(VOV5) - Cứ dịp cuối xuân khoảng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4 dương lịch, hoa Đỗ quyên bừng nở, khoác lên màu áo mới cho khu rừng nguyên sinh đại ngàn.
Đỉnh Putaleng cao 3049m, theo tiếng H’Mông gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi. Putaleng có sức hấp dẫn đặc biệt với những người yêu rừng, thích ngắm hoa, trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên, cây cỏ, chim chóc. Cứ dịp cuối xuân khoảng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4 dương lịch, hoa Đỗ quyên bừng nở, khoác lên màu áo mới cho khu rừng nguyên sinh đại ngàn. Mỗi cây hoa Đỗ quyên nở như một lần tỏa sáng bằng màu sắc rực rỡ, bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn của du khách.
Đỗ quyên là loại cây thân gỗ, cao từ 1m tới hàng chục mét, sống cộng sinh cùng nhiều loài cây khác trong rừng. Nếu leo Putaleng, thường lên khoảng độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, bạn mới bắt đầu gặp Đỗ quyên. Càng lên gần tới đỉnh, Đỗ quyên mọc càng nhiều, cây cổ thụ, rêu phong như đã ở đây cùng nắng gió hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Hoa Đỗ quyên nở rộ từng chùm tạo vẻ đẹp rực rỡ, lung linh của màu sắc và sức sống.
Trong một ngày nắng đẹp, tươi vàng mùa xuân, bạn sẽ ngất ngây khi ngắm nhìn những cành hoa Đỗ quyên đỏ, hồng nở rộ soi bóng trên nền trời xanh ngắt. Không gian núi rừng bao la, khoáng đạt, mênh mông kỳ vĩ mà cũng vô cùng thơ mộng. Tự bản thân khung cảnh với sự phối màu hài hòa tạo nên bức tranh đẹp lung linh. Ngắm hoa, bạn sẽ thấy những mệt mỏi trên cung đường trekking tan biến.
Hoa Đỗ quyên rừng ở Việt Nam chủ yếu phân bố ở khu vực rừng Bạch Mã – Thừa Thiên Huế, Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và đặc biệt là vùng núi Hoàng Liên Sơn thuộc Lào Cai và Lai Châu. Riêng khu vực Hoàng Liên Sơn, các nhà khoa học tìm thấy 30 loài Đỗ quyên. Leo Putaleng, chúng tôi thấy một số loài Đỗ quyên phổ biến được nhận dạng theo màu hoa. Loại có màu tím phớt hồng, chùm hoa nhỏ nhưng rất nhiều hoa cùng nở. Trong nắng, những cây hoa Đỗ quyên loại này bừng lên như những điểm sáng trên nền cây rừng xanh thẳm.
Loài hoa Đỗ quyên nổi bật nhất trong rừng Putaleng là loài có màu đỏ tươi, bông và chùm hoa khá lớn. Đây là loại hoa dễ nhận thấy và nhiều người yêu thích nhất vì màu hoa bắt mắt.
Một loài Đỗ quyên dễ bị bỏ sót nhất khi leo núi hoặc khó nhìn là Đỗ quyên trắng phớt hồng. Hoa nhỏ, chùm không lớn và màu hoa không nổi bật, thường chen lẫn trong đám lá với các loài cây khác. Nhiều khi bạn nhìn cánh hoa rụng dưới chân nhưng phải nhìn rất kỹ mới thấy hoa.
Trên Putaleng cuối tháng ba, Đỗ quyên nở rộ, nhiều nhất, gây ấn tượng mạnh nhất là loài hoa màu hồng đậm. Đoạn đường gần lên đỉnh núi có rất nhiều Đỗ quyên màu này. Những chùm hoa to, phân tách rõ ràng nhiều bông dính vào nhau nên bạn có thể thoải thích ngắm, chụp ảnh cận cảnh từng chùm, cánh hoa.
Theo những người dẫn đường, trên Putaleng còn loài Đỗ quyên vàng nữa, nhưng nở muộn hơn, khoảng cuối tháng tư dương lịch. Có lẽ cây Đỗ quyên trên đỉnh núi là loài này nên khi chúng tôi tới nơi thì vẫn chỉ có mấy nụ nho nhỏ.
Một hành trình leo núi không chỉ là thử thách và vượt qua bản thân, hân hoan trong niềm vui chinh phục, mà còn bao khoảnh khắc trải nghiệm trên đường. Chưa kể tới những kỷ niệm thì cung đường lên đỉnh Putaleng, ngắm nhìn hoa Đỗ quyên rừng cũng khiến bạn ngất ngây trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Và sau những khoảng lặng để ngắm nhìn, cảm nhận, lưu giữ, bạn sẽ thấy những cánh rừng quý đến nhường nào, chất chứa biết bao điều kỳ diệu đón chờ ta khám phá, để cùng nâng niu, trân trọng, gìn giữ.