Dân ca Giáy - nhịp cầu gắn kết cộng đồng

(VOV5) - Dân tộc Giáy có kho tàng ca dao tục ngữ, câu đố độc đáo, kể về những sự tích hay để giải thích cho các hiện tượng trong thiên nhiên và xã hội. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật phong phú ấy phải kể tới những làn điệu dân ca Giáy. Người Giáy cho rằng người ta hát là để nghe chứ không phải để ngắm, bởi vậy, những cuộc hát luôn thu hút đông đảo sự tham gia của tất cả mọi người.


Dân ca Giáy - nhịp cầu gắn kết cộng đồng - ảnh 1
Người Giáy biểu diễn văn nghệ


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Người Giáy có nhiều thể loại dân ca và mỗi thể loại lại có nhiều bài, nhiều làn điệu khác nhau. Nội dung của các khúc hát thường phản ánh cuộc sống với bao tâm tư, tình cảm của người dân miền núi vùng cao. Các bài hát vẫn rất phong phú: có bài hát ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi tình yêu lứa đôi, có bài của người giàu, người nghèo, của kẻ thấp và người cao... Dân ca Giáy có ba hình thức rất phổ biến là vươn há lản (hát bên mâm rượu), vươn chăng hằm (hát tỏ tình) và vươn sroỏng răn (hát tiễn đưa). Các câu ca, tiếng hát được cất lên trong tất cả mọi hoạt động xã hội như đám ma, đám cưới, chúc tụng, lễ hội và nhất là khi trai gái người Giáy giao duyên... Ông Sần Cháng, người sưu tầm các bài dân ca cổ của dân tộc Giáy ở xã Tả Van Giáy, Sapa, Lào Cai cho biết chỉ riêng trong đám cưới cũng đã có tới ba khúc hát khác nhau được hát vào từng thời điểm: Trong bữa cơm bạn bè ở nhà gái, bạn bè hát căn dặn người con gái đó, hoặc có người hát thể hiện sự tiếc nuối khi bạn phải đi nơi khác. Tiếp đến là bữa cơm sắp ra cửa. Người mẹ, cũng có thể là bác, thím, hoặc chị hát căn dặn người con gái đi sang nhà trai thì nết ăn, cách ở phải như thế nào, phục vụ bố mẹ ra sao, làm lụng đồng áng thế nào... Còn người con gái có thể hát đáp lại cảm ơn công nuôi dưỡng sinh thành của cha mẹ. Khi nhà trai đến cổng, nhà trai hát để xin mở cổng vào, nhà gái hỏi lại nhà trai đi đâu làm gì. Hai bên đối đáp rồi người ta mới mở cửa cho vào.


Hát trao dâu trong đám cưới người Giáy là một phong tục đẹp, vẫn được duy trì đến ngày nay. Những lời hát cũng được bổ sung ngày càng phong phú, thiết thực hơn đối với những cô dâu trẻ khi bước chân về nhà chồng. Đây cũng là nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Giáy. Ông Cháng chia sẻ:  Trong những dịp lễ Tết, bạn bè đến chơi với nhau, họ làm cơm mời khách. Trong bữa cơm người ta có thể hát hò vui với nhau, hát chúc tụng nhau. Trong mâm rượu hát với nhau, về mặt nghi thức phải có bậc của nó, trước tiên là phải quan làng chủ làng, rồi đến chủ nhà, sau đó mới đến bạn bè. Trước hết phải hát xin phép quan làng, chủ làng, chúc quan làng, chủ làng rồi mới đến chúc cho gia đình chúc thọ, chúc phúc, rồi cho mọi người sức khỏe. Bạn bè hát chúc nhau. Họ hát ca ngợi rượu, ca ngợi thịt, ca ngợi tình bạn.


Dân ca Giáy - nhịp cầu gắn kết cộng đồng - ảnh 2

Dâng lễ vật cúng thần linh trong lễ hội xuống đồng của người Giáy


Những bài dân ca chiếm phần lớn trong các lễ hội, và giữ vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá của dân tộc Giáy. Với người Giáy, những bài hát cổ truyền của dân tộc có sức truyền cảm mạnh mẽ trong tâm thức của mỗi con người, trong các mối quan hệ, trong ý thức của cộng đồng. Qua mỗi khúc hát, họ cũng gửi gắm ước vọng: các cô gái phải biết xâu kim, xay thóc, con trai phải biết nấu nướng, đan lát. Tất cả mọi người đều phải làm việc chăm chỉ.

Đời sống hàng ngày người Giáy có nhiều cách hát, nhưng cách hát thường xuyên nhất mà mọi người vẫn hát là hát giao duyên nam nữ. Khúc hát cất lên như một cách mở lời làm quen của đôi trai gái. Người Giáy rất coi trọng nghi thức hát đối đáp giao duyên này, bởi với họ, dạng hát này như một nghi lễ bắt buộc, thể hiện bộ mặt của làng và cũng là thể hiện sự hiếu khách của trai gái trong làng khi có bạn ở xa tới chơi. Ông Sần Cháng giải thích: Nếu khách ở chơi 2, 3 ngày mới về mà không có ai hát thì khi ra về họ có thể hát chê trách làng không hiếu khách. Người ta chỉ hát ban đêm và có thể hát 2 đêm, 3 đêm với nhau nhưng không bao giờ dùng lại bài cũ. Đầu tiên hát xin phép gia chủ mở cửa cho vào chào khách, rồi hát chào khách. Hỏi khách ở đâu đến, còn trẻ hay đã già, có gia đình hay còn son rỗi, rồi mời khách ra đón điếu uống nước hút thuốc. Sau đó đến bước khách hát xin phép. Trước hết phải hát xin phép quan làng. Hát lên một bậc nữa là hát thăm hỏi nhau, rồi hát chúc phúc cho gia đình, cuối cùng rồi thì mới hát đối đáp với nhau. Đến nửa đêm thì có bài hát nửa đêm, không thể thiếu được những bài hát ca ngợi nửa đêm, trăng sao, hát cây hoa, gió mây... Sau đó đến lúc gà gáy lại hát về gà gáy, đến lúc trời sáng lại hát trời sáng. Trời sáng rõ phải đi làm thì chủ xin phép khách đi về đi làm.

            
Những lời ca, tiếng hát đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Giáy. Họ cất tiếng hát khi họ thấy buồn, khi họ vui và cả ngay cả khi họ đang làm việc. Và khi có hai hoặc nhiều người tham gia thì thậm chí họ hát còn nhiều hơn nữa. Bà Mã Thị Hiền, người Giáy ở Sapa, cho biết:  Đi giữa đường gặp nhau mà nhất là đi ngày chợ phiên sáng gặp nhau ở chợ rồi hỏi xem người ta ở đâu, làng nào, chiều sắp về hẹn nhau là hát tiễn đường. Tiễn một đoạn hoặc tiễn về tận làng luôn.

Những câu hát không hoa mỹ, chỉ với lời lẽ đơn sơ, mộc mạc, giản dị như chính những người dân tộc Giáy. Trong lời ca có mây, gió, trăng, sao, thác nước, ngọn cỏ... nhưng tựu chung lại đều mượn thiên nhiên để nói về tình cảm giữa con người với con người.


Người Giáy hát trong các đêm khuya, những bữa ăn bình dị, đó là lúc gia đình sum họp và dạy dỗ con cái biết cách đối xử, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Đây là một nét văn hoá truyền thống lâu đời, một sinh hoạt mang đậm chất nhân văn của người Giáy. Đó là cái cớ để bắc cầu cho con người đến với con người, bắc cầu cho tình người để tạo thành một cộng đồng đoàn kết./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác