(VOV5) - Đoàn cải lương Tây Đô của Thành phố Cần Thơ đã xây dựng vở Vở cải lương “Bông mận trắng” từ câu chuyện lịch sử có thật ở địa phương vào thời điểm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vở diễn “Bông mận trắng” là vở diễn đầu tiên về câu chuyện lịch sử có thật của địa phương, do đơn vị địa phương thực hiện trên sân khấu cải lương. Những nghệ sĩ của đoàn cải lương Tây Đô như NSƯT Thảo Vân, nghệ sĩ Hoàng Khanh, nghệ sĩ Hồng Thủy cùng các nghệ sĩ Kim Ngân, Lê Duy, đạo diễn Kiều Mỹ Dung và tập thể đoàn đã làm nên thành công của vở “Bông Mận trắng”.
Nghệ sĩ Thảo Vân chia sẻ: “Tôi cũng là mẹ, gia đình lại có truyền thống Cách mạng, bà nội cũng là mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ của tôi rất phúc hậu. Từ động cơ đó thúc đẩy Thảo Vân đạt mấy vai diễn những bà mẹ. Kịch bản “Bông mận trắng” nói về một sự việc có thật cũng có hư cấu. Tự tin một điều là chúng tôi làm rất là tròn. Tôi thì làm vai bà mẹ chiến sĩ. Còn mấy em diễn viên trẻ hát rất máu lửa với nghề.”
Còn nghệ sĩ Hồng Thủy cho biết: “Kết quả đã vượt xa mong đợi, tất cả anh em trên dưới đều mừng. Đó là niềm tự hào của mình. Mong là sẽ diễn hoài để mình được đứng trên sân khấu. Và mong là nhà hát có nhiều vai để sân khấu luôn sáng đèn.”
Khu di tích lịch sử căn cứ Vườn Mận của thành phố Cần Thơ thuộc khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy từng ghi dấu nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Người dân toàn tuyến lộ Vòng Cung luôn một lòng theo Đảng, bảo vệ Cách mạng bất chấp hy sinh gian khổ. Trong muôn ngàn câu chuyện tình quân dân tuyệt đẹp ấy, có gương hy sinh của Mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi trên chính khu vườn của mình: khu di tích Vườn Mận – điểm tựa lưng của lực lượng chủ lực quân khu và tỉnh Cần Thơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Từ câu chuyện này, nhà hát Tây Đô đã đặt hàng kịch bản và xây dựng vở cải lương “Bông Mận trắng” do các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn của đoàn cải lương Tây Đô trực thuộc nhà hát thực hiện.
|
Vở diễn “Bông mận trắng” đã đem lại thành công ngoài mong đợi khi cùng lúc đạt 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại Cuộc thi Nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Vở diễn cũng được thể hiện nhiều lần phục vụ nhân dân, du khách ngay tại khu di tích Vườn Mận và các xã anh hùng trên tuyến lộ Vòng Cung, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong không gian các khu di tích, người xem khóc cười cùng nhân vật. Những người trẻ khi xem vở diễn, cảm nhận được rõ nét nhất từng giọt máu cha anh thấm trong mỗi tấc đất quê mình, từng giọt nắng hòa bình thêm lung linh ấm áp tình người trao truyền qua bao thế hệ.
Bạn Ngô Mạnh Khang, học sinh trường Phổ thông trung học Lương Thế Vinh, cho biết: “Câu chuyện lịch sử, di tích lịch sử, trận đánh lịch sử của Cần Thơ được dựng lại thì sức thuyết phục cũng như tính hấp dẫn của nó tăng thêm. Có 1 phần đã sửa đổi lại nhưng nó xúc động hơn vì diễn xuất quá tài tình của các diễn viên.”
50 năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 và hơn 40 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, câu thơ xưa “Vòng Cung đi dễ khó về/ Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” vẫn sống trong lòng người dân và du khách về thăm khu di tích lịch sử. Cùng với thành phố, Lộ Vòng Cung nay đã trở thành một trong những tuyến du lịch chính của thành phố Cần Thơ. Những ngày xuân, về thăm Lộ Vòng Cung để nghe người dân nơi đây kể mãi câu chuyện đầy tự hào về tuyến lửa anh hùng đã đi vào lịch sử, vào thơ ca và tỏa sáng trên sân khấu cải lương./.