(VOV5) - Đọc văn Vũ Công Chiến qua một đôi cuốn trước, đúng như một không khí của ấm trà trong một ngày mưa lạnh. Bao nhiêu tí tách đôn hậu của một thời bình tâm đi qua những gian khó.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
Có những lúc trong ngày mưa gió rét mướt có một việc dễ chịu là cho một dúm trà vào ấm, bật ấm đun nước lên, nghe tiếng nước sôi và chờ đợi tiếng nước réo rồi lẫy rơ-le điện ngắt kịch một cái. Đó là lúc nước sôi và rót vào ấm, đợi trà ngấm và rót ra chén, trong lòng khoan khoái nhấp ngụm đầu tiên. Cảm giác của một không khí quen thuộc, đáng tin, không bất ngờ nhưng mình luôn muốn có.
Đọc văn Vũ Công Chiến qua một đôi cuốn trước, đúng như một không khí của ấm trà trong một ngày mưa lạnh. Bao nhiêu tí tách đôn hậu của một thời bình tâm đi qua những gian khó. Có những nỗi đau khổ, những bi kịch, nhưng vẫn có dòng đời sống tiếp diễn của sự thích ứng hoàn cảnh.
Cuốn tản văn này không phải là một cuốn đều tay, một số bài hơi lỏng, nhưng đều là những bài như vị trà đã ngấm, có bài nhiều dư vị ngọt hậu.
Văn phong có sự bình tĩnh của một người thế hệ 5x đã đi qua tất cả những yên bình và biến động của thập niên 1950 ấu thơ trùng khít với thời ấu thơ của nền sản xuất Xã hội chủ nghĩa miền Bắc, thập niên 1960 của tuổi học trò ứng với thời đại giáo dục con người xã hội chủ nghĩa ở thành phố mới của những khu tập thể mới, những nhà máy mới, những viễn kiến nhiều hoành tráng bên cạnh những không gian đồng nội quanh Hà Nội đầy phù sa, thập niên 1970 bom đạn và khôi phục sau chiến tranh, thập niên 1980 gian khó và đổi thay.
Những người đàn ông trong văn Vũ Công Chiến vẫn bền bỉ với Hà Nội, họ ít ồn ào vì đời sống không có cái réo rắt hoa mỹ của giới văn nghệ sĩ nhiều khi vận cái khó ở, cái ghét đời làm phục sức cho bản ngã, họ có vẻ khá đơn giản như mẫu nam giới tử tế những vở kịch thời thập niên 1980. Nhưng họ là dân HN nên lại có những quan sát, suy tư "tẩm ngẩm tầm ngầm" không nói ra thì thôi, hễ nói là phát lộ nhiều điều không hề giản đơn. Ví dụ như câu chuyện về nhà Thủy Tạ theo văn hóa trước 1954, sau tiếp quản vẫn là sở hữu tư nhân, tính tiền theo đĩa, nên nhiều thanh niên sau này lợi dụng sơ hở, giấu đĩa đi hoặc quẳng xuống hồ, nhà hàng biết nhưng vẫn không thay đổi cách tính, vì cho đó chỉ là trò vô hại của đám thanh niên mới lớn. Nhưng từ sau khi thành cửa hàng nhà nước, việc tính tiền gắt gao hơn để chống gian lận, và Vũ Công Chiến nhìn nhận đó là một sự đổi thay lớn về hành vi, qua đó cho thấy niềm tin trong xã hội đã khác.
Cuốn sách phải nói là giản dị nhưng nó rất Hà Nội - Hà Nội của một khối người chính ra đông đảo hơn thị dân phố cổ hay dân buôn bán vùng ven. Họ chính là "cán bộ công nhân viên chức sinh viên học sinh", là bộ đội xuất ngũ, là người làm khoa học ở các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, thường sống trong các khu tập thể hay các khu có dân trí đồng đều - giới một thời luôn có khung tem phiếu quy định. Họ là trung vị của cư dân đô thị Hà Nội, giờ có thể thay bằng thuật ngữ "giới văn phòng" cũng được, nhưng nhất định không phải giới giáo điều sách vở.
Một cuốn sách xinh xắn, có thể đọc trong dịp Tết. Không biết Tết này có mưa không, ngồi đọc và nhớ lại những chi tiết phố phường 25-30 năm trước cũng hợp với truyền thống lắm. Nhiều điều đã phai bạc rồi, nhưng đôi chút còn lưu lại trong chữ nghĩa cũng là quý.