Vaccine COVID-19 vô cùng cần thiết đối với mỗi chúng ta giữa thời điểm dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp. Một liều vaccine quan trọng không kém giúp chúng ta luôn lạc quan đó chính là “vaccine tinh thần”. Dịch COVID-19 bùng phát đã thay đổi mọi thứ. Những điều tưởng chừng như đơn giản lại trở nên quý giá khi chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội - “ai ở đâu, ở yên đó”. Đợt bùng dịch lần thứ 4, người dân ở vùng tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… phải trải qua thời kỳ giãn cách kéo dài chưa từng có. Mỗi người đều phải học cách tự thích nghi với tình huống này. Nhiều người trong số họ chọn cho mình niềm vui, niềm đam mê riêng để mỗi ngày ở nhà là một ngày vui và ý nghĩa.
Căn bếp những ngày đại dịch có thể nói là nơi được các chị em đặt nhiều cảm xúc nhất trong thời gian giãn cách, đặc biệt là với những người yêu bếp, mê nấu nướng.
Chị Quỳnh Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết những ngày qua chị có nhiều thời gian dành cho căn bếp của mình hơn. Tuy rằng quận chị cư trú là một trong những vùng đỏ - vùng nguy cơ cao – của Thủ đô nhưng vì đam mê nấu nướng, chị đã tìm khắp các cửa hàng online để cho ra lò nhiều món ăn hấp dẫn với cách bài trí bắt mắt.
Từ bánh mì kem…
|
… đến món xôi xoài…
|
… xôi cốm.
|
Chị còn cười vui rằng: “Nhiều khi đang giờ nấu cơm lại có bạn gọi điện đến hỏi công thức nấu món này món kia. Trong chốc lát, tôi từ Quản lý kinh doanh Bảo hiểm nhân thọ trở thành bếp trưởng”.
Món bánh canh ghẹ được chị Giang bày biện bắt mắt.
|
Chị Nguyễn Thu Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đam mê làm bánh từ lâu nhưng vì thường ngày công việc bận rộn nên không có thời gian dành cho bánh trái. Hà Nội những ngày giãn cách là lúc lò nướng được ấm trở lại trong gian bếp của chị. Chị cười và nói: “Làm bánh vui mà! Đối với mình làm bánh giống như đang thiền. Mở nhạc du dương rồi cứ thế tỉ mẩn cân, đo, đong, đếm, và hồi hộp chờ bánh ra lò.”
Khởi đầu ngày mới với bữa sáng nhiều năng lượng cùng bánh mì chấm sữa.
|
Chị Thu Hà còn nuôi men tự nhiên để làm bánh vì, chị chia sẻ, bánh được làm từ men tự nhiên rất tốt cho đường ruột.
Bánh mì hoa cúc đẹp và ngon không khác gì ngoài hàng.
|
Mẻ caramen mới ra lò.
|
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội do diễn biến dịch bệnh phức tạp. Bạn Bảo Ngọc (thành phố Thanh Hoá) cho biết: “Mình không rõ sẽ giãn cách đến bao lâu nên đã đặt rất nhiều dụng cụ và nguyên liệu làm bánh về để tập làm. Và không ngờ, ngay lần đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi nhờ các video hướng dẫn trên mạng”.
Bánh mì nhân kem trứng phô mai hình nơ và sừng bò xinh xắn.
|
Những mẻ bánh đầu tiên ra lò. Bạn Ngọc cho biết sẽ chia sẻ lên mạng xã hội để giao lưu cùng các bạn đam mê làm bánh.
|
Trong những ngày giãn cách, nhiều người đã trở thành “nhà nông đích thực”. Chị Nguyễn Phương (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) đã tận dụng khoảnh sân trên tầng thượng nhà mình để trồng rau. Chị chia sẻ: “Lúc này mới thấy giá trị của một bó rau sạch. Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, cả gia đình tôi chẳng dám đi đâu, chỉ đặt đồ qua mạng hoặc gọi dịch vụ đi chợ hộ. Có mấy luống rau mini này cũng giúp tụi nhỏ đỡ buồn. Chiều nào ba mẹ con cũng lên sân thượng tưới rau”.
Vườn rau của bé…
|
… chẳng mấy chốc sẽ đến ngày thu hoạch.
|
Không khó để bắt gặp những vườn rau mini trên sân thượng trong một con ngõ nhỏ trên phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hầu như nhà nào cũng có một giàn bầu hoặc giàn mướp xanh mướt mát.
|
Ngoài giàn mướp trên cao, gia đình ông Bùi Công Diễn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn trồng thêm nhiều loại rau khác như rau cải, rau muống, rau đay, tía tô… Quanh năm gần như nhà ông chẳng phải đi chợ mua rau.
|
Có vườn rau, “nhà nông nhí” bận rộn hơn khi phải nghỉ học dài ngày.
|
Bên cạnh những “nhà nông đích thực” cũng có một số “nhà nông bất đắc dĩ” như trường hợp của bạn Việt Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Việt Anh chia sẻ, do mua trứng vịt lộn về để quên nên những “em bé vịt” đáng yêu ra đời. Mỗi ngày vì thế cũng trôi qua “tất bật” hơn.
|
Nhờ sự chăm sóc chu đáo tận tình, chẳng bao lâu những chú vịt con đã trở nên cứng cáp.
|
Đối với nhiều người, nhịp sống hối hả thường ngày, áp lực công việc cao, thì thời gian giãn cách là lúc họ lắng lại để được sống chậm hơn, thư thả hơn. Vì vậy, Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 cũng là cơ hội để cho những đam mê nghệ thuật được chắp cánh.
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, nhà báo Mỹ Trà đã hiện thực hoá niềm đam mê với hội hoạ của mình.
|
Sau khoá học vẽ online, chị Mỹ Trà đã có thể thoả sức sáng tạo những nét vẽ của mình trên các vật liệu khác nhau.
|
Cứ như thế, nhiều người đã truyền nhau liều vaccine tinh thần để cùng vượt qua dịch bệnh. Còn bạn, vaccine tinh thần của bạn là gì?
VOV5/ Lệ Chi