(VOV5) - Cách đây 50 năm (năm 1975), với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, thần tốc, thần tốc hơn nữa, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt hàng nghìn km tiến về giải phóng Sài Gòn.
Nghe âm thanh tại đây:
Trong đội hình thần tốc ấy, những người lính vận tải, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng về Chính trị Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), đã kiên cường, dũng cảm vượt qua muôn vàn khó khăn để đưa các đoàn quân vào chiến dịch vượt thời gian quy định
Đại tá Nguyễn Văn Ninh. Nguồn: VOV |
Đại tá Nguyễn Văn Ninh kể lại năm 1975, khi đó ông mang quân hàm Thượng úy, là Chính trị viên Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571. Đây là sư đoàn ô tô vận tải cơ động chiến lược đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, với 2.600 xe ô tô các loại. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sư đoàn được giao nhiệm vụ bảo đảm vận chuyển cơ động thần tốc Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 từ miền Bắc vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện nhiệm vụ, sư đoàn đã sắp xếp để mỗi tiểu đoàn xe chở 1 trung đoàn bộ binh. Ông Ninh cho biết: "Lúc đó đơn vị sử dụng tổng cộng 1.053 xe ô tô, tính cả xe dự phòng cơ động đại bộ phận lực lượng Quân đoàn 1 từ Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào để tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Mỗi xe bố trí 2 lái, thay phiên nhau lái cả ngày đêm, anh em chúng tôi ăn ngủ luôn trên xe".
Đường hành quân đi theo phía Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Lúc này đang là cao điểm của mùa khô, ông Ninh và các đồng đội làm nhiệm vụ lái xe phải đối mặt với bụi đường mù mịt, mà theo ông kể là “như chui vào trong ống khói”. Hai xe chỉ cách vài mét cũng không nhìn thấy nhau, đi ban ngày nhưng có đoạn phải bật cả đèn pha lên để quan sát. Xe đi liên tục, không kể ngày đêm và chỉ nghỉ ngắn khi đến vị trí tạm dừng cho bộ đội ăn uống, rồi lại cấp tốc lên đường. Có khi ông Ninh đang ăn dở bát cơm lại phải lên đường, vì thời gian rất gấp gáp.
Ông Ninh chia sẻ: "Xe cúa tôi cùng với các xe khác trong tiểu đoàn đi qua đoạn Đức Lập, quân phía bên kia vẫn còn hoạt động ở đây. Chúng ném lựu đạn, dao găm vào xe, làm xe hư hỏng, tuy nhiên, không đáng kể. Cũng có trường hợp chúng đánh dọc đường làm xe bị xẹp lốp, cũng có đồng đội của chúng tôi bị thương. Nhưng anh em tự băng bó, tự sơ cứu rồi lại tiếp tục lên đường".
Trong ký ức, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ninh vẫn nhớ về đồng đội Nguyễn Văn Thuẫn đã dũng cảm, sáng tạo xử lý khi xe bị gãy trục tay lái lúc đang xuống dốc. Xe dừng lại khi cách bờ vực 10 mét, bảo đảm an toàn cho người, cho xe. Do giữ vững kỉ luật hành quân và thông tin liên lạc thông suốt, nên ông Ninh và những chiến sĩ lái xe đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa Quân đoàn 1 vào khu vực tập kết ở ngã ba Đồng Xoài trước thời gian quy định.
Ông Ninh nhớ lại: "Chúng tôi là có một hệ thống thông tin liên lạc, kết nối từ chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, và các trạm chỉ huy ở trên đường với trạm chỉ huy cơ bản của sư đoàn tại hậu cứ. Chúng tôi dùng vô tuyến để liên lạc và chỉ huy. Đội hình đến chỗ nào ùn tắc, đường chỗ nào địch đang đánh, chỗ nào đang khó khăn thì chúng tôi liên lạc thông tin để xử lý giãn đội hình, để đội hình đi ở trên đường không bị dồn ép. Theo lệnh của Bộ, đúng ngày 25/04, Quân đoàn 1 phải có mặt ở Đồng Xoài. Sư đoàn chúng tôi đã hành quân thần tốc đến đích vượt thời gian trước 6 ngày so với yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch".
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí lương thực, thực phẩm từ miền Bắc tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu: TTXVN |
17 giờ ngày 26/04/1975, tiếng súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ cánh quân hướng Đông, tấn công căn cứ Nước Trong (Đồng Nai). Sư đoàn 571 xuất kích, chở cán bố, chiến sỹ Quân đoàn 2 từ hướng Đông thần tốc vào cuộc, tiến công vào các mục tiêu của địch. Chưa đầy 2 giờ sau, bộ đội đã đánh chiếm được 1 phần căn cứ Nước Trong.
Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, thần tốc, thần tốc hơn nữa,ông Nguyễn Văn Ninh cùng các cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 571 nói riêng và các đơn vị vận tải trên đường Trường Sơn nói chung đã làm nên kỳ tích trên đường hành quân. Được tham gia đoàn vận tải ấy là niềm vinh dự, tự hào của Đại tá Nguyễn Văn Ninh cũng như những các cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn 571.
Đại tá Đinh Công Ty, khi đó là Chính ủy Trung đoàn vận tải ô tô 11, Sư đoàn 571, chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi. Lâu nay chúng tôi chỉ lái xe chở hàng hóa, vũ khí từ Bắc vào Nam trong điều kiện địch đánh, khó khăn. Bây giờ lại chạy trên đường 1, quốc lộ, được chở bộ đội bộ binh nữa nên không gì sung sướng bằng. Cho nên anh em quyết tâm đảm bảo an toàn, thay nhau lái không ngừng, đáp ứng yêu cầu của bộ binh, không cần cơm nước cũng được, cứ phát lương khô. Phấn khởi đến mức như thế. Địch rút chạy ào ào, mình phải nhờ cơ giới, lái xe của bội đội Trường Sơn chở các quân đoàn chủ lực mới kịp được".
Chỉ với những chiếc xe ô tô và ý chí quyết tâm cao, những người lính vận tải, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Ninh, đã dũng cảm, kiên cường vượt qua gian khổ, hy sinh, trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, đóng góp tuổi xuân của mình cho ngày toàn thắng vĩ đại của dân tộc.