(VOV5) - Với nỗ lực đưa nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam ra khắp thế giới, mới đây, NTK Thanh Nga và Phạm Ngọc Anh đã ra mắt BTS HER tại Thụy Sĩ.
Nói đến vẻ đẹp của Việt Nam, người ta luôn nhắc về hình ảnh của những người phụ nữ thùy mị, nết na, điển hình là những phụ nữ làng nghề truyền thống. Họ mang trong mình nét đẹp của lao động, chăm chỉ, kiên trì để làm nên những sản phẩm thủ công gắn liền với cuộc sống dù đã dần bị lãng quên và luôn bị thiệt thòi về cơ hội phát triển. Các món thủ công mang đậm bản sắc Việt, được làm ra tỉ mỉ từ những đôi tay khéo léo nhưng vì không có được những định hướng về xu hướng, mẫu mã, các tiêu chuẩn quốc tế mà chưa có cơ hội cạnh tranh, vươn xa.
Hình ảnh người phụ nữ tại làng nghề dệt Mai Châu, Hòa Bình miệt mài bên khung cửi. |
V
ới nỗ lực đưa nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới, mới đây, hai nhà thiết kế (NTK) Thanh Nga và Phạm Ngọc Anh đồng hành cùng dự án Empower Women Asia đã cho ra mắt bộ sưu tập (BST) HER nhân dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao 50 năm giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.
Hai nhà thiết kế Ngọc Anh (trái) và Thanh Nga (phải). |
BST là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông Tây, cũng chính là niềm đam mê, khát khao của các NTK mang những giá trị văn hóa Việt lan rộng ra khắp năm châu. BST HER đã cổ vũ cho sự độc lập, mạnh mẽ của người phụ nữ trong suy nghĩ, có thể thoải mái trở thành chính họ trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, HER cũng cất lên tiếng nói chung của những người phụ nữ thầm lặng phía sau khung cửi, dệt nên những tấm vải đầy màu sắc và mang cả những giấc mơ về cuộc sống tươi đẹp hơn.
Những thiết kế độc đáo trong BST HER của Defined Moment Haute Couture. |
Trong BST HER lần này của hai nhà thiết kế cũng có sự kết hợp của họa tiết thổ cẩm dệt bằng tay cùng với phong cách hiện đại, đây là một nét độc đáo và ý nghĩa ẩn sau mỗi thiết kế. NTK Thanh Nga – thương hiệu Defined Moment chia sẻ: “Là một người thích khám phá và chấp nhận được rủi ro, tôi luôn dành ưu ái với những chất liệu mới. Nhất là những chất liệu được dệt tay và nhuộm thân thiện với môi trường. Với tôi mỗi chất liệu đều có cá tính và sự sống riêng. Vải do những người phụ nữ làng nghề đầy đam mê, được tỉ mỉ làm bằng tay dùng để làm thiết kế tôn vinh những giá trị đẹp khác của phụ nữ, sẽ rất đáng tiếc nếu tôi không chọn lựa những chất liệu như vậy cho bộ sưu tập Her. Bộ sưu tập vẽ về phụ nữ và tôn vinh, tán dương phụ nữ.”
Thiết kế của NTK Thanh Nga – thương hiệu Defined Moment sử dụng chất liệu vải dệt tay truyền thống và các chi tiết mang những khoảnh khắc của người phụ nữ |
Một mẫu thiết kế của Defined Moment trong BST HER. |
Trong dòng chảy biến động như hiện nay, câu chuyện kết hợp truyền thống và hiện đại luôn được quan tâm trong nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thời trang. Trong đó có sự kết hợp vẻ đẹp truyền thống để trở về cội nguồn, khơi dậy những giá trị cốt lõi, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đồng thời vận dụng tối đa các chất liệu dệt tay sẵn có tại các làng nghề… Việc khai thác chất liệu truyền thống trong thời trang cũng vì thế cần một sự mới mẻ, táo bạo kết hợp với sự điềm đạm, tinh tế để không làm biến chất đi những giá trị truyền thống.
Từ BST HER có thể thấy, ngành thời trang khai thác chất liệu truyền thống mang lại rất nhiều ý nghĩa và truyền tải được những thông điệp sâu sắc, ánh chiều sâu của văn hóa dân tộc và nâng cao giá trị, vẻ đẹp của người phụ nữ, chính là điều mà các nhà thiết kế hướng đến khi khai thác chất liệu truyền thống cho “đứa con tinh thần” của mình. Đặc biệt, thời trang truyền thống kết hợp với những yếu tố hiện đại tạo ra một màu sắc riêng biệt, độc đáo; toát lên bản lĩnh, sự tự chủ của người phụ nữ thời đại mới.
Các bộ sưu tập của hai nhà thiết kế trình bày tại thủ đô Bern nhân sự kiện kỷ niệm 76 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Thụy Sỹ. |
Với rất nhiều những giá trị mà thời trang ứng dụng chất liệu truyền thống mang lại, liệu rằng tiềm năng của ngành thời trang sử dụng chất liệu truyền thống tại Việt Nam có thực sự lớn mạnh và vững chắc? Hiện nay tại Việt Nam, thời trang khai thác chất liệu truyền thống vẫn chưa vận dụng được tối đa những sản phẩm mang tính dân tộc, bởi kho tàng về thời trang truyền thống quá nhiều trong khi nhiều nhà thiết kế chưa thực sự hiểu rõ và chưa biết cách sử dụng nó tối đa trong các thiết kế của mình.
Hơn nữa, với sự biến đổi nhanh chóng trong thế giới đầy biến động như hiện tại, khai thác chất liệu truyền thống hay thời trang bền vững đang là xu hướng mới. Tuy nhiên vấn đề về chất liệu sẽ là bài toán khó cho giới thời trang và những nhà thiết kế. Nhà thiết kế Ngọc Anh sáng lập thương hiệu La Phạm chia sẻ: “La Phạm sử dụng tối đa các chất liệu của Việt Nam như vải lụa của Nha Xá, Bảo Lộc, vải gai, vải thổ Cẩm... để ủng hộ các làng nghề Việt. Tuy sự lựa chọn chất liệu Việt bị hạn chế và giá cao hơn rất nhiều so với vải nhập khẩu từ Trung Quốc, La Phạm vẫn đã và đang trung thành với những gì được sản xuất ở Việt Nam và bởi người Việt Nam. La Phạm mong muốn nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước sử dụng chất liệu Việt Nam thì các làng nghề mới tồn tại và phát triển được.”
Thiết kế của La Pham sử dụng chất liệu vải dệt truyền thống |
Một thiết kế vải gai Việt Nam phối thổ cẩm của NTK Phạm Ngọc Anh. |
Một câu hỏi đặt thêm ra về sử dụng loại vải, chất liệu như thế nào để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Thời trang khai thác chất liệu truyền thống hay thời trang bền vững đang là xu hướng thế giới mà nhiều nhà thiết kế và hãng thời trang lớn đầu tư, phát triển từ những vật liệu thiên nhiên và tái chế từ rác thải….Như nhà thiết kế La Phạm luôn hướng mọi việc mình làm từ công việc đến cuộc sống riêng sao cho thân thiện với môi trường nhất có thể : thiết kế những đồ slow fashion (có thể mặc nhiều lần và lâu dài ko bị lỗi mốt với chất lượng sp cao cấp, hạn chế rác thải trong mọi hoạt động, cố gắng tận dụng chất liệu cho nhiều việc (zero waist), tái chế những vật liệu vintage để thiết kế ra những bộ đồ mới (thổ cẩm, những phụ kiện đẹp có tính lịch sử).
Mẫu thiết kế khăn hai mặt của La Pham sử dụng chất liệu vải thổ cẩm và tận dụng vải thừa. |
Bên cạnh đó sự sáng tạo, tầm nhìn và định hướng thiết kế cũng tạo ra tiềm năng lớn cho ngành thời trang khai thác chất liệu truyền thống. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng của một nhà thiết kế hàng đầu. Nó không chỉ tạo ra những sản phẩm ấn tượng mà còn tôn vinh được những vẻ đẹp hiện đại của người phụ nữ đầy bản lĩnh, tự chủ qua thiết kế của mình. Đó chính là chân giá trị mà nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng hướng đến: tôn vinh vẻ đẹp con người và cụ thể ở đây là người phụ nữ.
Như vậy, một thiết kế có sự kết hợp chất liệu truyền thống đòi hỏi nhà thiết kế phải hiểu văn hóa dân tộc nơi mình hướng tới để làm ra các sản phẩm phù hợp. BST HER chính là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, hướng tới xu hướng thời trang bền vững, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường và vẫn đảm bảo được những tiêu chí: thơ mộng, tinh tế, ấn tượng, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ. Có thể nói hai NTK Thanh Nga và Ngọc Anh đã đem đến những “tác phẩm thời trang” thành công và thu hút khán giả yêu mến thời trang cá ở Việt Nam và trên thế giới...Từ đây, HER cũng mở ra câu chuyện về ngành thời trang truyền thống gắn liền với các giá trị bền vững và sự tôn vinh nét đẹp người phụ nữ phía sau những tấm vải, dệt nên hy vọng cho thời trang Việt Nam và hình ảnh người phụ nữ Việt ngày càng bay cao và xa hơn.
Photographer : Nicolas Pham, Quynh Trang
Model : Simona Ambras, Melodie Dgr, Aline Steiner, Irisha Ziborova