(VOV5) - Người dân hai giáo xứ Lạc Viên và Diom, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng muốn qua lại thông thương phải đi qua sông Đa Nhim. Vào mùa mưa lũ, người dân hai bên phải đi đường vòng dài hơn 10km. Thấy người dân đi lại vất vả, cha quản xứ Phaolô Phạm Công Phương quyết định kêu gọi bà con giáo dân cùng nhau xây dựng một cây cầu bắc qua sông Đa Nhim để thuận tiện đi lại trong mùa mưa lũ.
|
Linh mục Phạm Công Phương
|
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Cây cầu bắc qua sông Đa Nhim từng là mơ ước của người dân giáo xứ Lạc Viên, Diom nay đã thành hiện thực. Cây cầu nối liền hai bờ nước lớn, không chỉ tạo sự thuận lợi mà còn gắn kết bà con giáo dân hai giáo xứ. Ai cũng cám ơn cha xứ đã tận tâm lo toan cho bà con từ tinh thần đến đời sống. Ông Đinh Văn Toán, giáo dân ở thôn Lạc Viên A, cho biết: “Mùa nước ở đây hay có lũ, nên cây cầu dây văng kia xe máy vẫn đi lại được. Còn cây cầu này linh mục làm gọi là cây cầu tràn. Khi có nước lớn thì không đi được nhưng nước nhỏ vẫn đi được. Xe tải 1,4 tấn chở hàng vẫn di chuyển được. Giáo dân hai thôn rất vui mừng phấn khởi”.
Cây cầu kiên cố đã được người dân hai thôn hợp sức nhau nên đã hoàn thành trong thời gian ngắn. Ông Trần Đình Dương. Trưởng ban Bác Ái của giáo xứ Lạc Viên, cho biết: “Linh mục kêu gọi làm cây cầu này, mỗi gia đình đóng góp 6 công tức 6 ngày thì chỉ làm 4 ngày là xong. Một tuần đi làm một lần, làm 4 tuần là xong, còn tôi thì đi làm với linh mục từ lúc khởi công đến lúc xong thì thôi. Có cầu thuận tiện lại cho vận chuyển rau. Trước rau bên kia rau bán rẻ nhưng giờ bán giá cao hơn, có lợi cho bà con bên đó nhiều. Cũng như trước chưa có cây cầu treo dân đi làm hết hơn chục cây số, đêm hôm đi lại vắng vẻ cũng sợ, nhưng giờ có cây cầu này thì đi hết có hơn 1cây số”.
|
Cây cầu bắc qua sông Đa Nhim |
Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính người dân là điều mà linh mục Phạm Công Phương quan tâm. Hàng năm, linh mục Phạm Công Phương kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều tổ chức nhằm có thêm kinh phí để nâng cấp, làm mới hệ thống đường, làm cầu bắc qua sông Đa Nhim. Chứng kiến niềm vui của mỗi giáo dân trong ngày thông cầu, linh mục Phạm Công Phương như cảm thấy ấm lòng hơn. Hiểu được nỗi vất vả của người dân, linh mục Phạm Công Phương, cho biết ông sẽ tiếp tục vận động người dân xây dựng thêm những cây cầu nhỏ. Linh mục cho biết: “Họ còn rất nhiều nhu cầu phải đi lại. làm xong cây cầu này thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm. Vẫn còn nhiều con đường trong xóm ở khu vực xa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm và dọc cả bờ sông này vì nhiều chỗ người dân vẫn phải lội, cho nên sắp tới tôi làm thêm những cây cầu nhỏ để rút ngắn khoảng cách đi lại cho người dân”.
Hơn 10 năm về giáo xứ Lạc Viên, linh mục Phạm Công Phương chưa lúc nào thôi nghĩ về giáo dân của mình. Cuộc sống của hơn 6000 giáo dân, trong đó có hơn 3200 là người dân tộc Chu Ru và K’Ho sống hai bên sông Đa Nhim cũng chưa lấy gì là khá giả khiến ông luôn trăn trở. Không chỉ chăm lo về đời sống tinh thần, linh mục còn sâu sát quan tâm tới chất lượng cuộc sống của giáo dân. Ông Đinh Văn Toán cho hay: “Khi linh mục Phạm Công Phương về đây đã cho xây dựng nhiều công trình, xây hai nhà thờ, hội trường, nghĩa trang, đường bê tông và hai cây cầu. Người dân hưởng ứng đóng góp một số tiền, còn linh mục vận động tài trợ chỗ này chỗ kia. Chẳng hạn làm cây cầu nào cũng mất mấy ngàn công, mỗi nhà thờ cũng 6000-7000 công. Nhờ dân đồng tình mà linh mục cũng hoàn thành được những công trình tốt đẹp”.
Đến nay những công trình phục vụ đời sống cho giáo dân cũng cơ bản hoàn thành, linh mục Phạm Công Phương cũng thấy nhẹ lòng. Linh mục không còn lo lắng mỗi khi giáo dân của mình về nhà buổi tối sau mỗi lần đi lễ. Ông vui vì nhờ cây cầu dân hai bên bờ được thông thương, buôn bán, kinh tế phát triển thuận lợi hơn. Linh mục Phạm Công Phương tâm sự: “Về đây tôi ý thức riêng vùng Đơn Dương có hai dân tộc chính là dân tộc Chu ru và dân tộc K’Ho nên để đồng hành cùng họ thì tôi phải học tiếng của họ để lấy lòng họ, nói vài câu họ sẽ vui vẻ, tạo sự gần gũi. Đồng thời tôi cố gắng duy trì ngôn ngữ, chữ viết của họ”.
Điều linh mục Phạm Công Phương trăn trở còn là việc hướng tới phát triển tri thức, văn hóa, tinh thần của cộng đồng địa phương. Linh mục mong muốn, dù là người Chu Ru, K’Ho hay người Kinh, ai cũng phải sống hướng thiện, sống vì cộng đồng, đóng góp vì sự phát triển của xã hội./.