(VOV5)- Cùng với các thi sĩ Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên làm nên “ Bàn Thành tứ hữu”, Yến Lan nổi tiếng rất sớm với nhiều bài thơ đượm phong vị cổ điển, liêu trai.
|
Tháp cổng trong quần thể kiến trúc Tháp Bánh Ít, Bình Định - Ảnh minh họa |
Có dịp vào Bình Định, được ngắm những ngọn tháp cổ trầm mặc trên cánh đồng lúa vàng trong sương khói âm u mới hình dung phần nào không gian thiên nhiên đã ám ảnh trong thơ các nhà thơ xứ này. Từ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn đến Xuân Diệu, rồi Yến Lan, Nguyễn Minh Vĩ…thi sĩ nào cũng mang mang hồn thơ phảng phất nỗi u hoài, ám ảnh. Thấm thoắt đã trăm năm tuổi các nhà thơ Quách Tấn, Xuân Diệu và nay là Yến Lan với biết bao kỷ niệm về cuộc đời và những bài thơ của ông vẫn còn in dấu trong lòng người đọc hôm nay. Tôi cảm nhận được tấm lòng thi sĩ để lại cho đời qua những bài tham luận, những ý kiến và bao ký ức của các nhà văn, nhà thơ đến dự hội thảo nhân dịp kỷ niệm “100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan”.
“Bến My lăng” của nhà thơ Yến Lan gần 80 năm qua đã neo dấu nghệ thuật đẹp đẽ với hình ảnh một bến mơ, bến lạ nhưng lại vô cùng gần gũi. Ấy là tình đời, tình người thương mến sẻ chia ấm lạnh với nỗi lòng ngư phủ - thi nhân, lặng thầm không thể nói hết:
“Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu”.
Cùng với các thi sĩ Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên làm nên “ Bàn Thành tứ hữu”, Yến Lan nổi tiếng rất sớm với nhiều bài thơ đượm phong vị cổ điển, liêu trai. Phải sống thật sâu, thật thấm cùng xứ sở mới thấu hiểu được phần nào tâm trạng con người và vùng đất chứa đựng nhiều điều kỳ bí, ám ảnh như Bình Định. Chia sẻ điều này với nhà thơ Yến Lan trong không gian thơ của ông, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bộc bạch sự đồng cảm, cắt nghĩa những ký hiệu nghệ thuật từ quê hương đã chuyển hóa trong thơ Yến Lan: “Tôi rất kính trọng nhà thơ Yến Lan cũng như những bạn bè của ông ở thế hệ vàng đã làm vang bóng mảnh đất Bình Định như là Hàn Mặc Tử,Chế Lan Viên, Quách Tấn, Xuân Diệu. Trong các nhà thơ của nhóm “ Bàn thành tứ hữu”thì Yến Lan là người sinh sống và sáng tác lâu dài nhất ở mảnh đất Bình Định. Như lý giải của nhà thơ Chế Lan Viên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì những nhà thơ ở đất này vẫn hô hấp được không khí truyền thống của một sứ sở rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, rất nhiều cuộc thiên di và tụ cư, nó còn trầm tích. Ở không khí như thế thì Yến Lan đã tiếp thu có chọn lọc cộng với bẩm sinh thi sĩ, như cụ viết:
“ Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về lỡ chuyến đò sang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng
Vẫn đôi bầu ấy sữa căng đầy
Nuôi lớn hồn nhiên cả một bầy
Sao đến lượt tôi thành trái trứng
Ngọt ngào thoắt đã đổi chua cay”.
Và ở cuối đời cụ có thơ tứ tuyệt:
“Phong trần tuốt xé guồng tư tưởng
Chỉ có yêu thương mới vá lành”.
Gắn bó máu thịt với quê hương là tâm cảm thương nhớ suốt cuộc đời Yến Lan nhất là những ngày sống trên đất Bắc thời chưa thống nhất đất nước. Yêu mến, quý trọng vốn văn học cổ điển, Yến Lan bộc lộ tình yêu quê hương bằng sự cống hiến cho thơ ca bao cảm thức mới. Ông yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên bằng nhiều bài thơ tứ tuyệt thấm đẫm chất đời. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng xúc động đọc chùm thơ tứ tuyệt của Yến Lan: “Bằng lối sống yêu thương mẫn cảm với mảnh đất Bình Định từ con cá lá rau đến hoa thơm trái ngọt, từ củi lửa than tro đến mây trời gió nước, từ thành xưa tháp cũ đến kiến trúc hiện đại và thiên nhiên đã gắn bó lối sống của cụ. Bài tứ tuyệt “ Cầm trăng em, cầm trăng hoa”:
“ Em đến xin hồng hồng chửa nụ
Hôm nay hồng nở dáng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa”.
Bài thứ hai“Nợ”:
“ Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”.
Sống chậm, sống kỹ với từng mảng đời, từng kiếp người mà ông có thể chia sẻ, Yến Lan gửi gắm bao điều ngẫm ngợi, chắt lọc qua từng hình ảnh cô đọng, hàm súc. Nhà thơ Trần Ninh Hồ phân tích ngôn ngữ thơ “ý tại ngôn ngoại” trong mảng thơ tứ tuyệt của Yến Lan: “Nói đến Yến Lan là người ta nghĩ ngay đến thị xã vô cùng khuất nẻo, là Quy Nhơn. Thơ ông đầy chọn lọc, chấm phá và kỹ càng vô cùng. Ông có hàng trăm bài tứ tuyệt, bài nào cũng hay. Ông viết về một tỉnh nhỏ cô quạnh: “Tỉnh nhỏ đìu hiu, mặt trời ngủ giữa chiều, trở mình trên mái rạ. Những cây bàng tay xương nắm lá, như tay người đưa thư, áo vải tay vàng hai vai đã vá, đi mấp mô không kẻ đợi chờ.” Cái thị trấn Quy Nhơn bị bỏ quên như cả dân tộc bị bỏ quên trong những năm tháng thực dân phong kiến. Hay là ông viết một câu thơ thôi mà chúng ta thấy cả không gian và thời gian” Tịch dương liễu không thấy mình hết biếc” “tịch” ở đây có thể là cô tịch, có thể đây là dương liễu đã chết khô vì cũng đến cái tuổi nó phải ra đi nhưng không bao giờ nó quên nó đã từng xanh biếc ở đời này. Tám chữ mà viết cả đời cây, cả đời người, cả không gian và thời gian. Hay là “ Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc. Đường chờ xe sông nước ước mong thuyền”. Khi trang trải hay ông say đắm thì cái sự hàm xúc vẫn là cốt cách của nhà thơ Yến Lan”.
Không mải mê bao la, bảng lảng với trăng sao, mây gió, nhà thơ Yến Lan chạm đến chất đời ở nhiều số phận con người trong xã hội xưa. Trái tim nhạy cảm, đau đáu của Yến Lan như khắc neo vào con người ông bắt gặp trong đời. Nhà thơ Trần Ninh Hồ tâm sự: “Quả thật ngoài sự hàm xúc ra cái khả năng chấm phá của ông rất cao. Bài về tỉnh nhỏ ấy. Rồi” Hàng rong gặp hàng rong”, những mẹt bánh nghèo, bánh khoai, bánh sắn “ Liếc mắt nhìn nhau qua mẹt bánh. Anh khóa nghèo lên tỉnh lá đơn kẹp với cán ô. Ông chủ hiệu e rờ a, e rờ ô. Lấm lét trông chừng lính đan đầu ngõ”. Hay là “ Môi mùa hè đỏ bầm rụng trên hoa cành gạo”.thì viết về mùa hè đi qua vô cùng hay.Cái sự hàm xúc, cái sự chấm phá ấy mãi mãi là những bài học vì thơ là cái nơi, cái cõi dùng ngôn ngữ ít lời nhất”.
Nhà thơ Yến Lan tham gia cách mạng từ rất sớm ở quê hương và theo suốt chặng đường văn học bằng giọng điệu thơ cực kỳ đặc sắc. Sống giản dị, khiêm cung nhưng tài năng thi ca của ông phát lộ sớm và giữ được độ bền chặt, sâu đậm. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại một kỷ niệm không thể nào quên đã gắn chặt tình cảm giữa nhà thơ Yến Lan và nhạc sĩ Văn Cao: “Tôi nhớ là năm 1985 ông Yến Lan đã về An Nhơn, nơi đã sinh ra ông, ở đó đã được chín mười năm rồi. Sau 1975 ông trở về quê hương với tâm hồn khắc khoải. Tôi cùng vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Từ Quốc Hoài và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đến thăm ông Yến Lan. Một ngôi nhà nhỏ có vườn. Ông Yến Lan lúc ấy đã 68 tuổi rồi, ông nằm bệnh ở đó. Ông người nhỏ thó và bà Lan vợ ông lay ông trên giường bệnh nói rằng có ông Văn Cao đến thăm ông. Bất ngờ thấy ông Yến Lan vùng dậy như gặp lại một người bạn chí cốt, tri âm. Hai ông ôm nhau rơm rớm nước mắt sau nhiều năm gặp lại. Ông Yến Lan vẫn nhớ tập thơ “ Những ngọn đèn” và ông còn đứng lên một cái ghế để tìm trên giá sách cũ kỹ cái tập thơ “ Những ngọn đèn”có lời đề tựa của Văn Cao. Lúc ấy tôi nhớ một câu thơ của Yến lan tôi rất thích” Đã chiếm hồn tôi như chiếm một kinh thành’. Hồi nhỏ tôi rất thích câu thơ ấy nhưng đến khi gặp Yến Lan ở giữa đất Bình Định, nơi đó là kinh đô của vương quốc Chăm-Pa xưa thì tôi mới hiểu tại sao ông Yến Lan lại viết được một câu thơ như thế”.
Tình cảm sâu đậm Yến Lan thể hiện trong thơ ca cũng gần gũi với chất đời sống của ông đối với gia đình, với bạn bè thi sĩ và quê hương. Nhà thơ Lâm Huy Nhuận là con trai nhà thơ Yến Lan kể lại sau khi ông mất, gia đình tập hợp được hơn 500 bài thơ tứ tuyệt làm phong phú thêm chân dung nhà thơ. Vợ nhà thơ – bà Nguyễn Thị Lan cả đời chăm chút lo toan cho gia đình để Yến Lan đắm đuối với thi ca. Mỗi bài thơ của ông đều thấm đẫm tình cảm vun vén, tần tảo của bà. Những năm cuối đời, ông bà sống với ruộng vườn quê hương Bình Định. Nhà thơ Lâm Huy Nhuận nhớ về người cha thi sĩ: “Yến Lan là một trong những nhà thơ khởi xướng thơ tứ tuyệt. Trước khi cụ ra đi thì gia đình đã gom góp được hơn 500 bài thơ tứ tuyệt, đấy là cả một hệ thống tương đối đồ sộ. Điều đó nói rằng thơ tứ tuyệt liên tục ám ảnh ông không những thời kỳ còn trẻ mà ngay cả trong những năm cuooiis đời, rất nhiều bài thơ ông hoàn thành trên giường bệh, lúc cụ ốm nặng. Bài thơ “Bến My Lăng”sống lâu trong lòng bạn đọc trước hết là nhà thơ đã tạo ra được cái ảo giác. Hai nữa là trong bài thơ “ Bến My Lăng” đứng về mặt nào đó cái sự chờ đợi khiến con người ta mang đến rất nhiều cái về tương lai mở rộng, như hình ảnh ông lão gối đầu, nhưng bên cạnh đó có hình tượng chàng kỵ mã dường như cả một thế hệ mới.
Bài thơ lục bát “ Đi trong nắng mới” của nhà thơ Yến Lan từ ngày ông còn trẻ cũng đầy thấm thía tình yêu quê nhà. Chẳng thế mà ông có tới 4 bài thơ viết về quê hương Bình Định ở các thời kỳ khác nhau, không bài nào lặp lại cấu tứ chỉ có tình quê xuyên thấm nhẹ nhàng và sâu lắng. 100 năm đi qua một đời người như Yến Lan đã để lại sự nghiệp thơ ca đáng trân trọng, với kịch thơ “ Bóng giai nhân”; “ Gái Trữ la” và gần 10 tập thơ khác mang phong vị lãng mạn, hàm súc nhiều dấu ấn.