Từ những chiếc khuôn đã bạc màu, từ những dụng cụ mài dũa gắn với bao thế hệ, nghề đúc đồng nơi đây không chỉ giữ nghề – mà giữ cả ký ức của đất Hà thành. Ông Nguyễn Văn Ứng, nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã, TP. Hà Nội, cho biết: “Làng Ngũ Xã đã hình thành nghề đúc đồng 400 năm nay, từ thời vưa Lê Huy Tông, các cụ nhà tôi đã được vua mời về đây để đúc các tượng phật tại các chùa. Việt Nam có rất mình làng nghề đúc đồng, không chỉ riêng gì Ngũ Xã mà các làng nghề khác mỗi nơi đều có nét nghệ thuật riêng. Xưởng chúng tôi thành lập hơn 40 năm nay rồi, đơn đặt hàng của nhân dân cũng rất là nhiều, cha ông chúng tôi mà biết được con cháu giờ này vẫn giữ được nghề thì chắc chắn là mừng lắm”.
Mỗi sản phẩm ở đây là một lát cắt ký ức. Với thế hệ cha ông, đó là niềm tự hào, còn với lớp trẻ, liệu có còn chỗ cho những giá trị này trong đời sống hôm nay?
Câu trả lời nằm ở chính những người trẻ như Trương Minh Quân – một nhiếp ảnh gia với tuổi đời mới đôi mươi. Tuy không sinh ra ở Ngũ Xã, nhưng đã tìm thấy ở nơi này chất liệu sáng tạo và nguồn cảm hứng văn hóa dân gian bất tận tại đây. Bạn Trương Minh Quân, TP. Hà Nội, chia sẻ: “Những nét đẹp văn hóa truyền thống luôn tạo cho em cảm xúc muốn ghi hình lại ngay tức khắc, những cảm xúc của văn hóa dân tộc khiến em có niềm đam mê công việc nhiều hơn. Những sản phẩm ở đây không có gì phải bàn rồi, độ chi tiết rất là sắc nét, các nghệ nhân quá là xuất sắc”.
Từ đôi tay chai sạn của người thợ xưa – đến ánh nhìn mới lạ của người trẻ – nghề đúc đồng Ngũ Xã đang tái sinh bằng chính hơi thở của thời đại. Ông Nguyễn Văn Dương, TP. Hà Nội, cho biết: “Từ 1 miếng đống mà đến khi thành tượng nó rất mềm mại, nó mang nghệ thuật điêu khắc, từ tà áo nó nổi bật lên. Dưới góc độ ánh sáng nhìn vào như ngành hội họa vậy”.
Từ nơi này, những tiếng đúc đồng hàng ngày vẫn vang vọng, và nghề đúc đồng Ngũ Xã giờ đây không còn là ký ức mà đang sống lại từng ngày, trong nhịp thở của tuổi trẻ, trong tâm thế hội nhập, và khát vọng vươn xa.