(VOV5) - Thông qua công việc của mình, cô giáo Bùi Thị Xiêm còn muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè nước ngoài.
Trở về quê hương tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động giảng dạy hoặc thăm người thân, cô giáo người Mường Bùi Thị Xiêm, đang sinh sống ở Đào Viên, Đài Loan (Trung Quốc) càng thấy yêu quê hương, luôn mong muốn được gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc ở nước ngoài. Thông qua công việc của mình, cô giáo Bùi Thị Xiêm còn muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè nước ngoài. Ghi chép của Hân My:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Câu chuyện của chị Bùi Thị Xiêm bắt đầu, khi chị kể về những năm tháng đầu tiên sang sinh sống ở quê hương thứ hai. Lấy chồng người Đài Loan(Trung Quốc), khó khăn đầu tiên đối với chị chính là rào cản về ngôn ngữ, phong tục văn hóa, làm sao để hòa nhập tốt trong một gia đình đa văn hóa, mà vẫn giữ được truyền thống của người Việt.
Cô giáo Bùi Xiêm ( thứ ba từ bên phải) cùng các cô giáo tham gia tập huấn |
Vì thế, mặc dù sống ở nước ngoài, chị Bùi Thị Xiêm vẫn cố gắng gìn giữ tất cả phong tục tập quán của quê hương, nhất là tiếng Việt. Cố gắng gìn giữ ngôn ngữ dân tộc chính là điều chị phải vượt qua trong thời gian đầu định cư:Lúc đầu, bất đồng ngôn ngữ, không hiểu nhau, khó khăn lắm. Gia đình chồng bao dung, nhưng tôi cũng cố gắng. Người bên đó có suy nghĩ riêng, muốn ra ngoài mình không nói tiếng Việt. Nhưng tôi thì lại càng muốn nói, ra ngoài gặp người Việt là tôi nói tiếng Việt. Gia đình chồng thì muốn mình bỏ phong tục tập quán Việt Nam, nhưng mình nghĩ sao phải bỏ. Nền văn hóa Việt không thể mất đi, không thể mai một.
Cô giáo Bùi Xiêm ( giữa) trò chuyện với các anh chị ở đài Phát thanh PTS. Ảnh fb nhân vật |
Những chia sẻ của chị Bùi Thị Xiêm cho thấy, tấm lòng của một người con Việt xa quê, luôn cố gắng duy trì tiếng nói dân tộc, luôn tự hào mình là người Việt. Không những vậy, chị Bùi Thị Xiêm còn dạy các con học nói tiếng Việt và tự tổ chức lớp học tiếng Việt cho con em người Việt sinh ra và lớn lên ở Đài Loan. Niềm vui của cô giáo người Việt chính là thành quả dạy được các em nhỏ thế hệ thứ hai, thứ ba tại Đài Loan nói được tiếng Việt:Lúc đầu không đi làm, tôi mở 1 lớp tiếng Việt, tôi dạy. Lớp có 30 học sinh, con tôi và con bạn bè. Thứ 7 tôi dạy từ 12h đến 17h, cho các con hoạt động, nấu đồ ăn Việt cho các con, góp tiền. Dạy 2 năm, các con biết hết chữ cái tiếng Việt, biết chào hỏi, biết hát tiếng Việt…
Giáng sinh của cô và trò. Ảnh fb nhân vật |
Để có kiến thức chuẩn dạy tiếng Việt, chị Bùi Thị Xiêm quyết định đi học lớp bồi dưỡng dạy tiếng Việt và thi được chứng chỉ hành nghề giáo viên tiếng Việt. Từ đó, chị Bùi Thị Xiêm chính thức trở thành giáo viên dạy tiếng Việt của các trường học ở Đào Viên. Không những vậy, chị Bùi Thị Xiêm còn tham gia Hiệp hội quan tâm di dân quốc tế Đào Viên. Hiện nay, Hiệp hội có 50 thành viên, với rất nhiều hoạt động cộng đồng không chỉ ở Đài Loan, mà còn hướng về quê hương, với mục tiêu quàng bá văn hóa Việt ở nước ngoài. Chị Bùi Thị Xiêm chia sẻ:Chúng tôi đi lên rừng, xuống biển, thu gom rác. Trong hiệp hội, ai ốm đau chúng tôi quan tâm. Chúng tôi mong muốn hiệp hội lan rộng toàn thế giới, thu hút nhân tài để quan tâm tới mọi người. Trung thu tổ chức đêm Trung thu, mỗi tháng tổ chức 1 sự kiện, trong đó có trình diễn áo dài, văn nghệ, ẩm thực Việt Nam.
Một buổi dạy học. Ảnh FB nhân vật |
Tình cảm của một người phụ nữ với quê hương xứ Mường, với quê hương Việt Nam lúc nào cũng trọn vẹn. Tình cảm đó, khiến cô giáo Bùi Thị Xiêm lúc nào cũng đau đáu với quê hương, mong muốn được lan tỏa tiếng nói dân tộc cho những thế hệ sau ở nước ngoài:Tôi nghĩ tôi sinh ra ở một nơi nào đấy, tôi phải nghĩ mình phải nhớ về quê hương của mình. Tôi là người dân tộc Mường, ở bất kỳ hội nghị nào, chương trình, tôi rất tự hào mình là người con của đất nước Việt Nam. Tôi về xứ Mường, moi người nói, em rất tuyệt vời, em cố gắng bảo tồn như thế. Tiếng Việt không khó, nhưng ở Đài Loan, nhiều em không được đi học, bố mẹ không cho đi học. Nhưng nhiều em, bố mẹ rất thích tiếng Việt, mong muốn sau này con sang Việt Nam làm việc. Tôi muốn tiếng Việt sẽ ngày càng được nhiều người biết đến cũng như biết về quê hương mình.
|
Ngỡ ngàng trước những đổi thay ở quê hương Việt Nam, trong đó có cả quê hương xứ mường ở Hòa Bình sau một vài năm không trở về, cô giáo Bùi Thị Xiêm rất xúc động. Được tới những địa danh lịch sử của đất nước, thưởng thức những món ăn Việt, cô giáo Bùi Thị Xiêm càng thấy thêm yêu đất nước, yêu những di sản Việt và đó cũng là những kinh nghiệm thực tế hỗ trợ cho bước đường giảng dạy ngôn ngữ Việt sau này.