(VOV5) - Nhiều tác phẩm sân khấu về chiến tranh chất lượng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn hiện diện và đồng hành trong đời sống tinh thần của người Việt hiện tại.
Trong suốt lịch sử phát triển của sân khấu Việt Nam, đề tài chiến tranh cách mạng luôn có những trang vàng rực rỡ với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng khán giả. Tâm thức “uống nước nhớ nguồn” khiến việc hoài niệm và tôn vinh quá khứ oanh liệt đã trở thành một nét văn hóa riêng. Cùng với đó, nhiều tác phẩm sân khấu về chiến tranh chất lượng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn hiện diện và đồng hành trong đời sống tinh thần của người Việt hiện tại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ mảng đề tài chiến tranh Cách mạng, một đội ngũ những nhà viết kịch mặc áo lính đã trưởng thành, tên tuổi của họ đến nay còn được đông đảo người dân nhắc nhớ và yêu mến như: Vũ Dũng Minh, Nguyễn Vượng, Hoài Giao, Sỹ Hanh, Xuân Đức, Chu Nghi, Ngô Y Linh, Đào Hồng Cẩm... Những tác phẩm có được thành công lớn, ấn tượng sâu sắc với nhiều thế hệ khán giả như Đâu có giặc là ta cứ đi, Người ven đô, Người vợ miền Nam, Nổi gió, Ngọn lửa, Bà mẹ và những đứa con, Tay súng dân quân, Em bé giao liên, Lưới thép, Một vùng trời; Sẵn sàng, Trang sổ tay chiến sĩ, Trận địa, Lửa hậu phương, Anh Trỗi, Tiền tuyến gọi, Đôi mắt... và còn rất nhiều nữa.
Một cảnh trong vở nhạc kịh ''Mảnh Trăng cuối rừng.'' |
Đề tài chiến tranh là máu thịt đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc chiến như nhà văn Xuân Đức. Ông là tác giả của nhiều kịch bản được dàn dựng thành công trên sân khấu gần đây. Nhà văn Xuân Đức tâm sự: “Phải nói rằng sau này tôi không chỉ viết về chiến tranh Cách mạng. Tôi cũng tham gia viết về những vấn đề nóng của xã hội, nhưng ngay cả những vấn đề viết về cuộc sống hiện nay các nhân vật vẫn bị mốc vào quá khứ của chiến tranh Cách mạng. Hình như nếu không bấu vào quá khứ của chiến tranh Cách mạng thì sẽ chơi vơi ở đâu đó. Nếu thời gian của chiến tranh lùi quá xa, nhân vật không bấu vào được thì thế hệ con cháu vẫn phải bấu vào. Mình được, đối với tôi nhắm mắt lại là chập chờn với bao nhiêu điều. Cứ gọi về không nguôi được, không dứt ra được”.
Với những thế hệ văn nghệ sĩ lớn lên sau chiến tranh thì mảng đề tài này cũng có sức thu hút lớn. Lựa chọn đề tài chiến tranh để khai thác, sáng tác chính là góp phần khẳng định, lưu giữ và truyền bá những giá trị cao đẹp của chiến tranh Vệ quốc đồng thời thể hiện tình cảm, sự tri ân với thế hệ cha anh.
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: “Đề tài chiến tranh Cách mạng khi có độ lùi của thời gian, người trẻ sẽ nhìn những đề tài này rất sống động và là nguồn cảm hứng vô tận. Dường như những người trong cuộc kháng chiến có thể bi kịch, đau khổ nhưng họ thấy đó là chuyện bình thường. Nhưng những người lớn lên sau chiến tranh rung cảm hơn và có điều kiện để tìm lại những sử liệu, hoạt động chuyên nghiệp để viết thành câu chuyện chuyên nghiệp. Đề tài chiến tranh cách mạng rất sống động, giàu có, phong phú. Thật ra khi mình viết, không hẳn về đề tài Cách mạng mà là thân phận con người trong dòng xoáy lịch sử trong cuộc kháng chiến. Những giọt nước mắt thầm lặng, những thân phận con người trong khoảng nhá nhem tối sáng lịch sử. Điều này làm cho người cầm bút rất rung cảm”
Các đạo diễn trẻ từng đưa tác phẩm về đề tài chiến tranh lên sân khấu cũng có những chiêm nghiệm về cuộc chiến. NSND Hoàng Quỳnh Mai phát biểu: “Đề tài chiến tranh Cách mạng gần như là tiếng nói đồng cảm, thể hiện tình cảm, ngưỡng mộ, tôn kính thế hệ sau này đối với những người chiến sĩ đã có công, hy sinh với sự nghiệp gìn giữ bảo vệ tổ quốc. Như Nhà hát cải lương Việt Nam. Có nhiều vở diễn đi sâu vào đề tài Cách mạng như vở Nắng tháng tám, Đôi dòng sữa mẹ… Mảng đề tài chiến tranh Cách mạng cũng là đề tài hấp dẫn đối với sân khấu cải lương”
Tuy nhiên, sân khấu hiện nay cũng đang rất cần những cách làm mới, nhân tố mới để mảng đề tài này thêm sinh động, hấp dẫn người xem hơn nữa. Quá khứ huy hoàng của dân tộc vẫn cần cách tiếp cận mới mẻ để được hiện ra trong đời sống hiện tại giàu sức thuyết phục, làm rung động lòng người bằng những cảm xúc chân thành. Nếu không, thật khó để mảng đề tài này giữ được vị trí vững vàng như bao năm qua trong sự phát triển của sân khấu hiện đại.
Như nhà nghiên cứu sân khấu Cẩm Thúy nói thì: “Trước đây có một số tác giả tên tuổi như Chu Lai, Hà Đình Cẩn. Trong các cuộc hội thảo trước đề tài quân đội là máu thịt. Đội ngũ tác giả đạo diễn trẻ không có thâm nhập vào đời sống người lính nên khó mà nêu bật phản ánh được những nỗ lực người lính phải hy sinh thầm lặng. Đây là một vấn đề khó khăn. Phản ánh đã khó, khán giả có tiếp nhận hay không còn khó hơn. Đây là đề tài khó để thu hút người làm nghề”.
Với những nỗ lực của những người làm nghề như hiện nay, có rất nhiều hy vọng rằng quá khứ sẽ luôn được hiện ra trong đời sống hiện tại một cách sinh động, giàu sức thuyết phục. Đó cũng chính là sức hút của nghệ thuật sân khấu về đề tài chiến tranh đã, đang đồng hành cùng thời cuộc.