(VOV5) - Với người Mường ở Hòa Bình, họ cho rằng thầy mo chính là sứ giả giữa thế giới thần linh và nhân gian.
Người Mường ở Hòa Bình có tục thờ cúng tổ tiên và theo tín ngưỡng đa thần giáo. Trong cuộc sống sinh hoạt họ quý trọng thầy mo. Họ cho rằng thầy mo chính là sứ giả giữa thế giới thần linh và nhân gian. Trong bản, thầy mo chính là người giữ trọng trách thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
|
(Ảnh: tuoitre) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Ở Hòa Bình hiện có khoảng gần 300 người làm nghề và thường xuyên thực hiện nghi lễ Mo. Ông Mo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Mường. Thầy mo không chỉ có trí nhớ tốt để thuộc hàng trăm bài cúng, mà còn có giọng đọc truyền cảm, nắm vững nghệ thuật diễn xướng từ cử chỉ, điệu bộ đến giọng điệu mo, lời mo có khi hùng hồn, thiêng liêng, nhưng có lúc buồn đau bi thảm đến não lòng. Lời mo giàu tính nhân văn, phù hợp với cuộc sống, gây được sự cảm động, sẻ chia không chỉ đối với người đã khuất mà còn đối với cả những người còn sống. Ông Bùi Văn Lùng, một thầy cúng ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình, cho biết: “Để được làm thầy mo thường phải là gia truyền trong gia đình. Thứ hai phải là người có tâm, thật thà. Ăn nói phải đĩnh đạc, phúc hậu. Trong xóm có rất nhiều ông mo, trẻ có, già có. Ngày xưa dạy truyền miệng còn bây giờ thì được phiên âm và viết ra”.
Thầy mo không chỉ thông thạo văn tự cổ, lưu giữ được nhiều sách cổ, phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, mà còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cũng nhân đó thầy mo còn hướng dẫn con người cách thức ứng xử với các thế lực siêu nhiên sao cho phù hợp với đạo lý và truyền thống văn hóa dân tộc và quy luật của cuộc sống. Ông C.Robequain, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Pháp nhận xét: “Người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa, đặc biệt nổi tiếng nhờ có những thầy mo cao tay nhất, rất được tôn kính mỗi khi nhắc đến. Từ họ như toát ra một hương vị vẻ bí ẩn qua tập tục cổ truyền còn được nguyên vẹn của một thời đã qua, có thể cho đó là trái tim thực sự của xứ Mường và quanh nó dường như đã hun đúc nên tình yêu xứ sở Mường”. Từ trước đến nay người Mường vẫn giữ nguyên những nét đẹp trong phong tục thờ cúng. Ông Lùng cho biết: “Người Mường có rất nhiều bài cúng. Nhưng trong nhà, thờ khác nhau, thổ công cúng khác, thần bếp cúng khác. Cúng ngày tết cũng khác. Những bài cúng toàn bằng tiếng Mường. Mỗi bài cúng phải cúng mất một tiếng. Nội dung bài cúng như cúng thần đất thổ côngchẳng hạn: hôm này nhà làm tết cuối năm, có thịt, xôi rượu mời các ông xuống ăn. Năm cũ qua, năm mới đến làm sao để gia đình làm ăn phát triển, nhiều gà nhiều lợn”.
Trong đời sống của người Mường có nhiều lễ cúng như: cúng bản, cúng mường, cầu cho bản mường bình yên no ấm. Lễ cúng rừng là cầu cho thần rừng phù hộ cho núi rừng, bản mường bình yên, trù phú. Cúng đưa hồn người qua đời lên trời, cúng khi đau ốm, lên nhà mới, đám cưới, xuống đồng, mừng cơm mới, cúng vía… Thầy mo giúp cho cộng đồng rất nhiều trong việc củng cố đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi con người trước những thử thách của cuộc sống, giúp con người biết hướng thiện, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà dạy và luật tục của bản mường.
Cuộc sống tinh thần của người Mường một phần thể hiện qua nghi lễ thờ cúng. Bà Bùi Thị Loan, người Mường ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, cho biết cả một năm người Mường chú trọng đến lễ cúng cuối năm để báo cáo với ông bà tổ tiên về một năm đã qua và mời họ về ăn tết cùng gia đình: “Ông Mo là người quan trọng trong đời sống. Có những phần mình không biết thì mình không đọc được. Vì vậy những việc đó nhờ cúng, khấn. Như gia đình nhà tôi, đêm 30 tết có con gà, đĩa xôi thì mình cúng còn hôm tết chính thì phải có thầy mo. Cúng mất 1 tiếng đồng hộ. Thầy nói bằng ngôn từ của thầy mo”.
Bà Bùi Thị Biên, ở xã Phong Phú, cho rằng các bài mo được thể hiện trong các nghi lễ, tâm linh thực sự là liều thuốc cần thiết trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường từ bao đời nay: “Theo phong tục người Mường thì có thầy mo cúng thì mới mát mẻ, năm mới gặp nhiều may mắn. Hết năm mình làm mời thầy mo. Thầy mo chỉ làm phúc thôi chứ không làm gì ảnh hưởng đến người dân”.
Thầy mo được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang bản sắc văn hóa riêng của người Mường. Thầy mo cũng chính là người biểu đạt những tinh hoa văn hóa dân tộc Mường, giúp cộng đồng hướng tới đích chân, thiện, mỹ trong cuộc sống./.