Ngày 29/3 (tức mùng 1/3 năm Ất Tỵ), Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 đã chính thức được khai mạc. Các hoạt động mở màn gồm có lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang nguồn cội”; giải golf “Uống nước nhớ nguồn” – Phú Thọ năm 2025; Hội sách Đất Tổ năm 2025; khởi động tour đêm Đền Hùng với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội”...
Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 với chương trình nghệ thuật “Âm vang nguồn cội. Nguồn: Sở VHTTDL Phú Thọ |
Trong thời gian diễn ra Lễ hội đến ngày 7/4/2025, nhiều nghi thức dân gian truyền thống được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, như Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 3/4/2025 (tức ngày 6/3 Âm lịch); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 7/4/2025 (tức ngày 10/3 Âm lịch)...
Giải golf “Uống nước nhớ nguồn” – Phú Thọ năm 2025. Nguồn: Sở VHTTDL Phú Thọ |
Các không gian trưng bày tại Hội sách Đất Tổ năm 2025. Nguồn: Sở VHTTDL Phú Thọ |
Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2025 là một trong những cơ hội để tỉnh Phú Thọ giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp độc đáo của vùng đất cội nguồn: Đền Hùng linh thiêng, làn điệu hát xoan mộc mạc, đồi chè Long Cốc bát ngát, suối khoáng Thanh Thủy...
Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng 50 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng
Tối 29/3, tại Quảng trường 29/3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025) với chủ đề “Những nhịp cầu vươn tới tương lai”.
Chương trình nghệ thuật do Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng thực hiện, mang đậm nét địa phương, đề cao tính văn hoá, lịch sử dân tộc. Sân khấu được thiết kế với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại cùng công nghệ trình diễn thực cảnh 4D lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. |
Chương trình nghệ thuật đặc biệt là dịp để nhìn lại quá khứ hào hùng của vùng đất Đà Nẵng. |
Phát biểu tại Chương trình, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, 50 năm qua, từ một thành phố nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Đà Nẵng đã vươn lên khẳng định vị thế của một đô thị thông minh, hiện đại, năng động và phát triển bền vững.
Chương trình thu hút đông đảo người dân và du khách. |
Quảng Ninh khai hội truyền thống Bạch Đằng Giang
Tối 3/4, tại đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc Lễ hội truyền thống Bạch Đằng - Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. |
Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức từ ngày 3 – 6/4 (tức mùng 6 đến mùng 9/3 âm lịch). Đây là sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch có ý nghĩa đặc biệt được tổ chức hằng năm nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi đất nước, đặc biệt là những trận thắng oanh liệt của quân dân Đại Việt trên dòng Bạch Đằng Giang vào năm 938; năm 981 và năm 1288.
Ông Cao Ngọc Tuấn, Bí thư thị xã Quảng Yên gióng trống khai hội. |
Với những giá trị và tầm quan trọng của di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, Khu di tích lịch sử đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Di tích quốc gia lịch sử đặc biệt Bạch Đằng cũng đang được tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ trong tổng thể Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Lễ hội điện Huệ Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng 30/3, tại di tích Nghinh Lương Đình, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội điện Huệ Nam.
Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (tên dân gian là điện Hòn Chén) được tổ chức tại địa điểm chính là điện Huệ Nam tọa lạc tại làng Hải Cát, phường Long Hồ, thành phố Huế. Đây là một lễ hội dân gian nhưng lại pha trộn yếu tố văn hóa cung đình rất độc đáo của xứ Huế.
Lễ hội điện Huệ Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV |
Những hình thức như lễ tế cổ truyền, rước Mẫu, hát văn, hầu đồng được thể hiện trong lễ hội điện Huệ Nam được coi là một bảo tàng sống lưu giữ lịch sử, văn hóa qua thời gian. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV |
Lễ hội này đã trải qua quá trình hình thành, phát triển hàng trăm năm và ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. (Trong ảnh: Đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV) |
Hơn 1000 phụ nữ đồng diễn áo dài và xếp hình bản đồ Việt Nam
Sáng ngày 29/3/2025, tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), hơn 1000 phụ nữ đã tham gia sự kiện diễu hành áo dài và xếp hình bản đồ Việt Nam. Sự kiện do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhân kỷ niệm 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2025), 95 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1930 - 2025) cùng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025.
Tham dự sự kiện có hơn 1.000 phụ nữ, bao gồm lãnh đạo và cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ và hội viên phụ nữ Hà Nội, các khách mời, cùng cán bộ và sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: BTC |
Đặc biệt, phần xếp hình áo dài bản đồ Việt Nam do 500 nữ sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài cờ đỏ sao vàng thực hiện, tạo nên hình ảnh ấn tượng và đầy ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Ảnh: BTC |
Sự kiện có sự tham gia của Uỷ viên Tư Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua); Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn thị Thu Hiền (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua); hoa khôi vầng trăng khuyết Bế Thị Băng (hàng đầu, bìa trái) tham gia diễu hành. Ảnh: BTC |
Với chủ đề "Phụ nữ Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên mới", sự kiện đã truyền tải thông điệp về sự tự tin, bản lĩnh và vai trò ngày càng quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển của đất nước. Với quy mô lớn và sự tham gia tích cực của cộng đồng, chương trình đã góp phần quảng bá hình ảnh phụ nữ Việt Nam và trang phục áo dài đến công chúng trong nước và quốc tế, đồng thời khẳng định cam kết của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội./.