Người cựu chiến binh tâm huyết vực dậy nghề truyền thống quê hương

(VOV5) - Ở làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ai cũng biết tới ông Đinh Quang Thắng, nghệ nhân nổi tiếng với hơn 30 năm gắn bó với nghề chạm đồng, chạm bạc truyền thống. 

Nghe âm thanh tại đây: 

Làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, từ xa xưa vốn nổi tiếng với nghề chế tác vàng, chạm đồng, chạm bạc. Ở làng nghề ấy, nghệ nhân chạm bạc, cựu binh Đinh Quang Thắng vẫn ngày ngày miệt mài với nghề và góp sức đào tạo đội ngũ thợ trẻ giỏi nghề cho làng.
Người cựu chiến binh tâm huyết vực dậy nghề truyền thống quê hương - ảnh 1Không chỉ là người có tay nghề đạt tới trình độ tinh xảo, nghệ nhân Đinh Quang Thắng còn dạy nghề miễn phí cho hàng trăm người dân quê hương. Ảnh: Văn Hải/VOV1

Ở làng Đồng Xâm, ai cũng biết tới ông Đinh Quang Thắng, nghệ nhân nổi tiếng với hơn 30 năm gắn bó với nghề chạm đồng, chạm bạc truyền thống. Đây là những chia sẻ của người dân trong làng về ông Đinh Quang Thắng. 

"Ông Thắng gắn bó và yêu nghề, luôn cố gắng giữ lửa cho làng nghề".

"Ông Thắng là 1 người vẫn giữ được cái chất của nghề chạm bạc Đồng Xâm, luôn duy trì được chất lượng các sản phẩm có độ tinh xảo. Ông Thắng đã chạm bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sống động như truyền thần".

"Nghệ nhân Đinh Quang Thắng được mọi người tôn vinh là bàn tay vàng của làng nghề. Anh Thắng luôn cố gắng giúp làng nghề ngày 1 phát triển".

Những sản phẩm đều được nghệ nhân Đinh Quang Tháng làm thủ công từng công đoạn. Bởi vậy, những tác phẩm xuất xưởng đều được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và giá trị thẩm mĩ.

Xuất thân từ gia đình có 3 đời làm nghề chạm bạc, chạm đồng ở làng nghề Đồng Xâm, từ nhỏ, ông Đinh Quang Thắng đã được chứng kiến sự ra đời cùa nhiều sản phẩm, từ thô sơ, đến tinh xảo và tiếp xúc với tiếng búa, tiếng đục kim loại. Với ông, đây là những thanh âm có hồn cốt, gắn với số phận của từng sản phẩm, từ đó, giúp ông yêu gắn kết với nghề truyền thống của quê hương. Ông Thắng cho biết: "Lúc bấy giờ, địa phương tôi có hợp tác xã chạm bạc. Tôi vừa đi học văn hóa, vừa học nghề chạm bạc của các cụ ngày xưa. Tôi học gần 3 năm ở hợp tác xã".

Người cựu chiến binh tâm huyết vực dậy nghề truyền thống quê hương - ảnh 2Cựu chiến binh Đinh Quang Thắng (thứ 4, từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng đội. Ảnh: vanhoatv.com.vn

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở biên giới Tây Nam, năm 1991, cựu chiến binh Đinh Quang Thắng trở về quê hương, đúng vào thời kỳ nghề chạm bạc dần mai một. Ông Thắng nhớ lại: "Ý tưởng đầu tiên của tôi khi từ quân ngũ trở về là với nghề chạm bạc trong tay, mình phải xây dựng thương hiệu. Tôi xác định ngay từ đầu là mình phải trở thành  người thợ giỏi nghề chạm thủ công nghề truyền thống để bảo tồn giá trị văn hóa. Do vậy mà tôi làm nghề không chạy theo cơ chế thị trường".

Đối với cựu chiến binh Đinh Quang Thắng, chỉ có những cấp độ lực của cánh tay con người chạm vào mặt kim loại thông qua chiếc búa và đục mới có thể tạo ra những đường nét tinh xảo, có hồn trên từng sản phẩm. Vì thế, trong bối cảnh khó khăn chung của các làng nghề truyền thống, khi mà ở Đồng Sâm, nhiều người thợ đã bỏ nghề truyền thống, thì ông Thắng vẫn miệt mài dành trọn tâm huyết để cho ra đời những sản phẩm độc đáo. Ông Thắng cho biết: "Tôi nghĩ rằng nhà nào cũng chỉ sản xuất 1 mặt hàng, không có sự sáng tạo, nên tôi muốn chọn cho mình con đường riêng là phải sáng tác và làm nhiều mặt hàng khác nhau, đa dạng thì mới bán được ra thị trường. Thị trường tiêu thụ của tôi hiện nay hầu như ở khắp cả nước"

Từng nhát búa trầm bổng thoăn thoắt, nghệ nhân Đình Quang Thắng như 1 họa sĩ biến dùi, đục, đinh cán thành chiếc bút đặc biệt thảo nên những nét mềm mại, tinh hoa, biến tấm kim loại vô tri thành bức tranh sống động, có hồn, làm ra những sản phẩm tinh xảo.

Là 1 trong hàng trăm học trò của nghệ nhân Đinh Quang Thắng, sau nhiều năm miệt mài, vừa học, vừa làm, chị Nguyễn Thị Phương đã lĩnh hội được từng đường nét chạm khắc tinh tế của người thợ giàu kinh nghiệm. Trong quá trình học nghề, chị Phương không mất học phí mà còn được trả lương sau khi cùng gia đình nghệ nhân làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Cứ như vậy, chị đã gắn bó với nghề truyền thống hơn 10 năm nay. Chị Phương cho biết: "Ban đầu tôi cũng không định theo nghề, nhưng khi làm với bác Thắng, được học ở bác rất nhiều điều nên lại thấy yêu nghề. Nhờ vậy mà tôi gắn bó với bác đến tận bây giờ. Bác rất yêu nghề, làm sản phẩm nào cũng đặt hết tâm huyết vào nghề. Bác làm được nhiều sản phẩm rất độc đáo mà nhiều người không thể làm được".

Tất cả những tâm huyết và kinh nghiệm làm nghề đều được cựu chiến binh Đinh Quang Thắng truyền dạy cho các bạn trẻ trong làng. Ông Thắng chia sẻ: "Tôi lúc nào cũng đau đáu, tiếc nghề của cha ông nên muốn đem cái tâm của mình để đào tạo cho các cháu. Khi được dạy các cháu thì thấy phấn khởi. Khi tay nghề đạt độ tinh xảo thì nhiều cháu cũng thành đạt với nghề".

Với nghệ nhân Đinh Quang Thắng, giữ lửa nghề trước mọi biến động của thị trường, giữ gìn giá trị cốt lõi, tinh hoa mà bao đời cha ông để lại và trao truyền cho người trẻ là trách nhiệm với thế hệ mai sau, đồng thời là sự biết ơn với tổ nghề và các bậc tiền nhân. Năm nay gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn luôn nỗ lực để vực dậy làng nghề truyền thống của quê hương, để Đồng Xâm sẽ trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác