Chu-ru – Dân tộc lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất Tây Nguyên

VOV5 - Chu-ru là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời ở khu vực Tây Nguyên. Tuy dân số ít nhưng đồng bào dân tộc Chu-ru vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình, cùng các phong tục tập quán, lễ hội và kho tàng ca dao, tục ngữ, truyện cổ, trường ca, các loại nhạc cụ phong phú. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Chu-ru – Dân tộc lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất Tây Nguyên - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn Internet)


Dân tộc Chu-ru ở Việt Nam hiện có khoảng 20.000 người, cư trú tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận. Dân tộc Churu còn có tên gọi là Chu Ru, Chơ Ru, Choru, Kru, RuTiếng Chu-ru thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai - Nam Đảo. Người Chu-ru sinh sống theo làng và người đứng đầu là người đàn ông cao tuổi có uy tín do các thành viên trong làng lựa chọn và là người làm chủ các lễ nghi của làng. Người Chu-ru có truyền thống làm nông nghiệp và lúa là cây lương thực chủ yếu.


Đồng bào dân tộc Chu-ru thường sống thành một đại gia lớn, trong đó thường có 3-4 thế hệ chung sống dưới một ngôi nhà. Điểm dễ nhận ra trong trang phục của đồng bào dân tộc Chu Ru là đàn ông và phụ nữ đều sử dụng khăn đội đầu. Đàn ông Chu-ru thường mặc trang phục truyền thống có nền trắng, kể cả tấm choàng buộc chéo từ nách bên này sang nách bên kia, quần dài, tấm khăn quấn trên đầu cũng màu trắng. Bộ trang phục này mặc vào các dịp cưới xin, lễ hội, hay đi đám ma... Còn ngày thường họ ăn mặc đơn giản hơn, quần trắng, áo dài trắng. Trong khi đó, phụ nữ Chu-ru thường mặc áo sơ mi khoác bên ngoài một tấm choàng, Tấm choàng màu trắng được mặc trong các dịp lễ còn tấm choàng màu đen sử dụng hàng ngày. Váy thường có màu xanh đen.


Chu-ru – Dân tộc lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất Tây Nguyên - ảnh 2


Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Chu-ru ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng, gùi là một vật dụng quen thuộc luôn gắn bó với đồng bào trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Với đồng bào Chu-ru, chiếc gùi không chỉ đơn thuần là một vật dụng mà còn chứa đựng các yếu tố văn hóa, sự cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng mình.Chị Ma Hương, thôn P'ré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn trên gùi chủ yếu là màu đỏ, đen được lấy từ vỏ, lá cây rừng nếu sử dụng nan nhuộm. Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian sẽ tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt làm nổi bật các đường nét hoa văn: "Từ khi sinh ra, ông bà, cha mẹ đã dạy tôi cách đeo gùi, đan gùi và sử dụng gùi trong cuộc sống. Chiếc gùi sử dụng vào rất nhiều việc như đi lấy nước, lên nương bẻ ngô, làm nương rẫy cũng như đựng nước. Chiếc gùi có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào dân tộc Chu-ru."


Chu-ru – Dân tộc lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất Tây Nguyên - ảnh 3
Người Chu Ru ở Đơn Dương (Lâm Đồng). (nguồn Internet)

Tháng 2, tháng 3 ở Tây Nguyên hoa cà phê nở trắng núi đồi, là lúc ở khắp các bản làng của đồng bào Chu-ru rộn ràng bước vào mùa cưới, mùa bắt chồng của các thiếu nữ. Người dân tộc Chu-ru ở Tây Nguyên sống theo chế độ mẫu hệ vì vậy người phụ nữ chủ động trong hôn nhân. Khi một thiếu nữ đến tuổi lấy chồng, nhà gái cùng bà mối sẽ mang lễ vật đi hỏi chồng. Sau khi nhà gái thưa chuyện với nhà trai, bà mối đeo chuỗi cườm và nhẫn đính hôn cho chàng trai thay cho lời hỏi cưới. Đại diện nhà trai sẽ đeo nhẫn (gọi là srí) cho cô gái và đồng ý cho người con gái làm dâu nhà mình. Chính vì vậy, với những chàng trai cô gái Chu-ru, nhẫn bạc không chỉ là đồ trang sức truyền thống mà còn là tín vật mang ý nghĩa thiêng liêng trong lễ thành hôn của các cặp vợ chồng. Để làm ra một cặp nhẫn nguyên bản của người Chu-ru, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều công đoạn tỉ mỉ để làm ra hai chiếc nhẫn, một chiếc nhẫn mái và một chiếc nhẫn trống. Nghệ nhân Ya Tuất, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Tôi làm nhẫn của đồng bào Chu-ru đã 20 năm. Ngày trước tôi phải học trong 3 năm mới có thể làm được chiếc nhẫn và để thành công với nghề này. Đây là một nghề  truyền thống, vì vậy chúng tôi phải giữ gìn, truyền lại nghề cho bà con trong buôn làng của mình."


Người Chu-ru có vốn ca dao, tục ngữ, truyện cổ, trường ca rất phong phú và họ cũng lưu giữ được nhiều loại nhạc cụ đặc sắc như trống, kèn đồng la, r’tông, tenia.... Trong ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tamga, một vũ điệu mang tính cộng đồng, hầu như người Chu-ru nào cũng biết và ưa thích. Người Chu-ru có phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên và có nhiều nghi lễ nông nghiệp như cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa, ăn mừng lúa mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác