(VOV5) -Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng có 5 đêm trình diễn pháo hoa gắn với 5 chủ đề, 8 đội thi, chia thành 4 cặp đấu cho 4 đêm, 2 đội xuất sắc nhất sẽ tranh tài trong trận chung kết.
Tối 8/6, bên bờ Đông sông Hàn, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2024 với chủ đề "Kết nối toàn cầu - Rạng rỡ năm châu" do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group chính thức khai mạc. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bí Thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 5, các số tỉnh, thành phố và khách quốc tế tham dự sự kiện.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu khai mạc
Hai đội đầu tiên trình diễn trong đêm khai mạc là đương kim vô địch ArtEventia (Pháp) và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Khán giả hào hứng, thích thú với màn trình diễn kết hợp nghệ thuật hoàn hảo giữa âm nhạc, màu sắc và ánh sáng pháo hoa và chương trình nghệ thuật đỉnh cao trên mặt nước lần đầu tiên diễn ra tại TP Đà Nẵng.
Sau trận mưa lớn vào tối hôm trước, không khí tại TP Đà Nẵng đêm khai mạc Lễ hội pháo trở nên mát mẻ. Toàn bộ khán đài với 10.000 chỗ ngồi chật kín khán giả đến xem từ rất sớm. Bên ngoài khán đài, dọc đôi bờ sông Hàn, rất đông người dân và khách du lịch cũng đến xem trình diễn pháo hoa. Đây là lần thứ 12, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức đã khẳng định thương hiệu Đà Nẵng, góp phần mang lại danh hiệu Đà Nẵng là “Điểm đến sự kiện – lễ hội hàng đầu châu Á”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định: Với chủ đề chung của Lễ hội là “Kết nối toàn cầu - Rạng rỡ năm châu”, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng muốn gửi gắm thông điệp về sự kết nối giữa các dân tộc, các quốc gia, sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên để hướng đến một thế giới hòa bình, văn minh, phồn thịnh.
TP Đà Nẵng không chỉ có sự hấp dẫn của vị trí địa lý, phong cảnh thiên nhiên mà còn hướng đến sự hoàn thiện về chính sách, sự chuyên nghiệp, sáng tạo và quyết liệt của đội ngũ quản lý, trí thức, người lao động giữ vững bản sắc văn hoá nồng hậu, hiếu khách của người dân thành phố. Tất cả nhằm nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, một địa phương có bản sắc riêng. Đó chính là những giá trị mà thành phố Đà Nẵng đã và đang xây dựng, gìn giữ và vun đắp.
Các thành viên đội pháo hoa của Pháp
Ông Lê Trung Chinh mong muốn, thành phố tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực, đồng hành của Trung ương, các địa phương bạn, bạn bè trong và ngoài nước để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc và bền vững, cùng Việt Nam “rạng rỡ năm châu”.
“Với sự trình diễn của các đội pháo hoa chuyên nghiệp, đến từ các quốc gia trên thế giới, lễ hội cũng có nhiều chương trình đồng hành với mong muốn sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn về lễ hội, về thành phố Đà Nẵng tươi đẹp”, ông Chinh khẳng định.
Đêm khai mạc là màn trình diễn của đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam) và đội đương kim vô địch ArtEventia (Pháp). Với chủ đề “Vũ điệu bầu trời”, đội pháo hoa Đà Nẵng (Việt Nam) đã sử dụng 4.700 quả pháo đa hiệu ứng, trong đó có nhiều pháo tầm cao thắp sáng bầu trời Đà Nẵng.
Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng muốn gửi gắm thông điệp về sự kết nối
Với kinh nghiệm hơn một thập kỷ trình diễn, đội pháo hoa Đà Nẵng đã thể hiện một màn trình diễn mãn nhãn, đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Pháo hoa của đội Đà Nẵng bắn lên bầu trời tạo hình tựa như những chú chim sải cánh bay cao, biểu trưng cho sự phát triển và thăng hoa của thành phố biển xinh đẹp, lòng hiếu khách của người dân Đà Nẵng, thắp lên thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc.
Lấy hình tượng rồng, cũng là linh vật năm 2024 của văn hóa Việt Nam, đội đương kim vô địch ArtEventia của Pháp đã vẽ lên bầu trời sông Hàn, thành phố Đà Nẵng những “vũ điệu” đầy mê hoặc và cuốn hút, truyền tải thông điệp về sức mạnh, quyền lực và sự kết nối của con người.
Bắt đầu bằng âm hưởng hùng tráng, có phần da diết, pháo hoa của đội Pháp được bắn đầy kỹ thuật và khéo léo lên bầu trời tạo nên những dòng sóng ánh sáng uốn lượn tựa như những chú rồng dũng mãnh. Đội pháo hoa của Pháp còn ghi điểm mạnh mẽ với khán giả khi mang cả âm nhạc Việt Nam với bài “Ngọt ngào ở ngày mai” của Mỹ Tâm và rapper Suboi vào phần trình diễn của mình.
Chị Nguyễn Thị Liên, một khán giả bày tỏ thích thú với phần trình diễn của các đội trong đêm khai mạc. “Mình rất ấn tượng với màn trình diễn khai mạc vừa rồi của các đội, thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc, khiến người xem cảm thấy rất phấn khích”, chị Liên nói.
Lễ hội pháo hoa thắp lên thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc
Khán giả còn được thưởng thức không gian nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ tên tuổi trong nước và nước bạn Pháp biểu diễn. Sân khấu được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh “bàn tay” với những ngón tay vươn cao, như thể đang nâng đỡ những chùm pháo bung tỏa rạng rỡ trên bầu trời, nhấn mạnh thông điệp sâu sắc về sự kết nối. Đáng chú ý là tiết mục mở màn còn có sự góp mặt của hàng trăm vũ công, nhằm tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ với 50 người con theo cha lên núi và 50 người theo mẹ xuống biển.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng có 5 đêm trình diễn pháo hoa gắn với 5 chủ đề, 8 đội thi gồm Pháp, Italy, Mỹ, Đức, Ba Lan, Trung Quốc, Phần Lan và chủ nhà Việt Nam chia thành 4 cặp đấu cho 4 đêm, 2 đội xuất sắc nhất sẽ tranh tài trong trận chung kết.
Sau đêm khai mạc, các đêm tiếp theo sẽ lần lượt là màn tranh tài giữa các đội Italy - Mỹ vào ngày 15/6 với chủ đề “Tuyệt tác thiên nhiên”; đội Đức – Ba Lan vào ngày 22/6 với chủ đề “Tình yêu diệu kỳ”; đội Trung Quốc – Phần Lan vào ngày 29/6 với chủ đề “Thế giới thần tiên” và đêm chung kết diễn ra vào 13/7 với tên gọi “Nhịp đập tương lai”.
Một số hình ảnh tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng: