(VOV5) - Những công trình sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống của phụ nữ Việt Nam đã và đang góp phần làm đẹp cho đất nước, cho cuộc sống xã hội.
Không chỉ đảm đang trong gia đình, khẳng định vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả còn góp phần quan trọng vào việc giảm rác thái hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Những công trình sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống của phụ nữ Việt Nam đã và đang góp phần làm đẹp cho đất nước, cho cuộc sống xã hội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đối với nhiều người, rác thải là thứ bỏ đi, nhưng với chị Trịnh Thị Hồng ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, rác thải lại được tận dụng để làm ra những sản phẩm hữu ích, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Nước lau nhà, nước rửa chén hay phân bón cho cây trồng đều được chị làm ra từ các loại rác thải hữu cơ. Việc làm này không chỉ giúp giảm chi phí trong sinh hoạt hằng ngày mà còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sống.
Chị Hồng giới thiệu sản phẩm của mình - Ảnh: VGP/Lưu Hương
|
Cách làm của chị Trịnh Thị Hồng khá đơn giản, các loại rác thải từ rau, củ, quả, được đem rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào thùng nhựa cùng 300 gram đường hòa tan với 10 lít nước, ủ trong 30 ngày. Sau đó, mang nước ra lọc bỏ phần rác, cứ 10 lít dung dịch sẽ cho ra được 2 lít thành phẩm và trộn với chất hữu cơ chiết xuất từ cùi dừa để tạo độ sánh, có bọt và mùi thơm. Quy trình làm ra sản phẩm như nước rửa chén bát, nước lau nhà được chị chia sẻ, nhân rộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hiện có 90 gia đình phụ nữ ở Thành phố Đà Nẵng đã tham gia vào sản xuất các sản phẩm này với thu nhập 5 triệu/tháng. Chị Trịnh Thị Hồng cho biết: "Lúc đầu do chưa có kiến thức và kinh nghiệm nên tôi nhiều lần thất bại. Nhưng vì nghĩ rằng mình phải làm được, sau khi thành công sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho xã hội nên tôi dành thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Sắp tới sẽ triển khai tại tỉnh Hưng Yên. Theo mong muốn của nhiều khách hàng là sản xuất thêm sản phẩm mới, là nước rửa tay và nước giặt đồ. Mình cũng rất muốn các chị em tham gia vào sản xuất vừa bảo vệ môi trường vừa bảo vệ sức khỏe cho gia đình".
Với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, thiếu nước sinh hoạt, nước sạch phục vụ đời sống đang là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu tìm ra những giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Chị Nguyễn Thị Hậu, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Đà Lạt, luôn suy nghĩ về vấn đề nước sạch cho người dân vùng lũ và nhiễm mặn. Chị Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: Người dân ở những vùng lũ lụt, hạn hán hay ngập mặn không có nước sạch để sử dụng trong thời gian dài. Qua quá trình học tập ở nước ngoài, chị được tìm hiểu và nghiên cứu về “Công nghệ màng lọc thẩm thấu thuận” và nhận thấy đây là công nghệ tối ưu bởi sử dụng ít năng lượng, việc này góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam
|
Công nghệ này có khả năng xử lý nước đạt chất lượng và nước sạch sẽ thấm qua màng và sẽ hình thành túi nước sạch mà người dân có thể uống trực tiếp. Chị Nguyễn Thị Hậu cho biết: "Túi màng lọc này sẽ góp phần hạn chế được các trường hợp thiếu nước trong tình huống khẩn cấp bởi trong lũ lụt, ngập mặn bà con không có điện năng để sử dụng, nên túi này rất thích hợp. Đây là công nghệ đã phát triển trên thế giới rồi nhưng hiện tại giá thành vẫn còn cao. Vì vậy ý tưởng của tôi thiết kế túi và hiện tại mình kết hợp với nhóm nghiên cứu của Đại học kỹ thuật quốc gia Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) để làm màng lọc thẩm thấu thuận với tính chất khác nhau. Vì vậy có thể giảm chi phí thấp nhất để tận dụng lại màng túi. Hiện tại chi phí sử dụng màng lọc khoảng 80 nghìn đồng/năm nhưng túi này có khả năng tái sử dụng nhiều lần thì chỉ vào khoảng 15 nghìn đồng/năm".
Ý tưởng sáng tạo của chị Trịnh Thị Hồng và Nguyễn Thị Hậu là 2 trong 9 ý tưởng sáng tạo vừa được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam biểu dương, tôn vinh những phụ nữ sáng tạo và khẳng định phụ nữ thực sự là nhân tố quan trọng có thể làm giảm đáng kể các thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như có thể tham gia tích cực vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết: Thời gian tới, Hội cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Liên hiệp phục nữ các cấp trong phòng chống thiên tai, giảm nhẹ những hậu quả do biến đổi khí hậu. Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: "Hiện Hội đang có chương trình phối hợp với ban phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn cấp trung ương để có thể nâng cao nhận thức về giới cho các cán bộ tham gia các ban để họ cũng hiểu về vấn đề giới trong giảm nhẹ rủi do thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với các hoạt động cơ sở chúng tôi cũng có đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ hỗ trợ cho họ lập kế hoạch ngay từ trong gia đình để phát huy phương châm 4 tại chỗ ngay trong gia đình, để có thể giảm thiể nhất tác động môi trường đối với gia đình".
Phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, vừa hoàn thành vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình, vừa ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, những người phụ nữ còn nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống người dân và bảo vệ môi trường. Họ xứng đáng là những người phụ nữ hiện đại, đồng hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.