa cải ven sông Hồng đã như một mùa hẹn hò, mùa tình yêu, mùa của thương nhớ phố Hà Nội đang dịch chuyển về mùa xuân.
Ảnh: truyenhinhdulich.vn |
Những ngày cuối đông, cảm giác lớp mây thấp vơ vẩn quẩn quanh trên những ngọn tháp các tòa cao ốc, đang cố thả nốt hàng triệu triệu sợi rét buốt bằng từng đợt gió mùa đông bắc, không gian vương màu tro lạnh ảm đạm, vạn vật im lìm ngủ triền miên trong giá băng, phố hư ảo từng mái nhà xám rêu, từng bóng người liêu xiêu ngõ nhỏ… Nhưng chỉ cần nhích chút ra bãi giữa ven đê sông Hồng, là như lạc vào vương quốc của hoa cải với màu vàng rực rỡ, mê mải từng vạt dập dờn lượn sóng theo làn gió, đẹp đến xao xuyến tâm can, khó mà rời mắt, mà cưỡng được ham muốn xà vào khoảng vàng rợn ngợp kia để hít hà hương thơm hăng hắc cay nồng của hoa cải...
Ảnh: zing.vn
|
Làm sao có thể quên những vườn hoa cải ven sông Hồng, giăng mắc tương tư cả miền thương nhớ phố Hà Nội. Mỗi vườn hoa cải là một cung bậc cảm xúc, vườn Thạch Bàn- Long Biên đắm đuối nồng nàn cháy bỏng; các khu vườn bên Gia Lâm là cả trời yêu như vườn Yên Viên xao xác thầm thì tình tự; vườn Bình Trù quyến rũ thôi miên ong bướm dập dìu; vườn Phù Đổng lãng mạn ngọt ngào say đắm; vườn Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Trâu Quỳ xôn xao tận hiến si mê…
Ảnh: nhandan.com.vn
|
Đã có ai từng một lần hỏi tại sao những vườn hoa cải tháng Giêng, gắn với bến sông Hồng ven đô Hà Nội lại mang vẻ đẹp lộng lẫy mê hồn đến thế, sắc vàng nắng ấm áp mê hoặc bao nôn nao tình đầu, bao hoang hoải hoài nhớ tìm về. Phải chăng, những mải miết mênh mông hoa cải trong gió bấc, bạt ngàn hoa cải trong lất phất mưa phùn, chếnh choáng hoa cải trong sắc nắng trưa mỏng mảnh…, đã làm cân bằng bao chênh vênh tâm hồn giữa khoảnh khắc giao mùa cuối đông chạm vào xuân? Phải chăng, hương hoa hăng nồng mạnh mẽ tỏa ra lấn át cả khoảng không rét buốt tê cóng, cho cảm giác ấm áp quyến rũ lạ kỳ, cho tan chảy những hóa thạch của ký ức?
Ảnh: tienphong.vn
|
Tôi đã ngược nắng phương Nam ra Hà Nội đúng vào những ngày đông giá buốt chỉ vì tương tư mùa hoa cải vàng ven bãi giữa sông Hồng và hình như có cả nhớ em Hà Nội phố. Vâng! Em rất lạ. Tôi nhớ mùa hoa cải năm trước, em đưa tôi xuống vườn cải Thạch Bàn mạn Long Biên, khi về, em ôm theo một bó hoa cải vàng tươi, từng chùm hoa cánh nhỏ xíu mỏng trong đính trên những cọng xanh nõn mềm mại.., rồi em cắm hoa vào chiếc bình gốm Bát Tràng men xanh ngọc. Một vẻ đẹp thanh nhã của hoa cải, loài hoa mộc mạc chân quê thường chỉ ở ngoài ruộng ngoài vườn rau, nay tỏa sắc trong căn phòng khách của gia đình em ở phố cổ.
Không biết có phải năm nay cuối đông có chút khắc nghiệt, các loài hoa cảnh mùa xuân gần như đều được “ủ ấm” trong các nhà vườn, nhưng những vườn cải ven sông Hồng thì cứ rực lên kiêu hãnh với màu vàng sáng ấm áp như tỏa nắng, làm tan loãng cả màn sương xám ẩm mờ mịt, làm cho ngọn gió bấc cũng như ngập ngừng rẽ ngang khi chạm vào những vạt hoa cải ngút ngát tầm mắt.
Tôi và em Hà Nội phố có khoảnh khắc lạc vào mê mải giữa vườn hoa cải, tay trong tay, môi chạm môi, bỏ rơi mùa đông ngoài bờ sông Hồng kia đang ù ù gió…Và tôi thầm thì câu hát “Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải, Cầm tay em bối rối, anh nói lời yêu thương…”./.