(VOV5) - Gắn với 40 năm xây dựng và phát triển của phòng Việt Kiều là công sức của nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên tâm huyết, giỏi nghề.
Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc" chính thức phát sóng ngày 16/8/1981. Cho đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan ngôn luận duy nhất ở Việt Nam, có riêng chương trình phát thanh dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc với thời lượng phát sóng 300 phút/ngày.
"Chương trình Phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc" (gọi tắt là Chương trình Việt kiều) là sự tiếp nối của "Chương trình phát thanh 0 giờ", (phát sóng lúc 0 giờ) ra đời năm 1973, với nhiệm vụ chủ yếu là biên tập những thông tin thời sự, trọng tâm là tin chiến sự để phục vụ cho phái đoàn Việt Nam có dữ liệu để đàm phán ở Hội Nghị Paris.
Chương trình này được phát sóng liên tục. Năm 1981, đất nước đã thống nhất, công tác thông tin về kiều bào cần có sự thay đổi về nội dung, hình thức, cần phải có một phòng chuyên môn thực hiện chương trình phát thanh riêng, phục vụ cho đối tượng rất, rất đặc thù là kiều bào, nên Phòng Việt Kiều chính thức được thành lập, thuộc ban Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tháng 7/1994, công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, nhận thấy thông tin cho Kiều bào cần có giọng điệu riêng, cách thể hiện riêng, Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định chuyển phòng Việt Kiều từ Ban Thời sự sang Ban Biên tập Đối ngoại (nay là Ban Đối ngoại).
40 năm qua, Chương trình phát thanh Việt kiều đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là góp phần định hướng dư luận, đấu tranh với các phần tử thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kết nối kiều bào đóng góp xây dựng đất nước, quê hương.
Gắn với 40 năm xây dựng và phát triển của phòng Việt Kiều là công sức của nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên tâm huyết, giỏi nghề. Nhiều người trong số họ được luân chuyển, bổ nhiệm ở cương vị công tác khác, cao hơn. Nhưng tất cả, đều góp công sức để xây dựng một chương trình phát thanh đặc thù, để lại những dấu ấn khó quên. Thế hệ phóng viên, biên tập viên hôm nay đang nỗ lực tiếp nối những công việc đó.
Một số hình ảnh phóng viên, biên tập viên phòng Việt kiều trong các chuyến tác nghiệp:
Nhà báo Huy Dung (Ngoài cùng bên phải), nhà báo Thụy Chóng (thứ hai từ phải sang) và nhà báo Huyền Yến (thứ tư từ phải sang) cùng các đồng nghiệp trong chuyến công tác ở tình Bắc Giang |
Nhà báo Hải Tần sản xuất tin bài trên chiếc máy chữ |
Nhà báo Huyền Yến phỏng vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm về hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào |
Nhà báo Huyền Yến tác nghiệp tại Liên bang Nga: Gặp đại diện lãnh đạo Tổng công ty thương mại Sông Hồng, Matxcova năm 2002 |
Nhà báo Đào Xuân Tân với thính giả quốc tế |