(VOV5) - Hát Páo dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát.
Páo dung là những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Dao. Để giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của mình, đồng bào Dao ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nhiều năm qua đã sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy các làn điệu cho thế hệ trẻ với mong muốn điệu Páo dung mãi ngân vang.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những câu hát, làn điệu dân ca đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao giản dị, mộc mạc, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đồng bào Dao. Đó chính là tiếng lòng của người Dao mà thông qua đó, họ gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghệ nhân ưu tú Đặng Nho Vượng, ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết: Đồng bào Dao có mấy làn điệu Páo dung là hát ru, hát mời, hát giao duyên. Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào cũng hát được. Ví dụ là mình đi làm nương mà bên rẫy bên kia có một đám người cũng đang làm nương, thì chúng ta có thể hát, dù có cách gò, cách núi, cách suối… nhưng giọng hát sẽ vang vọng sang bên đấy thì người ta nhận được lời hát sẽ hát đối lại.
Hát Páo dung là sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Dao. Ảnh baodantoc.vn |
Hát Páo dung có lịch sử từ lâu đời, với nhiều thể loại đem đến sự đa dạng, phong phú bất tận của Páo dung, như: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... Ca từ của các làn điệu này giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Các làn điệu Páo dung phổ biến là hát ngâm thơ, hát đối đáp giữa trai chưa vợ gái chưa chồng và hát ghẹo. Tuy khác nhau về giai điệu và nhịp phách nhưng đều có giá trị văn hóa lớn lao, định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao tinh thần lao động, sáng tạo, lẽ sống, ứng xử của con người với thiên nhiên.
Hát Páo dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát. Chính vì vậy, các làn điệu Páo dung giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình nhưng hát Páo dung không dễ, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay bởi lời ca hầu hết là lời Dao cổ.
Một trong những tiết mục do NNƯT Đặng Nho Vượng dàn dựng.
Ảnh: baoyenbai.com.vn |
Thấm nhuần và trân quý giá trị của Páo dung, từ nhiều năm qua, anh Đặng Nho Vượng ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đã tổ chức nhiều lớp học, dạy các em nhỏ những làn điệu páo dung, dạy thổi sáo mũi và chơi các nhạc cụ dân tộc Dao. Nghệ nhân ưu tú Đặng Nho Vượng chia sẻ: "Thứ nhất là vì tôi yêu dân ca của dân tộc mình, yêu và tự hào lắm. Thứ hai là từ yêu quý trân trọng, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao nên tôi truyền dạy và khơi nguồn để cho các cháu thích và học. Hiện nay nhiều cháu theo học rồi, rất mừng và tin là điệu Páo dung sẽ còn được tiếp nối."
Tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh và hội diễn văn hóa, thể thao các dân tộc Tây Bắc… đội văn nghệ của xã Đại Sơn đã đoạt được nhiều thành tích và nhiều huy chương vàng với các làn điệu Páo dung.
Páo dung có thể hát trong lễ cưới, trong lễ cấp sắc hay hát trên nương rẫy. |
Em Đặng Thị Lê Na và em Đặng Thị Thư – 2 trong số nhiều thanh thiếu niên đang theo học lớp hát múa của Nghệ nhân Đặng Nho Vượng, cho biết: "Con học hát Páo dung từ hồi còn học cấp 2 do bác Vượng dạy. Con rất thích điệu hát Páo dung vì nó là một phần của dân tộc Dao. Mỗi một khi biểu diễn điệu hát Páo dung trên sân khấu, con cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Con hát Páo dung trong các lễ hội của dân tộc Dao và các dân tộc khác."
"Mặc dù học điệu Páo dung rất khó, nhưng con sẽ cố gắng học để hát được. Điệu Páo dung rất hay, nên con sẽ tận dụng mọi cơ hội để quảng bá điệu Páo dung của quê mình, của dân tộc mình. Con rất tự hào khi mà dân tộc của mình có điệu Páo dung nhiều người biết đến."
Những người Dao cao tuổi ở ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào mình. Mong muốn cháy bỏng của người Dao nơi đây là câu hát Páo dung luôn được ngân vang, để niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp luôn tồn tại trong mỗi người Dao nơi đây.