Hội cầu an – nét văn hóa của người Dao Thanh Y

(VOV5) - Hội cầu an là lễ hội cúng thần của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội được tổ chức 4 lần trong năm, gồm 13 nghi thức. Các nghi thức chủ yếu được thể hiện bằng những màn múa võ truyền thống, mỗi nghi lễ lại là 1 màn múa mang ý nghĩa khác nhau.

Hội cầu an – nét văn hóa của người Dao Thanh Y - ảnh 1
Thi mặc trang phục truyền thống trong chương trình ngoại khoá “Giữ gìn nét văn hoá dân tộc Dao Thanh Y” ở Trường PTDT Bán trú THCS Quảng Đức (Hải Hà), năm học 2013-2014.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Mở đầu của lễ hội cầu an là màn Toong Trù múa trống khai hội. Các thanh niên Dao Thanh Y khỏe mạnh tay cầm dây áo múa theo động tác nhịp nhàng, khỏe khắn. Theo già làng Lý Văn Út ở Thôn 2, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, người Dao Thanh Y dù làm ăn vất vả bận rộn quanh năm, nhưng người Dao Thanh Y luôn có ý thức luyện võ, rèn luyện sức khỏe để xây đắp thành lũy, bảo vệ mùa màng tươi tốt, giữ yên vui xóm làng. Khi những người múa võ mở màn lễ hội vừa rút vào trong thì tiếng trống chiêng của nghi thức múa Rùa liền nổi lên. Một người đàn ông trong bộ áo dài lễ màu đỏ chùm kín đầu bò lom khom trên mặt đất. 2 tay cầm 2 con dao, lưỡi dao được  buộc phần vai áo tạo thành 2 tai Rùa. Thần Rùa ngậm kiếm trong miệng di chuyển 4 phương trừ tai họa, trừ những điều xấu và mang may mắn đến khắp bản làng Dao Thanh Y. Ông Đặng Thanh Lương, ở thôn 2, cho biết con Rùa có ý nghĩa quan trọng và được tôn thờ trong cộng đồng Dao Thanh Y: “Con rùa có nhiều hoa văn mà dân tộc Dao thì nhiều hoa văn trong trang phục và đồ dùng của cuộc sống, và dùng theo hoa văn của con rùa. Thứ 2 là hoa văn đó tồn tại rất lâu, con rùa cũng có tuổi thọ sống gần 200 mà nhiều hoa văn thế nên chúng tôi tôn trọng con rùa là thể hiện tôn trọng hoa văn và sống lâu nên tôn trọng nó”.

Sau màn múa Rùa là nghi lễ múa Rồng. 8 người gồm 4 nam giới mặc áo dài màu đỏ có thêu hình rồng phượng, 4 người nữ giới mặc áo chàm đen  tay cầm 2 dải khăn màu đỏ đen đứng đối diện và quay mặt vào nhau. Khi tiếng trống chiêng dồn dập, tiết tấu nhanh 8 người nhảy múa liên tục, tay cầm khăn tung lên tung xuống lúc thì xòe khăn làm động tác rồng phụn nước. Trong các tiết chuyện của người Dao Thanh Y, Rồng là con vật mang lại may mắn, thịnh vượng. Mỗi khi trời hạn hán, con Rồng xuất hiện và phun mưa, tưới tiêu cho ruộng đồng. Nghệ nhân Lý Văn Út cho biết: “Lễ hội múa Rồng là để cầu mưa phục vụ cho ruộng vườn. Con Rồng phun nước để phục vụ người dân làm ăn. Múa rộng có thể 8 hoặc 6 người hoặc 10 người. Nhưng ít nhất là 4 người với điệu múa rồng nhảy lên cao phun nước”.

Trong lễ hội cầu an, người Dao Thanh Y còn có lễ múa và tế Gà, mời thần Phượng Hoàng xuống trần gian. 3 người đàn ông ôm 3 con gà trống, chân bọc giấy mầu vàng sau khi uống chén rượu do già làng giót 3 người này 1 tay cầm chân gà bắt đầu nhún nhảy theo tiếng trống chiêng đi thành vòng tròn, 3 con gà đưa qua phải qua trái nhìp nhàng, mỏ trúc xuống như đang bới tìm thức ăn. Màn múa gà mô phòng động tác Phượng Hoàng xuống trần gian giúp dân bắt sâu bọ, bảo vệ mùa màng: “Trong điệu múa này, 3 thanh niên mỗi người tay cầm 1 con gà tượng trưng Phượng Hoàng ở trên trời xuống giúp Dao Thanh Y bắt sâu bọ cho vụ màu thắng lợi. Khi điệu úa kết thúc, các thanh niên tay cầm gà vái tứ phương ý là vái Phượng Hoàng ở tứ phương đã đến bắt sâu bọ. Khi bắt xong, Phượng Hoàng lại bay về trời”.

Mỗi màn múa trong lễ hội đều có bè hát phụ lễ riêng biệt phù hợp với ý nghĩa của nghi lễ đó. Lời hát mô tả không gian và các động tác mà những màn múa tái hiện lại. Hai người hát lễ thường là phụ nữ được thầy cúng tuyển chọn kỹ càng. Thầy mo Đặng Văn Thương kể, trước lễ hội cả tháng, ông đã bắt đầu chọn người hát lễ: “Màn múa nào thì phải hát theo điệu múa ấy chứ không thể hát đi hát lại 1 bài nào. Hát Rùa thì lời hát có ý nghĩa là Rùa sống hàng trăm năm phù hộ cho mọi người luôn mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Mỗi năm hạn hạn thì bài múa Rồng thể hiện ý nghĩa Rồng đến tưới nước cho dân làng để đón mùa bội thu. Mở đầu thì là khai hoang phục hóa bắt đầu khai mở hội là cúng thần linh thổ địa, thần hoàng và bản Vương. Các bài hát hát theo ý nghĩa như vậy”.

Từ đầu đến khi kết thúc phần lễ, thày mo ngồi yên một chỗ và đọc các bài cúng, từ mời bản Vương và các vị thần về dự lễ hội. Không ai nghe thấy ông cúng thế nào bởi những lời cúng chỉ lẩm bẩm không thành tiếng. Truyền thuyết của người Dao Thanh Y kể rằng, trước kia có 1 vị thần xuống trần gian dạy người dân khấn vái thờ cúng. Vị thần này đã dành trọn cuộc đời để dậy thờ cúng cho các tộc người lần lượt từng tộc người. Dậy đến người Dao Thanh Y thì ông đã già lắm, đến nỗi không nói lên lời nữa, chỉ có thể nói thầm trong miệng. Vì thế, ở tất cả các lễ hội cúng của người Dao Thanh Y, thầy cúng đều cúng thầm trong miệng.

 Lễ hội cầu an của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả được tổ chức vào ngày 1/1 âm lịch là lễ hội quan trọng nhất có ý nghĩa cầu trời, cầu đất, cầu thổ thần thổ địa, xin Bàn Vương phù hộ cho bản làng cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác