(VOV5) -Lễ Tủ Cải hay còn gọi là Lễ Cấp sắc của người Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thường được tổ chức vào dịp cuối năm.
Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng, thể hiện bản lĩnh và là dấu mốc để người đàn ông gánh vác việc gia đình, cộng đồng.
Tủ Cải là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người đàn ông Dao đầu bằng ở huyện Tam Đường (Lai Châu) và bất kỳ người đàn ông nào cũng phải trải qua
Nghi lễ thường được tổ chức vào dịp cuối năm là thời gian nông nhàn của người dân
Trước đây Lễ Tủ Cải được diễn ra trong nhiều ngày tùy vào các thầy cúng và điều kiện kinh tế của gia đình, nhưng đến nay thường kéo dài khoảng 3 ngày
Người Dao đầu bằng quan niệm, người con trai khi được cấp sắc mới được coi là trưởng thành và có thể tham gia gánh vác công việc gia đình, cộng đồng, khi chết mới được đoàn tụ với tổ tiên
Trước khi thực hiện lễ cúng, đàn lễ được gia chủ lập lên, với đầy đủ sản vật kiếm được từ rừng và tự tay mình làm ra
Trong nhiều ngày đêm, các thầy cúng và người thực hành nghi lễ sẽ trải qua các bài cúng, với mục đích để tổ tiên, thần linh chứng giám và thử thách bản lĩnh của người đàn ông
Trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ, người được cấp sắc sẽ phải học và vượt qua nhiều hoạt động sinh hoạt tâm linh do các thầy cúng hướng dẫn làm
Thông qua các hoạt động này, các thầy cúng sẽ dạy các học trò học, thực hành các nghi thức cúng lễ, học cách nhảy múa, học sử dụng các loại nhạc cụ…
Các thầy cúng thực hành nghi lễ tại gia đình trước khi thực hiện nghi thức rơi đài ngoài trời
Đặc biệt người thực hành nghi lễ sẽ được nghe truyền dạy giáo lý về trách nhiệm và cung cách ứng xử trong gia đình và cộng đồng
Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ Tủ cải của người Dao đầu bằng là thời điểm người thực hành nghi lễ thực hiện việc rơi đài
Lễ Tủ Cải là một dấu mốc trọng đại của mỗi cá nhân và cũng là hoạt động quan trọng nhất của cộng đồng người Dao đầu bằng ở Lai Châu
Tại thời khắc trọng đại nhất này, dưới sự chứng kiến của các thầy cúng và cộng đồng, người được cấp sắc quỳ trên đài cao rồi ngã ngửa về phía sau
Người thực hành nghi lễ sẽ phải nhảy trong tư thế cuộn người như lúc còn trong bụng mẹ, rồi rơi xuống một cách tự nhiên, dưới sự nâng đỡ của chiếc võng do 7 thày cúng căng, giữ bằng tay
Ngay khi người rơi chạm võng, các thầy cúng sẽ nhanh tay đặt võng xuống đất rồi cuộn chiếc chăn kín lại như một bào thai
Chủ lễ là người duy nhất được phép mở khăn để chào đón người thực hành nghi lễ ra ngoài và từ đây người đàn ông chính thức trở thành thành viên của gia đình, cộng đồng làng bản
Nghi lễ Tủ Cải là dịp tôn vinh người đàn ông và là dịp để bản làng người Dao đầu bằng gắn kết cộng đồng.