Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng

(VOV5) -Buổi Tọa đàm được bắt đầu với câu hỏi dành cho các vị khách mời: “Văn hóa đọc và đọc sách có là một hay không?”

Ngày 20/4/2021, Trung tâm Thông tin-Tư liệu, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc năm 2021 với chủ đề “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”. Khách mời tham dự tọa đàm có nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Vĩnh Quyên- nguyên Phó TGĐ Truyền hình Quốc hội Việt Nam, BTV Đặng Khánh Ly- Nhà xuất bản Nhã Nam, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà- Ban Đối ngoại - Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của đông đảo sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng - ảnh 1Toàn cảnh tọa đàm “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”.

 Đọc sách phải có phương pháp

Buổi Tọa đàm được bắt đầu với câu hỏi dành cho các vị khách mời: “Văn hóa đọc và đọc sách có là một hay không?”. Đây là một câu hỏi mở đầu khiến các vị khách mời sôi nổi chia sẻ các ý kiến của mình. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, văn hóa đọc là đọc có văn hóa. “Tôi nghiệm thấy rằng, người tài là những người tự đào tạo cả. Không có bất cứ trường nào dạy một cá nhân nào đó trở thành người tài. Mà tự đào tạo có nghĩa là tự học qua sách”, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Vĩnh Quyên cho rằng, nếu chúng ta chỉ đọc dăm ba cuốn sách thì không xây dựng được văn hóa đọc. Do đó, độc giả cần đọc một cách có văn hóa, có kỹ năng và lòng đam mê. Đồng quan điểm, BTV Khánh Ly cũng cho rằng, văn hóa đọc là một tiến trình của cộng đồng, không phải là một hành động đơn lẻ.

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng - ảnh 2

Từ trái qua phải: Ths Nguyễn Thị Vân Nga, nhà báo Vĩnh Quyên, nhà thơ Trần Đăng Khoa, biên tập viên Khánh Ly tại tọa đàm.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tạo điều kiện cho xuất bản số phát triển. Nhờ đó, các ấn phẩm xuất bản nhanh hơn, tiếp cận bạn đọc dễ dàng hơn. Người đọc tiến gần hơn với các sách thông qua các trang web, ứng dụng thiết bị thông minh. Vậy, câu hỏi đặt ra: Sự phá triển của internet có “nhấn chìm” văn hóa đọc?

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngày nay, người Việt có nhiều quyền lựa chọn sách hay để đọc. Lấy ví dụ về chiếc điện thoại thông minh có chứa tới 172.000 cuốn sách của mình, ông đã minh chứng cho sự tiện lợi của khoa học công nghệ trong việc đưa ấn phẩm đến độc giả. Vì thế, văn hóa đọc không thể bị “nhấn chìm” bởi internet.

Tuy nhiên, các vị khách mời cũng bày tỏ nhiều cảm xúc khi mình đọc các cuốn sách giấy. Sách giấy vẫn mang đến cho người đọc những cảm thụ rất riêng, gieo vào người đọc một tình yêu đối với sách.

Để khám phá được giá trị những cuốn sách hay, độc giả cần có ý thức xây dựng phương pháp đọc. Theo nhà báo Vĩnh Quyên, có 3 nguyên tắc đọc sách đã giúp chị có được văn hóa đọc vững vàng là: Khi đọc một cuốn sách phải nhớ tên tác giả; Không đọc lời giới thiệu của cuốn sách; Đọc xong cuốn sách phải hiểu thông điệp của tác giả. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa lại bật mí cách “ngửi sách” rất sở trường của chính ông. Ví dụ, nếu đọc một tập thơ, ông thường đọc khoảng 3 bài, nếu cả ba bài có nội dung ổn hoặc hay sẽ đọc cả tập thơ. Hoặc đối với dòng sách lý luận phê bình, ông thường đọc những câu trích dẫn, nếu thấy tâm đắc và công bằng trong các nhận định thì ông sẽ dành thời gian đọc hết cả cuốn sách.

Biên tập viên Khánh Ly cho biết: Trung bình mỗi năm, một biên tập viên của Công ty Cổ phần và Truyền thông Nhã Nam phải đọc khoảng 500 đầu sách. Cách đọc thông thường đối với sách dịch là tập trung vào background của tác giả, đọc giới thiệu về cuốn sách, đặc biệt đọc kĩ phần mình cần để thẩm định, đánh giá.

Xúc động tình yêu dành cho biển, đảo Việt Nam

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các vị khách mời đã có những chia sẻ xung quanh các ấn phẩm sách về chủ đề biển đảo của Việt Nam. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể lại những trải nghiệm chân thực và thú vị khi ông ở đảo và viết “Đảo chìm”. “Tôi đã đi tới 25 hòn đảo. Có một hòn đảo tên là Thuyền Chài, rộng khoảng 40.000 mét vuông, nó chìm xuống dưới nước khoảng 3 mét. Cái đảo này đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh”, ông nói về nguồn cảm hứng sáng tác của “Đảo chìm”- cuốn sách đã tái bản lần thứ 37.

Với lối kể chuyện dân dã và hóm hỉnh, tác giả của “Thơ tình người lính biển” cũng đã kể lại những chuyện sinh hoạt của lính đảo, về những thú tiêu khiển “cười ra nước mắt” của những người lính kiên trung bảo vệ tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. Điều này, chỉ có thể thấm thía được khi Trần Đăng Khoa trải nghiệm cùng lính đảo.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà- tác giả của bộ sách ảnh “Trường Sa-Nơi ta đến” cũng đã chia sẻ những cảm xúc rất đẹp với Trường Sa. Để lưu lại được những khoảnh khắc độc đáo của biển, dường như chính nữ nhà báo đã có một “cuộc hẹn với giời” –nói như lời của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ông khâm phục môt “nữ nhi” vác máy ảnh ra Trường Sa để lăn lộn, để bấm máy.

“Tôi luôn yêu Trường Sa theo cách của mình. Tình yêu đó lớn hơn nỗi sợ say sóng, để thực hiện được bộ sách ảnh về Trường Sa có giá trị”, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà chia sẻ.

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng - ảnh 3Nhà báo Mỹ Trà chia sẻ tại Tọa đàm.

Rất nhiều người khi đến thăm Viện Toán học đều chú ý đến các tấm bản đồ Việt Nam có Trường Sa, Hoàng Sa. Giáo sư Phùng Hồ Hải cho biết: “Chúng tôi là những nhà khoa học, những hiểu biết và trách nhiệm của mình đối với chủ quyền biển, đảo của quốc gia là phải có. Và trong các bản đồ đó, có những tri thức Toán học”.

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng - ảnh 4

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm với độc giả sau khi kết thúc Tọa đàm.

Bên cạnh Tọa đàm, hoạt động triển lãm sách bao gồm các đầu sách chuyên khảo của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các tạp chí chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, tạp chí Pi-ấn phẩm xuất bản của Hội Toán học Việt Nam, các ấn phẩm của NXB Nhã Nam, bộ sách ảnh “Trường Sa-Nơi ta đến” của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà (Ban Đối ngoại - Đài Tiếng nói Việt Nam). Triển lãm đã thu hút rất nhiều độc giả thưởng lãm những cuốn sách có giá trị.
Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng - ảnh 5
Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Phải xây dựng được phương pháp vững vàng - ảnh 6
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác