Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong khi bạn bè cùng thời hầu hết theo nghiệp nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, viết văn, làm thơ, có người thành công trên con đường chính trị, thì Trương Cộng Hòa lại bén duyên cùng nghề báo và gắn bó cả đời mình với Đài TNVN.
|
Nhà báo Trương Cộng Hòa tác nghiệp ở Trường Sa năm 1997
|
Ông về Đài từ năm 1974, được cử làm việc tại Phòng Thời sự, Đài Giải phóng A, mật danh là CP90, cùng với các nhà báo đàn anh, đàn chị tên tuổi như Kim Cúc, Trần Quang Khải, Trần Đức Nuôi, Yến Tuyết… Ngày đó, nhiều thính giả của Đài TNVN bắt đầu nghe tiếng nhà báo Trương Cộng Hòa qua bài bình luận nhan đề “Một ngân hàng máu”. Bài viết phê phán mạnh mẽ việc Mỹ- Ngụy tăng ngân sách chiến tranh, tìm cách phá hoại hiệp định Paris.
Ngay sau khi phát sóng bài bình luận đầu tay này, Trương Cộng Hòa được đích thân Tổng Biên tập Đài Giải phóng A, lúc đó là Nguyễn Thành, tên miền Nam là nhà báo Nguyễn Trung Trinh, đến tận nơi bắt tay, khen ngợi. Sự động viên kịp thời đó của lãnh đạo cấp trên đã tiếp thêm tinh thần cho Trương Cộng Hòa dấn thân với nghề báo.
Ham đọc sách từ nhỏ, bố làm việc ở khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nên Trương Cộng Hòa gặp nhiều thuận lợi trong việc tìm hiểu và tích lũy kiến thức cho mình. Chính vốn kiến thức phong phú do sách báo mang lại, cộng với tính ham đi, ham viết đã giúp ông thành công ở nhiều thể loại báo chí khác nhau: từ tin tức, phóng sự, phỏng vấn, cho đến ghi chép, bút ký, tản văn… Ở thể loại nào, thính giả của Đài TNVN, hay bạn đọc cũng đều bắt gặp ở ông một phong cách không dễ lẫn với người khác.
Đó là những thông tin thời sự, ghi chép, phản ánh hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; là những bài bình luận sắc sảo trước một vấn đề thời sự nào đó. Hoặc có khi là những phóng sự đầy ắp hơi thở cuộc sống được viết sau những chuyến trải nghiệm thực tế khi chui xuống hầm lò cùng thợ mỏ; đôi lúc là lòng vòng trên những chuyến xe dù miền Tây Nam bộ; những bài viết về khí thế của những người thợ xây dựng trên các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…
|
Tác nghiệp tại công trường Thủy điện
|
Dường như, Trương Cộng Hòa rất yêu quý và cũng là người có duyên với các công trình thủy điện. Nhiều bài báo của ông viết về thủy điện mà mới chỉ nhắc tới tiêu đề, người nghe đã bị cuốn hút như: “Kim tự tháp của lòng dũng cảm”, “Viết tiếp bản hùng ca”, “Đón Xuân trên đỉnh đập”, “Sông Đà nỗi nhớ niềm thương”, hay “Ta về đây ngăn sông”, “Dòng sông sáng”…
Nhà báo Trương Cộng Hòa chia sẻ: “Thực ra, họ có nhiều cái đáng cho mình học, về phong cách sống, về nhân tình đối xử với nhau, trước hết là vì lao động. Phải chứng kiến lao động của những người thợ, đặc biệt là thợ Hòa Bình, mới thấy đáng để cho mình phải học, từ kỹ sư cho đến công nhân, tất cả đều mang một hào khí. Trên công trường thủy điện, càng kỹ sư càng vất vả. Công nhân chỉ làm 1 ca thôi, nhưng có những kỹ sư chịu trách nhiệm ở tuyến đường găng của công trường, có khi phải đứng 3 ca. Giai đoạn cuối cùng chuẩn bị khởi động tổ máy số 1 thủy điện Hòa Bình, có những trường hợp ngất trong hầm, đưa ra ngoài, tỉnh dậy lại vào làm, vì việc ấy bàn giao lại cho người khác nó hỏng”.
Đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, nhà báo Trương Cộng Hòa rút ra bài học kinh nghiệm: làm báo thì phải học và học không ngừng. Học ở đây, theo ông, bao gồm rất nhiều thứ. Đến vùng nông thôn, hay bản làng ở vùng cao biên giới thì hỏi bà con điều gì; vào công trường xây dựng, hoặc các nhà máy thì hỏi gì. Phải học cả những thuật ngữ kỹ thuật chuyên ngành như nút chặn, cống dẫn dòng, cầu trục, cần trục…; Cách tiếp cận nhân vật, cách phỏng vấn… Chẳng hạn, phỏng vấn người dân thì hỏi thế nào để họ trả lời thoải mái? Hay cách tiếp cận các nguyên thủ, tướng lĩnh ra sao? Rồi, phải học phong cách làm báo của Bác Hồ.
|
Nhà báo Trương Cộng Hòa với các kỹ sư trên công trường Thủy điện Nho Quế
|
Nhà báo Trương Cộng Hòa chia sẻ: “Bác Hồ khi nào viết xong cũng đưa bài cho các chú bảo vệ đọc. Bác nói, các chú hiểu được thì mới được. Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Bác dạy những điều đơn giản nhưng rất khó. Mình viết phải để cho những người bình thường hiểu được thì mới được”.
Những kinh nghiệm đó được ông chịu khó chia sẻ, trao truyền cho lớp trẻ. Nhưng rất khắt khe. Nhiều người ban đầu khó chịu, thậm chí còn phản ứng. Nhưng rất nhiều người, trong đó có một số cán bộ đang đảm trách những vị trí chủ chốt trong khối biên tập của Đài TNVN, biết ơn ông. Bởi với họ, ông là người dìu dắt, dạy cách làm những tin tức, bài viết đầu tiên khi mới bước chân vào làng báo. Cũng bởi ông là người đã truyền cho họ một kinh nghiệm quý, rằng: phải học tập những người lao động bình dị, vì việc làm và cách ứng xử của họ luôn mang lại cho nhà báo sự cảm phục, sự xúc động và thôi thúc nhu cầu viết sau mỗi chuyến đi.
Với cách nghĩ, cách sống như vậy, dẫu về hưu, dẫu không nhận lời làm thêm cho bất kỳ một tờ báo nào, nhưng Trương Cộng Hòa vẫn luôn sẵn sàng lên đường, và viết. Với ông, tuổi tác không thể làm mỏi đôi chân.