(VOV5) - Tự nhiên như hơi thở cuộc sống, với những tin, bài gần gũi, bám sát các hoạt động thường nhật của đoàn, có lẽ vì thế mà “bản tin chiều” ngay từ ngày phát sóng đầu tiên đã nhận được sự thương mến của mọi người trên tàu KN 490.
“Đây là bản tin chiều tàu của tàu KN 490” – Lời xướng trên nền nhạc của bài hát Nơi đảo xa – do một nhà báo của Hệ phát thanh Đối ngoại quốc gia (VOV5) đọc – được ngân lên vào mỗi buổi chiều trên con tàu Kiểm ngư 490 đưa đoàn công tác số 6 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cuối tháng tư vừa qua. Không chỉ cập nhật các hoạt động trong ngày, bản tin chiều của tàu KN 490 còn là điểm hẹn thú vị với mỗi thành viên trong đoàn trong suốt hải trình.
|
Nhà báo Lan Phương và Hoàng Anh thực hiện bản tin chiều trên đài chỉ huy của tàu KN 490 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cứ vào lúc 5 giờ chiều, từ loa phóng thanh của tàu Kiểm ngư 490 lại vang lên nhạc hiệu mở đầu cho bản tin chiều trên tàu Kiểm ngư 490. Âm thanh ấy đã trở nên quen thuộc với 200 khách trong đó có 70 kiều bào trong 11 ngày đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1.
Tự nhiên như hơi thở cuộc sống, với những tin, bài gần gũi, bám sát các hoạt động thường nhật của đoàn, có lẽ vì thế mà “bản tin chiều” ngay từ ngày phát sóng đầu tiên đã nhận được sự thương mến của mọi người. Anh Phạm Hải Chiến, sinh sống tại Hàn Quốc, là người không bỏ sót một chương trình nào trong suốt hành trình dài trên biển: “Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của ban biên tập “bản tin chiều của tàu KN 490” bởi vì trong một thời gian ngắn các bạn đã truyền tải những thông tin rất đầy đủ đến cho các kiều bào và các thành viên trên tàu. Một điểm nữa ở bản tin này tôi đặc biệt ấn tượng là bản tin đã chuyển tải nhanh và chân thực nhất cảm xúc của kiều bào trong chuyến hải trình qua những bài thơ, bản nhạc hay qua những mẩu chuyện của họ. Mỗi người một cảm xúc khác nhau. Tôi đánh giá cao về chất lượng bản tin. Đội ngũ phóng viên tác nghiệp rất chuyên nghiệp, dẫn dắt người nghe với các câu chuyện từ đầu đến cuối rất mạch lạc”.
Bản tin được thực hiện ngay ngày đầu tiên lên tàu. Nội dung phản ánh hoạt động của đoàn trong suốt chuyến đi. Các phóng viên trong đoàn công tác như Lan Phương ở VOV5; Hoàng Anh, VTC 10; Phương Dung, VTV4, Phạm Hiệp, báo Hà Nội Mới; Cảnh Tiêu, tạp chí Quê Hương đã nhanh chóng triển khai công việc, từ việc làm nhạc hiệu đến lên khung chương trình. Bản tin thành hình với thời lượng 15 phút, gồm ba phần chính: Cập nhật hoạt động của đoàn; Trao đổi, chia sẻ với các thành viên trong đoàn công tác số 6; và phần cuối cùng là giao lưu văn nghệ.
Điều đặc biệt nhất đối với các phóng viên, đó là bản tin chiều được thực hiện ở một không gian đặc biệt: trên đài chỉ huy, tầng cao nhất của con tàu, ở độ cao gần 15m so với mặt nước biển. Và micro là một chiếc tay cầm của điện thoại để bàn, thường được các kiểm ngư viên dùng vào việc thông báo thông tin nội bộ cho toàn tàu.
Là người khởi xướng và tổng chỉ huy thực hiện bản tin phát trên loa truyền thanh nội bộ của tàu Kiểm ngư 490, đại tá Nguyễn Xuân Thanh, Cục Chính trị hải quân, đánh giá nội dung các bản tin có chất lượng, tạo dấu ấn với kiều bào: “Mỗi khi tổ biên tập hoạt động, mọi người rất hào hứng xung quanh. Rất nhiều người muốn tham gia vào bản tin này. Chính sự hào hứng của mọi người cho tôi cảm nhận bản tin rất có ý nghĩa, đã lôi cuốn nhiều người tham gia”.
|
Ban biên tập Bản tin chiều của tàu KN 490 |
Như một diễn đàn chung, bản tin chiều ngay lập tức trở thành nơi hội tụ, điểm gặp gỡ của các thành viên trên tàu. Nhiều câu thơ, bản nhạc ra đời trong chuyến đi và ngay lập tức được chuyển tải lên bản tin. Bài thơ “Trường Sa không xa” của ông Vũ Lập, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Leipzig, CHLB Đức, vừa ứng tác khi ra thăm đảo Phan Vinh cũng được phát trực tiếp lên bản tin ngay sau khi đoàn rời đảo về tàu: “Mấy ai đến được Trường Sa/ Mênh mang sóng nước bao la biển trời/ Đảo chìm đảo nổi đây rồi/ Ông cha đổ máu để đời cháu con/ Ngàn năm định vị mốc son/ Chủ quyền biển đảo vẫn còn dấu xưa/ Nửa năm trên đảo đợi mưa/ Mồ hôi tuôn chảy sớm trưa không ngừng/ Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nghẹn ngào chia sẻ tưng bừng hát ca/ Biển quê hương, đảo là nhà/ Ngày đêm canh giữ Trường Sa yên bình”.
Nhà báo Hoàng Anh cùng với nhà báo Lan Phương là hai người dẫn chính của bản tin, anh chia sẻ: “Bản tin là cầu nối để chia sẻ tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào hướng về biển đảo quê hương thông qua những vần thơ, bài hát và cả những tâm sự đầy tâm huyết, cảm xúc về mỗi tuyến đảo”.
Cứ 5 giờ chiều, bản tin được phát trên loa tàu, bất kể hôm đó biển lặng hay sóng lớn. Lê Phương Dung, phóng viên VTV4, đảm nhiệm ca khó đúng vào hôm biển động. Dung cho biết có những lúc cũng phải bưng mặt, nghiêng ngả theo tàu. Nhưng với sức bền của một người đã có cả tháng trời tác nghiệp ngoài Hoàng Sa sóng gió, Dung vẫn bám trụ và thực hiện thành công bản tin.
Chẳng thế mà, về đất liền được gần hai tháng rồi, có nhiều người trong đoàn như bà Vũ Thị Tin, Trưởng Ban đón tiếp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, hay Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Ba Lan Bùi Thu Hòa vẫn nhắc tới bản tin chiều, nhắc tới những phóng viên trẻ nhiệt tình cùng giọng đọc lắng đọng của VOV trong niềm xúc động xốn xang.