(VOV5) - Trong thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, tác giả đã chọn đại dịch Covid 19 làm đề tài cho những tác phẩm của mình.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc Kim Phượng:
Với sức tàn phá khủng khiếp, dịch bệnh Covid 19 đã trở thành nỗi ám ảnh trên toàn thế giới. Trong những ngày tháng phong thành, dịch bệnh đã buộc chúng ta phải định nghĩa lại về những điều bình thường khi rời xa những buổi tụ tập đông người, những chiều café dạo phố… để học cách thích nghi với cuộc sống trong nhà. Cũng chính vì vậy, không ngạc nhiên khi trong thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, tác giả đã chọn đại dịch Covid 19 làm đề tài cho những tác phẩm của mình. Các ấn phẩm này cũng nhanh chóng được biên tập và ra mắt, góp mặt trong cuộc chiến của ngành xuất bản với dịch bệnh toàn cầu.
Không lâu sau khi dịch bệnh Covid 19 xuất hiện ở nước ta, ngành xuất bản đã ra mắt một loạt sách về cẩm nang phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, sách về Covid 19 không dừng lại ở những trang hỏi đáp về kiến thức mà đã dần xuất hiện những tác phẩm có nhân vật, có cốt truyện kể về những trải nghiệm phòng, chống dịch ở khu cách ly hay tâm trạng của những người mắc kẹt ở nước ngoài.
Du học sinh Nguyễn Tăng Quang chia sẻ câu chuyện về ký họa cách ly của mình tại buổi họp báo ra mắt sách. |
Ra mắt vào khoảng tháng 6 năm ngoài, cuốn kí họa “Con đã về nhà – I’m home” của kiến trúc sư Tăng Quang, do NXB Phụ nữ ấn hành, đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm. Trong bối cảnh những du học sinh lúc đó còn đang băn khoăn ở lại hay trở về, tác phẩm đã đem đến những trải nghiệm chân thực từ nét vẽ tới câu chuyện của người trong cuộc: “Mình vẽ 1/3 số tranh khi ở trong khu cách ly. Lúc đó thì mình không có mang nhiều họa cụ về Việt Nam nên mình vẽ bằng những gì sẵn có thôi. Thường là mình ngồi trên giường, kê giấy lên gối hoặc là ngồi trên ghế đá để vẽ tranh. Mỗi bức thì mình thường vẽ khoảng 1 tiếng đến 2 tiếng.
Các tranh còn lại thì mình thực hiện khi đã về nhà. Những bức này thì mình vẽ lâu hơn, khoảng tầm 2 đến 3 tiếng một bức. Một phần thì mình chỉ vẽ lại theo ảnh chụp hoặc tưởng tượng, không còn đậm chất kí họa như ban đầu. Một phần vì về nhà nhiều cám dỗ nên lâu lâu mình cũng mất tập trung. Theo mình thì các tranh vẽ trực tiếp trong khu cách ly sẽ phản ánh chân thực cảm xúc và bối cảnh không gian nên vẽ có hồn hơn. Nhưng các tranh được vẽ ở nhà có nhiều điều kiện hỗ trợ nên vẽ có hiệu quả thẩm mĩ cao hơn. Và dù theo hình thức nào thì câu chuyện trong các bức tranh vẫn được cố gắng ghi lại một cách rất chân thực.”
Tập hợp những bức tranh được tác giả Tăng Quang vẽ trong thời gian cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, thành phố Hồ Chí Minh và 20 bức vẽ được hoàn thiện sau đó cũng với đề tài này, “Con đã về nhà” không chỉ đơn thuần phản ánh đời sống sinh hoạt trong khu cách ly mà còn khắc họa một cách sâu sắc giá trị của tình người trong biến cố. Sự đóng góp của các chiến sĩ áo trắng, áo xanh cũng đã được tác giả ghi lại với sự cảm phục và biết ơn: “Mình không phải là họa sĩ, mình cũng không có nhiều kinh nghiệm viết lách nên mình chưa từng nghĩ sẽ được xuất bản sách.
Mình đã may mắn nhận được đề nghị của Nhà xuất bản Phụ nữ về việc xây dựng một cuốn sách ghi lại một cột mốc, một sự kiện rất khác biệt mà xã hội đã trải qua sau khi các anh chị nhà xuất bản đã xem bộ tranh mình đăng tải trên mạng xã hội. Cuốn sách cơ bản được chia làm hai phần. Phần đầu tiên là hơn 60 tranh kí họa về công việc của các anh chị bác sĩ, chiến sĩ ở trung tâm cách ly và cuộc sống thường nhật của các bạn du học sinh ở đây. Phần sau là các bài viết, cảm xúc của các bạn du học sinh hay phụ huynh có con ở khu cách ly tập trung.”
Sách tranh về đề tài Covid 19 còn có cuốn “Khẩu trang và Người nổi tiếng” của họa sĩ Lê Sa Long. Về sách ảnh thì có thể nhắc đến “Sài Gòn Covid 19” in song ngữ Việt Anh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, lưu giữ từng khoảnh khắc của người dân, đội ngũ y, bác sĩ thành phố Hồ Chí Minh trong đại dich. Các tác phẩm mang tính văn chương hơn trong thời gian này cũng đã xuất hiện. Tiêu biểu có thể nhắc tới “Mắc kẹt” của tác giả Phương Thu Thủy, “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” của y tá người Úc gốc Việt Iris Lê, “Paris 55 ngày cấm túc” của tác giả Giáng Hương, “Paris + 14” của tiến sĩ tâm lý Cù Thu Hương.
Đại dịch Covid 19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều công dân toàn cầu, khiến cuộc đời họ thay đổi theo những chiều hướng bất ngờ. Với tác giả Cù Thu Hương, đó là một “khóa học” không có trong dự tính khi chứng kiến đại dịch bùng phát ở kinh đô ánh sáng, trở về quê hương và trải qua 14 ngày cách ly ở Sơn Tây (Hà Nội)… “Cuốn sách này tôi lấy nhan đề là “Paris+14” sau rất nhiều phương án khác nhau. Bởi vì Paris là nơi hai mẹ con tôi định cư ở đó và để cho thấy rằng dịch bệnh không trừ bất kỳ một ai cả, kể cả một thành phố kiêu sa, đẹp đẽ nhất. Còn +14 là 14 ngày cách ly. Chính trong 14 ngày đấy, tôi đã thai nghén được những chương đầu tiên của cuốn sách. Tôi đã viết đêm ngày và đúng là viết trong nước mắt tại vì cứ viết là lại hiện lên những hình ảnh rất thương tâm mà không bao giờ nghĩ có thể xảy ra ở thế kỷ 21 này.”
Không khó để nhận thấy, phần lớn các tác phẩm viết về đề tài Covid 19, cho đến nay, đều thuộc thể loại ghi chép, bút kí. Điều này không có gì bất ngờ khi bút kí vẫn được coi là thể loại giao thoa giữa báo chí và văn chương. Hơn nữa, trước dịch bệnh, chúng ta có những mẫu số chung nhất định về cảm xúc và suy nghĩ. Điều đó khiến một tác phẩm kể một tình cảnh riêng tư như “Paris+14” nói riêng và nhiều tác phẩm khác nói chung, cũng có thể gần gũi với trải nghiệm của số đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định: “Tôi cho rằng đại dịch Covid đã biến đổi thế giới. Nó thách thức thế giới. Tác giả Cù Thu Hương có thể nói một phần là nạn nhân nhưng lại là một nhân chứng quan trọng trong lịch sử đó. Và qua một thân phận nhỏ bé là tác giả thì thấy rằng con người trước thiên nhiên trở nên nhỏ bé vô cùng, mong manh vô cùng. Nếu chúng ta không dựa vào thiên nhiên, không đi cùng, không hòa đồng với thiên nhiên, chúng ta sẽ bị đập vỡ vụn.”
Ở địa hạt phi hư cấu, tác phẩm viết về Covid 19 ở nước ta có phần hiếm hoi nhưng cũng đã xuất hiện. Sớm nhất có lẽ là tiểu thuyết “Những ngày cách ly” của tác giả Bùi Quang Thắng, do NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Cho đến nay, đây được coi là tác phẩm hư cấu hiếm hoi trong dòng sách về dịch bệnh Covid 19. Xoay quanh gia đình ông bà Trương và cô con gái Hoàng Cúc, tác giả khắc họa hành trình trưởng thành của cô tiểu thư lá ngọc cành vàng khi đối mặt với dịch bệnh và trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc đời mình.
Tác giả Bùi Quang Thắng bộc bạch: “Khi mà tôi bắt đầu cầm bút viết “Những ngày cách ly” thì đúng là thông tin về dịch bệnh rất là nhiều, tràn ngập trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi mới nảy sinh ra ý định viết một cái gì đấy nó khác đi. Và khi mà tôi bắt đầu viết theo thể loại hư cấu thì tôi thấy nó cũng có những thế mạnh rất là riêng của nó vì mình không bị quá gò bó trong những số liệu, trong những sự kiện mà có thể là khô khan. Ví dụ trong đây tôi có lồng vào một câu chuyện tình cũng thi vị giữa hai nhân vật chính.”
Một trong những điểm đáng chú ý là trong số các tác phẩm viết về đề tài dịch bệnh Covid 19 ở nước ta, phần lớn là các cây bút không chuyên. Có nhiều người trong số đó còn chưa bao giờ nghĩ tới việc trở thành một tác giả, thậm chí đây còn là lần đầu họ ra mắt một cuốn sách.
Nhà thơ Hữu Việt lí giải điều này bằng sự thôi thúc của “người viết ngay trong lòng sự kiện”: “Những năm gần đây có một hiện tượng là có rất nhiều người viết tay ngang. Những câu chuyện của họ quả thực tác động rất mạnh tới dư luận và đời sống xã hội và được rất nhiều người tìm đọc. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao những vấn đề nóng bỏng như thế của đời sống thì những nhà văn của chúng ta lại không tiếp cận đến. Có lẽ cuộc sống hiện đại có những điều chỉnh của nó. Nó càng ngày tốc độ càng nhanh lên. Trong khi nhà văn lại cần những khoảng lùi để viết những tác phẩm của mình thì người viết ở trong lòng sự kiện, họ thấy cần phải viết ngay ra những cuốn sách bằng sự thôi thúc nội tâm. Và quả thực, sự thôi thúc ấy và những cuốn sách đó đáp ứng được nhu cầu ngay lập tức của bạn đọc.”
Trong khi đó, nhà văn Y Ban lại cho rằng có thể các tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp trong nước chưa “chỉ mặt đặt tên” Covid 19 nhưng từ trước đó, họ đã luôn có dự cảm về một thảm họa sẽ giáng xuống đầu nhân loại: “Ở Việt Nam, chúng ta thấy có rất nhiều bài báo, có thể đến hàng triệu các bài báo nhưng chưa có một cuốn sách nào có thể xuyên suốt được vào vấn đề đấy. Thế nhưng chúng ta đều biết là tất cả các nhà văn, cả trên thế giới cả Việt Nam, đều có những dự cảm về việc thế giới sẽ phải đối đầu với sóng thần, với Covid và tất cả những vấn đề như thế nào. Cách đây 5 năm, tôi đã viết tiểu thuyết là “Công viên cứu hộ loài người”. Tôi cho rằng con người cần phải cứu hộ chứ không phải là các loài động vật và cây cỏ. Bởi vì con người, nếu cứ sống như cái cách mà loài người đang sống như thế này, thì rõ ràng là sẽ đứng ở trên bờ diệt vong.”
Liệu có xuất hiện một dòng văn học viết về Covid 19 ở nước ta hay không? Đây là điều chưa thể kết luận. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đề tài này chắc chắn sẽ tiếp tục khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả. Bởi, người viết, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, cũng không nằm ngoài dòng chảy của cuộc sống.