(VOV5) - Đình Bình Thủy được coi là ngôi đình đẹp nhất xứ Tây Đô và là một trong những ngôi đình cổ đặc sắc của miền Tây Nam Bộ.
Đình Bình Thủy hay còn có tên là Long Tuyền Cổ Miếu thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đây là một ngôi đình cổ có kiến trúc đặc sắc. Công trình tọa lạc trong một khuôn viên rộng 4000m2; ngoài khuôn viên phía trước có một sân rộng và tam quan. Đây cũng là sân lễ hội.
Lối vào đình có hai cửa gọi là Nhị Môn, một bên đề chữ “Đình Thần”, một bên đề chữ “Long Tuyền”, chính giữa phía trong có bình phong. Đình có một địa thế đắc địa: trước mặt (phía Đông) là con rạch Bình Thủy (hay rạch Long Tuyền), phía Bắc giáp sông Hậu, phía Nam sát đường Lê Hồng Phong, phía Tây giáp khu dân cư đông đúc. Đình Bình Thủy hội tụ đầy đủ các yếu tố của một vị trí đặc biệt theo quan niệm phong thủy xưa: “Nhất cận giang, nhì cận quan, tam cận thị”.
Quần thể kiến trúc đình gồm có ngôi đình chính và một số hạng mục phụ trợ, nằm trong khu vườn rợp bóng cây xanh. Đình Bình Thủy được khởi dựng từ năm 1844 thời nhà Nguyễn. Vào năm Giáp Thìn (1844), do nạn bão và lũ lụt hoành hành dữ dội ở làng Long Tuyền, làm nhà cửa ruộng vườn tiêu tan, nhân dân đói rét. Sau trận thiên tai đó, nhân dân trở về làng làm ăn càng lúc càng đông và lập ngôi đình bằng tre gỗ, lợp lá tại vòm rạch Bình Thủy, để cầu nguyện thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hoà để giúp bà con luôn được an lành. Công trình đã trải qua 2 lần trùng tu; vào các năm 1853 và 1909. Trong lần trùng tu năm 1909 thì đình được xây mới hoàn toàn mới do công trình cũ đã quá xuống cấp
Kiến trúc hiện nay của công trình mang dấu ấn thời đầu thế kỷ 20, với nét truyền thống nhà Nam Bộ, kết hợp với kiến trúc Pháp – được thể hiện qua những vòm cuốn, đầu cột, cửa chớp, và kiến trúc Trung Hoa thể hiện qua những hình thái và mô típ trang trí. Cấu trúc chính của đình Bình Thủy là khung gỗ kết cấu, kết hợp với tường bao xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Về tổng thể, công trình có kiến trúc đặc sắc, đậm dấu ấn truyền thống và hài hòa với cảnh quan.
Đình là nơi thờ các vị thần linh, Bổn Cảnh Thành hoàng và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập làng xã, dạy nghề cho dân hay những người có công với nước như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập… Sự độc đáo của đình Bình Thủy còn được thể hiện ở các công trình xung quanh khu đình chính, gồm 4 miếu thờ 4 vị thần: Thần Nông, thần Hổ, thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Đây là sự khác biệt hiếm thấy ở các công trình thờ tự khác trên địa bàn cả nước.
Kiến trúc chính có mặt bằng hình vuông, mỗi chiều có 6 hàng cột. Hệ thống vì kèo đơn giản nhưng nhịp vươn xa, tạo không gian rộng lớn trong nội thất.
Mái đình được làm theo kiểu “Tứ hải” – xòe ra bốn phía. Đây là kiểu mái phổ biến nhiều ở nhà cổ Nam Bộ.
Các hàng cột đều được treo câu đối. Các cột phía trung tâm có câu đối được trang trí, chạm khắc cầu kỳ hơn các cột phía ngoài.
Chi tiết đầu trụ ở tường biên của đình. Đây là biến thể của thức cột phương Tây, song thân cột lại đắp câu đối chữ Hán đậm dấu ấn phương Đông.
Tượng tiên ông trên bờ chảy mái có ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa. Có thể thấy mô típ này ở nhiều công trình chùa, đền, hội quán của người Hoa ở Nam Bộ.
Tượng nghê trên bờ chảy mái.
Trang trí lưỡng long chầu nhật trên đỉnh mái. Đình Bình Thủy là một công trình dân gian truyền thống có nhiều giá trị kiến trúc và lịch sử, là địa chỉ tâm linh và là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong vùng qua nhiều thế hệ. Long Tuyền Cổ Miếu tức đình Bình Thủy đã được vua Tự Đức phong sắc “Bổn Cảnh Thành Hoàng” ngày 29/11/1853 (Năm Tự Đức thứ 5). Ngày 05/9/1989 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch” đã ra quyết định công nhận đình Bình Thủy là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia.