Những giây cuối cùng của 365 ngày năm cũ cảm giác có chút chùng chình chậm lại vài sat-na, như khoảnh khắc vũ trụ cũng xao xuyến lưu luyến trước lúc chia tay, để thêm một cái ngoái lại những trải nghiệm đã qua, rồi cất vào kho ký ức, để trong tích tắc, chớp sáng bùng lên lung linh, lộng lẫy của từng chùm pháo hoa rực rỡ một góc trời, hòa vào tiếng chuông thong thả buông những âm thanh linh diệu, báo hiệu phút chuyển giao linh thiêng Trời- Đất, một mùa xuân mới cho thế gian trường sinh bất diệt, một năm mới cho mọi sự khai mở khánh tiết tươi đẹp.
Ảnh minh họa: Hoài Hương |
Cơn gió nghinh xuân mỏng nhẹ hư ảo lướt qua chạm vào vạn vật, cho bừng lên sức sống chồi non, gieo lộc biếc từng ô cửa gia đình, cho hương khói trầm mang linh khí phảng phất bảng lảng trong không gian. Năm Nhâm Dần 2022 đã chính thức lui vào thành một trang lịch sử đất nước Việt Nam nhường cho năm Quý Mão 2023 bắt đầu viết hàng chữ mới, hàng chữ của những hứa hẹn vận hội mới đầy hy vọng tươi đẹp với ước mơ chuyển mình phát triển, thịnh vượng, trường tồn của quốc gia.
Trong khoảnh khắc giao thừa, chỉ một sat-na thời gian thiêng liêng ấy, trong tâm mỗi người Việt đều muốn “tống cựu”, qua đi những khó khăn, mất mát, thất bại, khổ đau, thiếu khuyết…, và hân hoan chờ đợi “nghinh tân”, đón vui vẻ, may mắn, hỷ lạc, cát tường, hoàn hảo... Nhìn ngắm dòng người tấp nập đón giao thừa trên phố từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bắt gặp những nụ cười đầy hoan hỷ và nghe được bao lời chúc tụng tốt đẹp, an vui, cảm nhận được thời khắc diệu kỳ tâm thư thái, an bình nội tại. Cảm nghiệm huyền nghĩa “hiện tại lạc trú” khi ngắm nụ môi cười, khi nhận ánh mắt thương yêu...
Ảnh minh họa: Hoài Hương |
Mùa xuân lan tỏa năng lượng vũ trụ linh diệu, khích lệ mọi người sống lạc quan. Người trẻ tràn đầy nhựa sống, hừng hực khát vọng tri thức nhân gian, mong mình được trưởng thành, thành đạt, thành tài, thành danh, sẵn sàng đón nhận những thách thức của cuộc đời đang ở phía trước. Người cao tuổi mừng thọ, vương chút bâng khuâng khi nhận ra mình đang thuộc về hoài niệm, mỗi ngày mới là đong thêm ký ức về những vui, buồn của năm tháng cuộc đời, nhưng vẫn mang tinh thần giữ lửa thanh xuân và sống phúc thọ vui cùng con cháu mỗi ngày, .
Trong cuộc trò chuyện vào ngày giáp Tết với nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt, khi cùng nói về cuốn tản văn mới “Chúng ta sống là vì…” của Việt, có vài lần hai chúng tôi bỗng im lặng, để nén lại cảm xúc cứ chực nước mắt tràn mi. “Rộn ràng thiệt ha em, hôm qua ra phố, thấy đâu đâu cũng không khí Tết chộn rộn, người xe nhộn nhịp, các bạn trẻ mặc áo dài truyền thống, áo dài cách điệu check-in những tiểu cảnh mô phỏng Tết xưa ở chợ Bến Thành, ở Sài Gòn Centre, khách sạn Rex..., nghe mùi Tết thấp thoáng mà mừng”.
Cảm giác mừng đến rưng rưng, như Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh chưa từng có những trang buồn mùa dịch năm cũ, chưa từng có những tháng ngày thành phố lặng thinh trống vắng buồn tênh bởi dịch bệnh tràn qua. Những ngày này, ra phố, dẫu có chút kẹt xe, dẫu có chút nhộn nhạo, chen lấn, ồn ào, mà trong lòng thấy vui. Cứ nhìn ánh mắt lấp lánh, cùng những tíu tít trai thanh gái tú xung quanh các tiểu cảnh Tết Việt truyền thống nơi trung tâm thành phố, mà “vui sao nước mắt lại trào”. Vâng! “Mùa bình thường mùa vui này đã về”….
Ảnh minh họa: Hoài Hương |
Có một niềm vui lan tỏa, dù không quen biết họ, khi nhìn thấy một gia đình Việt kiều 3 thế hệ, xúng xính áo dài Việt, đã quây lấy tiểu cảnh Xuân ngay trước cửa chợ Bến Thành, bên hai cội mai vàng, bên thảm cỏ xanh mượt, bên bánh chưng bánh tét và dưa hấu cùng ngũ quả cầu- dừa- đủ- xoài- sung…, chụp ảnh, live stream, mắt miệng tươi rói. Biết họ cũng vừa từ cuộc gặp gỡ tất niên của UBND TP Hồ Chí Minh với kiều bào về quê ăn Tết, sau 3 năm dịch bệnh toàn cầu..
Ừ, một năm qua, TP. Hồ Chí Minh hồi sinh thần tốc, gần như chuyện hôm qua của bi thương đã ghim lại trong một góc ký ức lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn, và mỗi công dân thành phố hôm nay đều ý thức được những trân quý cuộc sống, để sống và làm việc, cống hiến gấp nhiều lần ngày cũ, cùng chung tay vực dậy thành phố trở lại sự phồn thịnh, rực rỡ…
Ảnh minh họa: Hoài Hương |
Em Hà Nội, biết tôi luôn nặng tình với Thủ đô, năm nào giao thừa, đúng lúc pháo hoa bùng lên rực rỡ bên Hồ Gươm cũng gọi điện vào, sau câu “Chúc mừng năm mới”, là trực tiếp tả lại không khí Hà Nội đêm giao thừa. Ừ mà lạ, hình như vào thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, bất chợt xuân về trong một làn gió ấm áp kỳ diệu, làm tan sự đông cứng của giá lạnh, đánh thức các mầm chồi non đã ngủ yên suốt mùa đông buốt giá mà không phải ai cũng dễ nhận ra.
Bức tranh của Họa sĩ Phạm Hà Hải
|
Lại nhớ, ngay trước lúc giao thừa, họa sĩ Phạm Hà Hải đã khoe qua hình ảnh một bức phác thảo Xuân với màu xanh ngọc lục diệp bảo mượt mà tràn đầy sức sống, cảm giác như từng tinh thể gịot mưa xuân xanh trong suốt, lọc không gian xuân một màu xanh ngọc tuyệt đẹp, thanh bình, thanh yên. Mà thật, giao thừa Hà Nội có sự kỳ ảo huyền diệu không phải ai cũng có thể nhận ra, trong khoảng tĩnh lặng thiêng liêng của vũ trụ lúc chuyển giao, cảm giác nghe được tiếng cựa mình thức dậy của hàng triệu triệu mầm cây, và trong chớp mắt là những mắt lá non biếc bật ra chào mùa xuân trong lây rây mưa phùn.
Dù ở tận phương Nam, qua những hình ảnh, qua giọng nói như mang cả mùa xuân của em, mà cảm nhận không khí háo hức đón xuân của Hà Nội. Từng dòng người tấp nập đến đền Ngọc Sơn để thắp hương cho Đức Phật, Đức Thánh Trần, thắp hương ở đền thờ vua Lý Thái Tổ, vua Lê Thái Tổ, rồi đền Bà Kiệu nơi thờ ba vị nữ thần của nước Việt là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ. Trong làn khói hương trầm, trong tâm vọng “ôn cố tri tân”, ai ai cũng cầu mong năm mới quốc thái, dân giàu, nước mạnh, nhà nhà bình an, hạnh phúc…
Phút giao thừa đã qua, trở về nhà, đứng trước bàn thờ gia tiên, ngắm khói trầm hương nhẹ bay mà tâm lắng sâu đến tận cùng trầm tích không gian thời gian, để cõi linh thiêng hiện về mang tín hiệu của an yên phúc hạnh và tin yêu. Chợt nhớ đến người bạn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, khai bút năm mới, đăm đắm vào những mảnh ghép văn hóa truyền thống dân tộc..
… “Bên sông, có người vun lửa, nấu bánh. Khuôn gỗ, lạt tre, lá dong và những nong nia thúng mủng,… bày biện quanh sân nhà. Họ nấu, không chỉ để có cái ăn ngày Tết, mà để giữ một nét Xuân truyền thống. Vì họ hiểu rằng, bỏ quên truyền thống, cũng là bỏ quên một phần quá khứ. Bỏ quên quá khứ, là bỏ quên một phần của lòng biết ơn các tiền nhân tổ tiên.
Cũng bởi vậy mà, dù điện đã đủ dãi sáng, nhưng có cụ già, vẫn nhẹ khoác áo lam, bắc thang, từ tốn leo lên, mỉm cười thắp sáng ngọn đèn bão trong sân nhà, thong thả ngắm nghía, hệt như cách người thâm trầm nhấp một ly hoài cổ, cảm giác tựa hồ nhấm nháp, tận hưởng những thứ thuộc về xưa cũ đầy êm dịu, nhẹ nhàng, khiến kẻ đứng từ xa, muốn ngỏ một lời làm quen:
- Cụ đã rảnh chưa. Xin mời cụ vài ly văn hóa.
Và một kẻ đứng xa hơn nữa, cũng muốn tới:
- Cho mình ké với…
Ly văn hoá đó, muốn ngon, chắc phải dùng với Đào, nhưng đừng phân ranh xứ Bắc. Và Mai, đừng khúc biệt miền Nam miền Trung. Văn hoá đó, muốn chưng cất, phải chịu bão hoà. Cũng như rượu, nhúng men vào gạo, hoá hèm, ngâm càng lâu, hương càng nồng nàn…”.
Tuổi trẻ có cách nhìn, cách cảm về truyền thống không như các thế hệ trước, nhưng nhìn sâu vào đôi mắt của họ, dễ dàng nhận ra bên trong lớp vỏ cách kiểu mới mẻ tưởng như vô tâm vô thức đó, vẫn là trái tim đang hòa nhịp cùng hơi thở của đất trời, của quốc gia, dân tộc, là chiêm ngẫm thiêng liêng đêm giao thừa tỏa nồng thơm trong giấc mơ tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sự cống hiến.
Khúc giao thừa đã qua báo hiệu năm mới Quý Mão 2023 rộn ràng khắp ba miền Nam- Trung- Bắc, tràn ngập âm giai rạo rực từ miền ngược đến miền xuôi, từ miền biên viễn núi cao đến hải đảo trùng khơi xa và cả đến những kiều bào hải ngoại năm châu bốn bể.
Đã nghe mùa xuân hát, nghe tim mình reo vui…/.