(VOV5) - Với những kinh nghiệm từ lần tổ chức đầu tiên năm 2017, cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” năm 2019 được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Đây là năm thứ 2, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” dành cho ca sĩ trẻ chuyên nghiệp (tuổi đời từ 18 - 35) của 10 nước ASEAN. Năm 2019, cuộc thi diễn ra từ ngày 26/7 đến 29/7 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của 22 thí sinh.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Hiển – Phó Tổng Giám đốc VOV, Trưởng BTC cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” năm 2019.
Ông Ngô Minh Hiển – Phó Tổng Giám đốc VOV, Trưởng BTC cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” 2019 (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình. |
PV: Thưa ông, “Tiếng hát ASEAN+3” là cuộc thi mang tầm quốc tế với dàn thí sinh và giám khảo đến từ 10 quốc gia. VOV đã có công tác chuẩn bị, tổ chức như thế nào để cuộc thi được suôn sẻ, để lại ấn tượng tốt cho các nghệ sĩ quốc tế?
Phó TGĐ Ngô Minh Hiển: Để chuẩn bị cho cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” năm 2019, chúng tôi đã phân công đầy đủ các đơn vị trong VOV lo từ các khâu hậu cần đến sản xuất và quảng bá chương trình. Chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh và được sự giúp đỡ nhiệt tình từ việc bố trí địa điểm biểu diễn đến việc đảm bảo giao thông, an ninh, y tế, an toàn thực phẩm... và cả công tác lễ tân.
Vietnam Airlines cũng tài trợ các chuyến bay cho giám khảo và thí sinh. Chúng tôi đã bố trí đội ngũ tình nguyện viên để đưa các thí sinh từ sân bay về Quảng Ninh, nghỉ ngơi tại FLC Hạ Long. Tất cả mọi công việc đều đã được chuẩn bị tốt, sẵn sàng đón BGK, thí sinh của 10 nước ASEAN và 4 khách mời từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đến với cuộc thi.
PV: VOV đã rút kinh nghiệm như thế nào từ lần tổ chức đầu tiên năm 2017 để thực hiện cuộc thi năm nay?
Phó TGĐ Ngô Minh Hiển: Chúng tôi đã có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức. Dưới sức ép thời gian, có một số hoạt động ở lần tổ chức năm 2017 chưa được bài bản, quy củ. Ví dụ như việc quảng bá về Sầm Sơn (Thanh Hóa), do các thí sinh không được thông báo trước nên không có sự chuẩn bị và hoạt động diễn ra không được suôn sẻ. Nhưng năm nay, chúng tôi đã lên lịch từ sớm và thông báo cho các thí sinh, họ đều rất thích và vui vẻ nhận lời tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Chúng tôi cũng sắp xếp để các thí sinh được tham quan Vịnh Hạ Long và Bảo tàng Quảng Ninh. VOV sẽ thực hiện các clip về hoạt động này nhằm quảng bá cho du lịch và văn hóa của Hạ Long. 22 thí sinh đến từ 10 nước sẽ diện trang phục truyền thống của họ. Sự đa dạng văn hóa từ các thí sinh quốc tế sẽ là điểm nhấn độc đáo cho sự kiện lần này.
VOV và UBND tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn được Cung Quy hoạch, Hội chợ - Triển lãm tỉnh Quảng Ninh để tổ chức đêm thi bán kết, chung kết. Đây là nơi chuyên tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế nên rất phù hợp để tổ chức “Tiếng hát ASEAN+3”. Việc đầu tư cho âm thanh, hình ảnh, ánh sáng sẽ giúp cuộc thi trở thành một bữa tiệc âm nhạc đầy sắc màu. Tôi nghĩ, “Tiếng hát ASEAN+3” lần này sẽ là kỷ niệm khó quên của các thí sinh.
Ngoài ra, VOV cũng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của cuộc thi và được thiết kế rất bài bản từ logo, phông bạt, băng rôn, cốc, bình thủy tinh... Ở địa điểm tổ chức còn có những khu vực để các bạn trẻ chụp ảnh... So với năm trước, công tác quảng bá của chúng tôi đã chuyên nghiệp hơn.
++ Clip: Độc đáo sân khấu cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” ở Quảng Ninh: