“Nam Việt thần kì hội lục“- tư liệu quý báu về hệ thống thần linh của Đình làng Việt
Đức Anh/VOV5 -  
(VOV5) - "Nam Việt thần kì hội lục" là một thư tịch cổ tập hợp kê khai danh tính, hành trạng, sắc phong, địa điểm thờ tự của hàng nghìn vị thần linh trên địa bàn của 11 trấn của Bắc Thành
Chiều 29/7, buổi tọa đàm về nội dung cuốn sách "Nam Việt thần kỳ hội lục" do nhóm Đình Làng Việt tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
"Nam Việt thần kì hội lục" là một thư tịch cổ tập hợp kê khai danh tính, hành trạng, sắc phong, địa điểm thờ tự bách thần. Nội dung của văn bản ban đầu bao gồm 3.864 thần hiệu (danh hiệu của các vị thần) trên địa bàn của 11 trấn của Bắc Thành (gồm 5 nội trấn là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, và sáu ngoại trấn: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Yên Quảng, Cao Bằng, Tuyên Quang), nhưng hiện tồn chỉ còn 1269 vị. Sách này được thực hiện tại Bắc Thành trong giai đoạn 1804 đến 1810, dưới sự chỉ đạo của hai vị Đặng Trần Thường, Nguyễn Gia Cát. Cuốn sách cho ta một cái nhìn tổng quan về hệ thống của thần điện (điện thờ, nơi thờ bái thần linh), cách phân loại và quản lý bách thần trong giai đoạn đầu triều Nguyễn với những nỗ lực của hoàng đế Gia Long và Minh Mệnh.
Buổi toạ đàm có chủ đề "Thần linh dưới quyền lực nhà nước: trường hợp Nam Việt Thần Kỳ hội lục".
|
|
"Nam Việt thần kì hội lục" NXB Đại học Sư Phạm, 2022, dày gần 500 trang, do Trần Trọng Dương - Dương Văn Hoàn biên dịch và khảo chú, ghi chép 1000 vị thần linh ở các tỉnh thành ở Bắc Bộ vào đầu thế kỷ XIX, do Bắc Thành soạn theo lệnh vua Gia Long. |
|
Các diễn giả và khách mời tới tọa đàm gồm có: PGS. TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (áo vàng ngồi giữa) TS. Trần Đoàn Lâm, nguyên Giám đốc NXB Thế giới (bên phải) và TS. Trần Hậu Yên Thế, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, BQT CLB Đình làng Việt (bên trái). |
|
Đông đảo các nhân sĩ khoa học, giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa cũng tới tham gia tọa đàm. |
|
PGS. TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ về nội dung cuốn sách và quá trình giám định địa danh, dữ kiện lịch sử trong sách.
|
|
Nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề lịch sử, độ chính xác trong quá trình giám định và nguồn gốc tài liệu được đặt ra. |
|
Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều vấn đề liên quan tới tục thờ Thần và Thành hoàng trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt cũng được thảo luận./.
|
Đức Anh/VOV5