(VOV5) - Nhiều sự kiện văn hóa diễn ra trong tuần, trong đó có việc ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam; Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế và trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản” của Hà Nội.
Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt tuần trước (21/6) đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa là sự nghiệp của nhân dân, do vậy mỗi người dân phải tích cực tham gia, đóng góp vào việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, vun đắp cho nền văn hóa dân tộc ngày một hoàn thiện, cao đẹp hơn.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thúy Hằng/VOV |
Cuốn sách không chỉ thể hiện tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết của Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, mà còn là cẩm nang quý giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, Đảng viên nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh Lễ ra mắt sách. Ảnh: Thúy Hằng/VOV |
Cuốn sách là tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong hơn 60 năm qua, xuyên suốt trên nhiều cương vị công tác khác nhau của Tổng Bí thư. Sự ra đời của cuốn sách có một ý nghĩa đặc biệt
Các đại biểu tại lễ ra mắt sách của Tổng Bí thư về văn hoá. Ảnh: Thúy Hằng/VOV |
Khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024
Tối 25/6, tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TP. Hải Phòng khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024.
Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 diễn ra từ ngày 25 đến ngày 29/6 tại TP Hải Phòng, với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”. Ảnh: Thanh Nga/VOV |
Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 có chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”, với sự tham dự của các địa phương Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Đắc Lắc, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu…
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày hội gia đình Việt Nam năm 2024 nhằm tăng cường sự giao lưu, học hỏi, chia sẻ và hợp tác giữa các địa phương, các gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới.
Chương trình gồm nhiều hoạt động như triển lãm, trưng bày chuyên đề “Truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; Liên hoan nghệ thuật với chủ đề “Niềm vui gia đình”, giao lưu “Thể thao trong gia đình Việt”… Ảnh: Thanh Nga/VOV |
Đến với Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2024, người dân và du khách còn được thưởng thức những nét đẹp văn hoá đặc trưng của các vùng miền trong cả nước. Ảnh: Thanh Nga/VOV |
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), sáng 27/6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm hỏi, gặp gỡ và động viên nhân dân Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Nơi đây đang lưu giữ những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ, nơi các gia đình có nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Việt Cường/VOV |
Tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức phát động Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024, thu hút đông đảo các nghệ nhân, nhà thiết kế, du khách và nhân dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng.
Các hoạt động tại Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024 diễn ra từ ngày 24 đến 30/6 với chuỗi các hoạt động như: Triển lãm mỹ thuật và Không gian thực nghiệm Áo dài; Trưng bày và giao lưu nghề may của nghệ nhân 3 miền; Chương trình nghệ thuật áo dài “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”; Chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam với Hanbok/Hàn phục”; Cuộc thi thiết kế và trình diễn áo dài “Họa tiết 12 con Giáp trên tem bưu chính”; Hoạt động áo dài với đạp xe vì môi trường; Chương trình di sản nghề Huế - se duyên với áo dài; Carnival áo dài xuống phố…
Các đại biểu tham quan Triển lãm mỹ thuật và không gian thực nghiệm Áo dài. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Chương trình nghệ thuật Áo dài “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, hoạt động góp phần tôn vinh áo dài Huế, áo dài Việt Nam và khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV |
Một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Áo dài Việt Nam và Hanbok Hàn Quốc ngay tại Huế đã khiến nhiều người xem háo hức khi chiêm ngưỡng tinh hoa trang phục của hai đất nước. Nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy và Hội Việt - Hàn mang đến bộ sưu tập áo dài Việt Nam với hanbok Hàn Quốc có chủ đề 'Sắc hoa hội tụ' với nhiều màu sắc, thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV |
Trưng bày “Một thoáng di sản” của Hà Nội
Hướng đến kỷ niệm 25 năm Ngày Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999-16/7/2024), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản” từ ngày 1/7-15/9.
Không gian trưng bày triển lãm chuyên đề “Một thoáng di sản”. Ảnh: nhandan.vn |
Tại không gian triển lãm, khách tham quan sẽ có dịp khám phá lịch sử của các địa điểm quen thuộc như: Nhà hát Lớn, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Ba Đình, Nhà tù Hỏa Lò, Cột cờ Hà Nội, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, Bệnh viện Bạch Mai…
Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá về các di tích lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh, điển hình trong đó có Bắc Bộ Phủ, nay được tu sửa và sử dụng làm Nhà khách Chính phủ. Công trình được gắn biển di tích lịch sử cách mạng vào năm 2005.
Bắc Bộ Phủ hiện được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ. Ảnh: Bộ Ngoại giao |