(VOV5) -Năm 2021 khép lại, dù phải gánh chịu những tác động "tàn khốc" của dịch bệnh Covid-19 nhưng đây cũng là quãng thời gian để người dân Việt Nam cảm nhận rõ những giá trị nhân văn.
Năm 2021, đại dịch đã tạo ra cuộc hồi hương lớn nhất trong lịch sử với đủ các cung bậc cảm xúc, đau đớn, xót xa, mặn chát nhưng cũng lại đầy ắp sự đùm bọc, yêu thương…..Những phận đời mong manh trong cuộc hồi hương ấy dẫu không thể vơi hết gian truân, nhọc nhằn nhưng không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.
“Dịch bệnh ai cũng khó khăn cả. Nhưng với tinh thần "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách" nhiều nên ai giúp được gì cũng sẽ sẵn sàng, không tính toán, so đo, không phân biệt người lạ hay quen, tất cả đều thân thương như chính ruột thịt của mình vậy”….Những chia sẻ mộc mạc, chân thành của một nhà hảo tâm nhưng cũng là cảm nhận chung của triệu triệu tấm lòng trong năm qua.
Mỗi người một nghĩa cử, điều đó không chỉ giúp cho những người khốn khó thêm ấm lòng, mà nó còn viết nên những câu chuyện đẹp đẽ về sự nhân ái, về nghĩa tình đồng bào đậm sâu…
Làn sóng hồi hương mạnh mẽ khiến thị trường lao động bị đứt gãy và đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động bị mất việc làm và bị cắt giảm thu nhập. Trong năm qua cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò “bà đỡ” giúp người lao động vượt qua khó khăn và quay trở lại thị trường lao động.
Một năm không chỉ đáng nhớ với những câu chuyện của tình người và sự tử tế, mà còn là năm ghi nhận rất nhiều điểm sáng trong bức tranh an sinh xã hội. Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", ngay khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội như gói 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68, gói 38 nghìn tỷ theo Nghị quyết 116…Đây được xem là các quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ, kịp thời bổ sung, gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội, ứng phó kịp thời và hiệu quả với những tác động mà đại dịch gây ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: Tập trung cho con người, hỗ trợ cho con người, đặc biệt là an sinh xã hội để cho con người là vốn quý nhất. Thông điệp ấy tạo nên sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, của cả hệ thống chính trị, góp phần động viên, hỗ trợ tinh thần, giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách. Đó là chiến thắng của một quốc gia đoàn kết.
Lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch Covid-19. Không chăm lo tốt công tác an sinh cho lực lượng lao động này, sẽ tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Bởi vậy các gói hỗ trợ trong năm qua luôn đặt trọng tâm và hướng tới người lao động, nhất là khu vực phi chính thức, nhóm lao động yếu thế.
Dẫu đã có những cải thiện đáng kể nhưng trong năm 2022, trước những thách thức đòi hỏi của thực tiễn, việc số hóa tất cả các dữ liệu về người lao động là một yêu cầu quan trọng, cần làm ngay nhằm xác định đúng đối tượng thực sự cần hỗ trợ khi có biến cố xảy ra.
Nhìn lại công tác an sinh xã hội trong năm 2021, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Năm qua công tác an sinh đã được thực hiện rất bài bản, có lộ trình, có bước đi cụ thể và đều thể hiện tinh thần nhân văn, thể hiện sự chung sức, đồng lòng chăm lo cho người lao động, chia sẻ với người lao động để vượt qua đại dịch.
Chính những chính sách đầy nhân văn này đã góp phần tạo cho người dân sự tin tưởng, yên tâm thực hiện quy định phòng chống dịch. Đặc biệt, việc cả nước dần trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội cũng chính là minh chứng rõ nét sự hiệu quả của việc đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh phức tạp của đại dịch.
“Nếu triển khai chậm là có lỗi với dân, để xảy ra tiêu cực hay trục lợi chính sách là có tội với dân”. Đó là câu mà người đứng đầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội - ông Đào Ngọc Dung liên tục nhấn mạnh nhiều lần khi chỉ đạo việc triển khai các gói hỗ trợ. Bên cạnh những hiệu quả từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn thừa nhận, do nhiều áp lực nên vẫn có những chính sách hỗ trợ chưa đến được với người dân; một bộ phận cán bộ ở cơ sở sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, có nơi trong quá trình tổ chức thực hiện còn cứng nhắc, máy móc. “Tôi nghĩ rằng có một phần lỗi của ngành lao động, tuyên truyền không kỹ, không đầy đủ” -Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.