Phật tử hân hoan đón mừng Đại lễ Phật đản 2024
Chung Thủy/VOV.VN -  
(VOV5) -Từ sáng sớm, rất nhiều người dân đã có mặt tại chùa Quán Sứ để dự Đại lễ Phật đản 2024.
Sáng 22/5, tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chùa Quán Sứ- Hà Nội), Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự GHPGVN long trọng tổ chức đại lễ kính mừng Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).
Từ sáng sớm, rất nhiều người dân đã có mặt tại chùa Quán Sứ để dự Đại lễ Phật đản 2024.
Đến đây, ai cũng háo hức, hân hoan và mong cầu một năm thật an vui, sức khỏe và quốc thái dân an.
Các phật tử tham gia nghi lễ tắm Phật.
Chị Nguyễn Thị Vân (Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, hàng năm, vào Đại lễ Phật đản, chị đều đến chùa Quán Sứ tham gia đại lễ. Đến đây chị cảm thấy an lạc và nguyện sẽ làm nhiều điều thiện, phước lành. Chị cầu mong một năm an lành, thuận buồm xuôi gió bình an đến với bản thân mình, gia đình và những người thân.
Phật tử Lê Thị Kim Hoa cho hay, chị rất mong chờ đến ngày Đại lễ Phật đản, nhiều năm nay chị đều tham gia ngày đại lễ này: “Tôi là con của Phật, đến đây cùng mọi người nhất tâm cầu nguyện cho quốc thái, dân an; Cầu cho mọi người được mạnh khỏe, bình an, luôn gặp nhiều đều tốt đẹp. Tôi luôn cảm thấy an lạc, tinh thần thoải mái khi tham gia những sự kiện như thế này”.
Đại lễ Phật đản được Liên Hợp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình. Trong thông điệp của Tổng Thư ký LHQ đã khẳng định: “Ngày lễ Phật đản là cơ hội vô giá để tất cả chúng ta suy nghiệm lại những lời dạy của Đức Phật trong việc giúp cộng đồng thế giới giải quyết những thách thức khẩn cấp”. Tổng Thư ký Antonio Guterres nêu rõ: “Thông điệp của Đức Phật về phi bạo lực và phục vụ chúng sinh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đọc diễn văn Đại Lễ Phật đản Phật lịch 2568-DL2024.
Diễn văn nhấn mạnh: Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 năm nay diễn ra trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cách đây 70 năm về trước. Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với các thế hệ chư Tăng tham gia phong trào cởi áo cà-sa, khoác chiến bào năm 1947. Đó cũng là minh chứng lịch sử tiếp nối hào khí Đông A thời Trần của Phật giáo Trúc Lâm, của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn mong muốn, Tăng Ni phải đề cao trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, và làm tròn bổn phận của mình góp phần xiển dương Chánh pháp, bảo vệ niềm tin, tỏa sáng đạo mầu đến khắp nhân gian. Các cấp Giáo hội tập trung tổ chức tốt kỳ an cư kết hạ Phật lịch 2568 nêu cao tính kỷ cương, trách nhiệm, hành trì giới luật để trang nghiêm Giáo hội ngõ hầu báo đáp, tri ân công đức sâu dày của chư vị Tổ sư tiền bối. Giáo dục lòng yêu nước, tự hào truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam; Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc chung tay xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam tuyên đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thông điệp bày tỏ: Đại lễ Phật đản, hay ngày Tam hợp - Kỷ niệm Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết-bàn, là dịp cùng nhau ôn lại cuộc đời cao thượng, những lời dạy vô ngã vị tha, đầy thương yêu và trí tuệ, không chỉ là nguồn an ủi mà còn hiến tặng giải pháp thiết thực chuyển hóa nỗi khổ đau cá nhân, kiến tạo môi trường an lạc cho vạn loại chúng sanh.
Hòa Thượng kêu gọi kêu gọi tất cả những người con Phật hãy tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật; tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tam độc tham, sân, si thành tam vô lậu học giới, định, tuệ; kiến tạo chánh báo trang nghiêm thanh tịnh để hình thành y báo hòa bình, an lạc như kinh Duy Ma Cật đã dạy: “Tâm bình thế giới bình”.
Tiếp đó, các Chư tôn đức lãnh đạo GHPG Việt Nam trang nghiêm cử hành nghi lễ dâng hương, tụng kinh Chuyển pháp luân.
Các Chư tôn đức lãnh đạo GHPG Việt Nam cùng các đại biểu tham gia nghi thức tắm Phật truyền thống.
Nghi thức tắm Phật là một hành động để mỗi người liên tưởng tới việc gột rửa thân tâm của bản thân nhằm tìm lại sự thanh tịnh vốn có.
Chung Thủy/VOV.VN