(VOV5)- Nhà lưu niệm văn học Nga, truyền tải không những toàn bộ tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc của Thúy Toàn với văn học Nga, mà còn ấp ủ một mong mỏi sâu xa hơn của nhà dịch giả lão thành – về một địa chỉ văn hóa nhỏ, trong một địa chỉ văn hóa lớn hơn: Phù Lưu...
Năm ngoái, 2015, giới báo chí đã đưa tin về việc ra mắt một nhà lưu niệm văn học Nga và những mối liên quan giữa văn học hai nước, do dịch giả Thúy Toàn chủ trì, ở phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Phố Phù Lưu!
Ấy chính là làng Phù Lưu có chợ Giàu nức tiếng xứ Kinh Bắc xưa, là chốn quê của nhà dịch giả nổi tiếng, cách nơi định cư của ông ở Hà Nội đâu chừng 18 cây số.
|
Dịch giả Thúy Toàn và một góc Nhà lưu niệm văn học Nga ở làng Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. - Ảnh: vnca.cand.com.vn |
Bảo tàng duy nhất về văn học Nga ở Việt Nam
Trước đó, Thúy Toàn từng tổ chức 7 cuộc trưng bày theo chuyên đề: Văn học Nga ở Việt Nam, Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam, Pushkin ở Việt Nam… ở nhiều địa chỉ văn hóa tại Hà Nội. Việc lưu giữ những tài liệu của ông có hệ thống, bài bản, có ý thức của một người làm dịch thuật, nghiên cứu với nhiều tư liệu quý cho thế hệ sau. Như dịch giả Thúy Toàn kể lại: “Cả cuộc đời gắn bó với văn học Nga nên tôi sớm có ý thức lưu giữ và sưu tập những hiện vật dính dáng đến quá trình văn học Nga ở Việt Nam. Bộ sưu tập của tôi gồm sách vở, có thể phân loại thành nhiều kiểu trưng bày. Sách lý luận xô viết về văn học, sách giáo khoa, sách về thơ như Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam… Có những bộ sưu tập như báo chí từ hòa bình lập lại với những tờ báo nói đến văn học Nga, văn học xô viết…Có những chủ đề như Puskin ở Việt Nam, thì cũng có những bài báo, cuốn sách đầu tiên viết về Puskin, truyện phim Epghenhi Ôghênhin, cũng như nhạc kịch này được dựng trên sân khấu Hà Nội, cho đến những hoạt động kỷ niệm 200 năm Puskin ở Việt Nam vv… Tập trung theo các chủ đề và thể loại, và một cách khác là theo quá trình phát triển của văn học Nga ở Việt Nam.”
Nhà lưu niệm có diện tích chưa đầy 50m2, nhưng cả hai tầng có hơn 1 nghìn kỷ vật, tư liệu, sách, báo các loại... Tầng một có chủ đề: “Những trang tình nghĩa” trưng bày hình ảnh, tư liệu về tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam - Liên Bang Nga. Tầng hai với chủ đề “Văn học Nga ở Việt Nam” bao gồm tất cả di cảo, bản thảo, sách tặng, ảnh, tư liệu, kỷ vật đều được cho vào khung trang trọng với chú thích tỉ mỉ, rõ ràng: “Tình cờ tôi còn giữ được tờ báo ra ngày 15/11/1954, tức là chỉ sau khi ta tiếp quản thủ đô mấy tháng. Tờ báo đó đã đăng một bài hát của nhà soạn nhạc nổi tiếng Moradeli, tác giả của những bài Thanh niên dân chủ thế giới, Lên đồi Lenin vv… Lúc đó ông sáng tác một bài hát về Việt Nam, có nhắc đến cụ Hồ. Tôi cũng nghĩ ra và đóng cái khung thật đẹp, sau đó viết một bài báo Những bài hát đầu tiên về Bác Hồ của người nước ngoài. …Báo từ 1954 tức là hơn 60 năm rồi…Hay là những bài báo đăng thơ Ximonop, khi đó sang thăm Việt Nam năm 1971, hay là 5-6 lần sang Việt Nam của Eptusenko…vv tôi cũng đóng thành khung …Không ngờ nó đẹp! “
Những tư liệu đưa người xem trở về với những năm tháng khi người Việt bắt đầu biết tới văn học Nga, có nhiều tư liệu quý giá: “Kỷ vật về văn học Nga ở Việt Nam như những bản thảo dịch của nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh viết tay, thư từ trao đổi với người biên tập là tôi, hoặc những cuốn như Nhật ký bằng thơ của Tú Mỡ. Tác phẩm nộp cho NXB để chuẩn bị in, có cái lấy được có cái không in được, nhưng cả bản thảo cho vào bồ, đến lúc thanh lý người ta định đốt đi chẳng hạn, thì tôi giữ. Hay những bản thảo tôi biên tập của ông Tế Hanh dịch tác giả Nga. Hay cũng có dịch giả nhà văn cho tôi bản thảo như nhà văn, nhà báo Phan Quang, năm 1953 ông tham gia dịch để dự thi Hội văn nghệ (lúc bấy giờ mới ra đời ở Việt Bắc) với một truyện vừa của Constantin Ximonop (tác giả của Đợi anh về). Ông cho tôi cái bản thảo đánh máy trên giấy tre nứa đen thui (tuy gọi là giấy pơluya nhưng là giấy pơluya kháng chiến.) Đấy là bộ sưu tập tôi nghĩ là vô cùng quý báu.”
Hàng chục năm đau đáu, tâm huyết, không nhiều người biết được những nỗ lực dày công của nhà dịch giả đã ở tuổi xưa nay hiếm, để ra đời ngôi nhà lưu niệm được xây dựng, sửa chữa từ một căn nhà chung của khu phố Phù Lưu. Khi lý giải tại sao ông làm được tất cả những công việc này, dịch giả Thúy Toàn bảo: “Một là tôi có sẵn, tập hợp lại, đồng thời được sự khuyến khích từ những lần tôi đi nước ngoài. Có lần năm 2011 bỗng nhiên tôi được giấy mời đi Ba Lan do cá nhân một người Ba Lan sang dự hội thảo về một nhà thơ xô viết. Người này đã được đi học ở Liên Xô và mê một nhà thơ xô viết đã qua đời. Và trong quá trình học tập bà đã sưu tập các hiện vật và trở về thành lập bảo tàng tư nhân trong 1 căn hộ có 3 buồng của 2 mẹ con. Với 500 hiện vật bắt đầu từ 1994, cho đến 2011 là năm tôi sang, thì hiện vật của bảo tàng của bà có đã lên tới 15000. Bà đã tổ chức được 21 cuộc Hội nghị quốc tế, ra được hàng chục cuốn sách về tác giả. Có tiền ra sách, rồi có sự đóng góp của các tổ chức, các cá nhân yêu mến nhà thơ khắp thế giới nên bảo tàng không những tồn tại và phát triển thành một trung tâm hội tụ các nhà nghiên cứu về nhà thơ xô viết này. Nhưng muốn làm được như thế phải có hai điều kiện: bà ấy nhiệt tình đã đành, và còn phải có tri thức. Bà quy tụ được những người có tâm huyết với nhà thơ, yêu mến nhà thơ. Vì vậy tôi từ lâu đã có ý định là thu xếp kỷ vật lưu trữ lại để hình thành 1 nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam. Tôi nghĩ trong các bạn yêu quý văn học Nga, gắn bó với văn học Nga, sẽ có những người hưởng ứng điều này.”
|
Trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân có nhân vật ông Hai thích khoe cái làng của mình:. "Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân...". Đó là làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng giàu đẹp và có con đường đá xanh cổ kính. - Ảnh: Phan Dương/vnexpress.net |
Giấc mơ về một miền du lịch văn hóa Phù Lưu
Công trình văn hóa của dịch giả Thúy Toàn, có sự ủng hộ của những người ở làng Phù Lưu xưa, của chính quyền địa phương, khi một ngôi nhà chung của người Phù Lưu được đồng thuận trở thành nhà lưu niệm văn học Nga.
Phù Lưu, ấy cũng là quê hương của nhà văn Kim Lân – người đã viết câu chuyện Làng nức tiếng. Cái lòng yêu nước, yêu làng của nhân vật chính Ông Hai trong câu chuyện của Kim Lân, có thể hiện hình bóng mối dây gắn bó sâu sắc với Làng của người Phù Lưu, người Kinh Bắc, của những người con dù đã sống xa Làng như Thúy Toàn: “Tôi nghĩ cùng với sự phát triển ở kinh tế ở Việt Nam, sẽ thay đổi bộ mặt xã hội Việt Nam. Tôi hy vọng lắm. Chẳng hạn làng tôi, bây giờ lên phố. Làng là một làng văn hóa. Ở đấy có thể xây dựng thành một làng văn hóa du lịch, thành địa điểm của một tuyến du lịch. Vì làng chúng tôi có đầy đủ những điều kiện để biến thành nơi du lịch, nếu có những tâm huyết thì không kém gì một đô thị như Hội An. Làng tôi Phù Lưu là một làng buôn bán từ xa xưa. Nó có nét văn hóa của một loại hình nông thôn Việt Nam: nông thôn Việt Nam có làng lúa, làng nghề, thì đây là loại làng buôn, mà làng buôn sinh ra văn hóa của một vùng đất buôn bán, cũng như một tầng lớp trí thức. Làng tôi về xây dựng kiến trúc ông cha đã để lại nhiều, Một trong 10 cái đình nổi tiếng nhất của miền Bắc là đình Phù Lưu, bên cạnh đó chùa Phù Lưu cũng có một bộ tượng tuyệt vời, rồi có đền, có Hương hiền từ (nơi tôn vinh các bậc khoa bảng...) ôi chao nhiều lắm… .”
Nhà lưu niệm văn học Nga, truyền tải không những toàn bộ tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc của Thúy Toàn với văn học Nga, mà còn ấp ủ một mong mỏi sâu xa hơn của nhà dịch giả lão thành – về một địa chỉ văn hóa nhỏ, trong một địa chỉ văn hóa lớn hơn: Phù Lưu - một nếp làng xưa của Bắc Bộ, nơi còn lưu giữ lại nhiều dấu tích văn hóa xưa kết nối với văn hóa hiện đại, một miền đất thể hiện văn hóa giao thương, cũng là một miền đất đã nuôi dưỡng nhiều danh nhân.