Ra mắt Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA lớn nhất Việt Nam

(VOV5) -Ngày 6/6/2017, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đã chính thức khai trương tại Hà Nội, với sứ mệnh hỗ trợ, kết nối và lan tỏa nghệ thuật tới đông đảo công chúng. Đây là trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận quy mô lớn, do Tập đoàn Vingroup phát triển và tài trợ toàn phần

 

Clip toàn cảnh lễ khai mạc: 

 

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) nằm ở trung tâm Khu đô thị Royal City (Nguyễn Trãi, Hà Nội) hội tụ những nghệ sĩ, cá nhân và tổ chức cùng hướng đến mục tiêu đóng góp và xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam đương đại. Sứ mệnh của VCCA là làm cầu nối đưa nghệ thuật tiệm cận công chúng một cách rộng rãi, khơi gợi cảm hứng, tham gia xây dựng môi trường hoạt động nghệ thuật sôi nổi nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nước.

Ra mắt Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA lớn nhất Việt Nam - ảnh 1

Trọng tâm hoạt động của VCCA là Quỹ Phát triển Nghệ thuật Vincom với ba mục tiêu chính là đầu tư bảo tồn, bảo tàng nhằm sưu tập, gìn giữ các di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam và các tác phẩm có giá trị về lịch sử, nghệ thuật...; Tạo sân chơi cho các nghệ sỹ triển lãm tác phẩm theo hình thức kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp; Lập bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, VCCA còn có nhiệm vụ giới thiệu những tác phẩm có giá trị, các xu hướng nghệ thuật mới, nhằm góp phần định hướng thẩm mỹ và lan tỏa tri thức về nghệ thuật tới đông đảo công chúng trong nước.

Họa sĩ Thành Chương, người được bạn bè quốc tế đặt cho biệt danh “biến giấc mơ thành hiện thực” với không gian Việt Phủ Thành Chương nổi tiếng, cho biết ông hết sức vui mừng và cảm động từ đáy lòng: “Anh em nghệ thuật chúng tôi rất cảm ơn vì mô hình trung tâm như thế này chúng tôi mong mỏi, trông chờ từ lâu, từ hết thập niên này đến thập niên khác. Đó là một giấc mơ mà chúng tôi đã nghĩ là không thể trở thành hiện thực mà giờ lại hiện hữu thế này. Người làm nghệ thuật cảm kích lắm và tạo động lực để người nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm xứng tầm”.

Ra mắt Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA lớn nhất Việt Nam - ảnh 2

Với tổng diện tích lên tới gần 4.000m2 tại TTTM Vincom Megamall – VCCA không chỉ có quy mô lớn nhất mà còn là Trung tâm nghệ thuật độc đáo nhất với không gian trưng bày tràn ngập ánh sáng tự nhiên trong lòng đất. Bên cạnh khu vực triển lãm chính với cửa sổ trời ấn tượng và mặt bằng có khả năng thay đổi linh hoạt theo từng sự kiện, Trung tâm còn các phòng chiếu video, xưởng sáng tạo, lớp học mỹ thuật, thư viện, trà quán, và các kho lưu trữ, bảo quản tác phẩm được trang bị hệ thống kiểm soát không khí và độ ẩm theo tiêu chuẩn bảo tàng quốc tế. Đặc biệt, nhất quán với tinh thần nghệ thuật đương đại, VCCA được thiết kế theo phong cách tối giản, tinh tế, thực sự là không gian lý tưởng cho các tác phẩm thể hiện trọn vẹn ngôn ngữ sáng tác, cá tính và tư tưởng của các nghệ sĩ.

“Lần đầu tiên tôi thấy một Trung tâm nghệ thuật lớn với các điều kiện hiện đại thế này. Với tư cách Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi đánh giá cao sự ra đời của Trung tâm này”, họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ.

Ra mắt Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA lớn nhất Việt Nam - ảnh 3

Sau khi mở cửa, VCCA sẽ hoạt động theo chu kỳ 4 mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông theo từng chủ đề Triển lãm cùng chuỗi hoạt động giáo dục, trải nghiệm nghệ thuật. Khởi đầu hoạt động của VCCA là Triển lãm Tỏa/The Foliage diễn ra từ 6/6 - 6/8/2017. Là mùa gặp gỡ đầu tiên của các nghệ sĩ đương đại -  Tỏa là nơi hội tụ của những cuộc đối thoại Đông – Tây, những lập ngôn không lời và những nguồn cảm hứng hòa quyện để lan tỏa.

Ra mắt Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA lớn nhất Việt Nam - ảnh 4

Ban Điều hành và Hội đồng Cố vấn của VCCA là những nghệ sỹ nổi tiếng trong và ngoài nước – những tên tuổi có khả năng đưa VCCA bắt kịp với các xu hướng thế giới, tiến tới trở thành một trong những Trung tâm nghệ thuật đương đại triển vọng của khu vực trong tương lai.

Với quy mô và tiêu chuẩn quốc tế, VCCA sẽ là điểm hẹn mới của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đây cũng là cơ sở nền tảng, góp phần hình thành và phát triển bền vững cho nghệ thuật và văn hoá hiện đại trong nước; đồng thời tạo cầu nối cho nghệ sỹ Việt Nam chủ động tham gia thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới./.

Season 1 – Tỏa / The Foliage

VCCA khởi động mùa triển lãm đầu tiên với chủ đề Tỏa (The Foliage), trưng bày tác phẩm của 18 nghệ sĩ đương đại Việt Nam và quốc tế. Tỏa là những cuộc đối thoại ý nghĩa, nơi các tác phẩm nghệ thuật phong cách đa dạng được sắp đặt cạnh nhau không theo niên đại hay chủ đề, mà thông qua sự tương tác giữa các yếu tố chuyên môn và kiến trúc đặc trưng của không gian trưng bày. Trong đó, công chúng sẽ được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kích thước lớn của Bùi Hải Sơn, Trương Tân và Nguyễn Mạnh Hùng cùng những tác phẩm mới của Phạm Đình Tiến, Võ Trân Châu, Lê Hoàng Bích Phượng, Phi Phi Oanh, Trần Văn Thảo, Nguyễn Quang Huy, Lê Thừa Tiến, Đặng Xuân Hòa và Hà Trí Hiếu.

Đặc biệt, tại cửa sổ trưng bày có kích thước ấn tượng (3x17 mét), nghệ sĩ Pháp-Việt Trúc Anh sẽ kể câu chuyện ẩn dụ Ngụ ngôn Vàng bằng hình thức video-art. Lấy cảm hứng chính từ vị trí tọa lạc của VCCA, Ngụ ngôn Vàng đưa ra cái nhìn đa chiều về thương mại và văn hoá, về tiêu dùng và sự thịnh vượng.

Tỏa mở cửa từ ngày 6/6 tới 6/8/2017

Tỏa trưng bày các tác phẩm của các nghệ sỹ:

Yok Ono

Đặng Xuân Hòa

Đinh Thị Thắm Poong

Hà Mạnh Thắng

Hà Trí Hiếu

Lê Hoàng Bích Phượng

Lê Thừa Tiến

Bùi Hải Sơn

Sandrine Llouquet

Christine Nguyễn

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Quang Huy

Trọng Gia Nguyễn

Phi Phi Oanh

Phạm Đình Tiến

Trần Văn Thành

Truc-Anh

Trương Tân

Võ Trân Châu

Curator: Quỳnh Phạm - vốn là một giám đốc phòng tranh kỳ cựu và là người sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Sao La tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Giám đốc Nghệ thuật (Artistic Director)của VCCA - TS. Mizuki Endo:

TS. Mizuki Endo (Kyoto, Nhật Bản) là người sáng lập và giám đốc điều hành của Dịch vụ phi lợi nhuận cung cấp cơ sở vật chất cho Nghệ sĩ ở Higashiyama, đã được trao giải thưởng Nghệ thuật Lorenzo Bonaldi lần thứ 3 (Bergamo, 2005). Ông đã thiết lập ba không gian nghệ thuật ở châu Á: Không gian nghệ thuật Tetra (Fukuoka, 2004), Triển vọng tương lai cho Không gian nghệ thuật (Manila, 2005) và Phòng chơi (Mito, 2007).

Mizuki Endo là nhà quản lý mạng của Singapore Biennale 2006; giám đốc dự án Arcus (Moriya, Nhật Bản, 2007-2010); nhà quản lý của Cream: Lễ hội nghệ thuật và truyền thông, Yokohama (2009); nhà tổ chức cộng tác của Fukuoka Asian Art Triennale 2009; nhà quản lý Yutaka Sone: Khoảnh khắc tuyệt vời (Phòng trưng bày nghệ thuật Tokyo Opera City, 2011); và giám đốc chương trình nghệ sĩ lưu trú của Lễ hội nghệ thuật Kunisaki (Oita, Japan, 2014).

 

Phản hồi

Các tin/bài khác