(VOV5) - Số hóa và AI sẽ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, giảm tiêu thụ, tối ưu hóa cơ cấu và phá vỡ rào cản để phát triển bền vững, chuyển đổi xanh trong ngành sản xuất.
80% lượng phát thải carbon đến từ việc sử dụng năng lượng
"Số hóa và Trí tuệ Nhân tạo sẽ là động lực chính cho chuyển dịch năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu năng lượng để giảm lượng khí thải và phá bỏ các rào cản chuyển đổi năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững", ông Đồng Mai Lâm – Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia - nhấn mạnh tại sự kiện Innovation Day 2025 diễn ra ngày 10/4 ở TP Hải Phòng.
Theo ông, khi đối mặt với bài toán biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất là phát thải carbon, trong đó có đến 80% lượng khí thải CO₂ toàn cầu xuất phát từ việc sử dụng năng lượng. Trước tình trạng này, số hóa và trí tuệ nhân tạo AI 'bật công tắc' cho tương lai xanh.
 |
Sự kiện Innovation Day 2025 diễn ra với chủ đề "Tăng trưởng quy mô sản xuất bền vững thông qua Số hóa và AI". Ảnh: Thanh Luân |
Với tầm nhìn này, các giải pháp công nghệ hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm tới 70% lượng phát thải CO₂ trong toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng – lĩnh vực vốn tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay.
 |
"Các giải pháp công nghệ hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm tới 70% lượng phát thải CO₂ trong chuỗi cung ứng năng lượng" ông Đồng Mai Lâm – Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia - nhấn mạnh. Ảnh: Thanh Luân |
Bên cạnh bài toán khí hậu, ngành sản xuất toàn cầu cũng đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi 5 xu hướng lớn: Sự thay đổi trong cán cân toàn cầu khi các nước đẩy mạnh nội địa hóa và tái cơ cấu chuỗi cung ứng; sự dịch chuyển trọng tâm thịnh vượng khi nhu cầu năng lượng dồn mạnh về các khu vực mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi; tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu; sự bùng nổ của số hóa và AI trong tối ưu tiêu thụ năng lượng; và cuối cùng là làn sóng chuyển dịch năng lượng sạch trên quy mô toàn cầu.
Hệ sinh thái với giải pháp đột phá
Tại sự kiện, Schneider Electric đã giới thiệu loạt giải pháp công nghệ đột phá nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình xanh hóa sản xuất. Ở lĩnh vực hạ tầng, hệ thống microgrid tích hợp năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn điện xanh ổn định cho cả những khu vực vùng sâu, vùng xa. Với tòa nhà, các giải pháp quản lý năng lượng thông minh giúp tăng tuổi thọ công trình, tiết kiệm điện và giảm thiểu chi phí bảo trì, tiêu biểu như dòng thiết bị bảo vệ Acti9.
Trong lĩnh vực năng lượng, Schneider Electric giới thiệu các giải pháp mới như tủ đóng cắt trung thế AirSet sử dụng không khí thay thế khí SF6 – một loại khí nhà kính cực mạnh, hay dòng máy cắt MasterPacT MTZ Active và UPS Galaxy VS ba pha hiệu suất cao, giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả năng lượng và giảm dấu chân carbon trong sản xuất. Ngoài ra, gói dịch vụ EcoCare tích hợp AI giúp giảm thời gian ngừng hoạt động và tối ưu chi phí vận hành cũng đang được Schneider Electric thúc đẩy mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
Hành trình Net Zero
Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam đang tập trung mạnh vào việc chuyển đổi năng lượng, phát triển giao thông xanh, nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ số, AI trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang tích cực ứng dụng AI để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh. Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức (BMWK), Đức đang phát triển hệ thống quản lý lưới điện thông minh dựa trên AI để điều phối hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Các thuật toán học máy cho phép dự đoán sản lượng điện theo thời gian thực, giúp cân bằng cung – cầu năng lượng, giảm tải cho lưới điện và hạn chế tối đa thất thoát.
Theo Cơ quan Năng lượng Singapore (EMA), quốc gia này phát triển hơn 50 khu phức hợp và tòa nhà lớn đã áp dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh sử dụng AI để tự động giám sát và tối ưu hóa tiêu thụ điện năng. Bên cạnh đó, Singapore đang đẩy mạnh chương trình "Green Plan 2030", xác định công nghệ số là động lực trọng tâm để tăng hiệu quả năng lượng tại các khu công nghiệp, khu dân cư, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.