(VOV5) - Triển lãm mỹ thuật 'Netsuke - Nghệ thuật Điêu khắc gỗ Nhật Bản đương đại' đem đến những nét mới mẻ độc đáo trong văn hoá truyền thống Nhật.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Netsuke là một chiếc nút buộc khóa đầu dây, được sử dụng vào thời Edo (1603 – 1868), để giữ cho các vật dụng cá nhân như túi tiền, túi đựng thuốc, hoặc túi đựng thuốc lá không bị rơi ra khỏi đai kimono. Ban đầu, netsuke được đẽo gọt và sơn khá đơn giản, rồi sau đó các thợ điêu khắc tượng Phật, thợ chạm khắc mặt nạ, thợ mộc, và thợ kim khí bắt đầu tạo ra những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ nhỏ xinh mà chúng ta biết hiện nay với tên gọi là netsuke.
Khai mạc triển lãm |
Triển lãm lần này chú trọng vào các tác phẩm netsuke đương đại. Netsuke đương đại lựa chọn chủ đề và chất liệu khá phóng khoáng và rõ nét, trong khi đó netsuke truyền thống chỉ chú trọng vào các mô phỏng về hình dạng con người và động vật. Hơn nữa, Netsuke đương đại thường mang tính trừu tượng, ví dụ như các tác phẩm “Đoản ca”, “Suy tưởng”, “Chim ưng”, và “Không đề”…
Ông Kawai Jun, Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam trong phát biểu khai mạc triển lãm cho biết: “Việt Nam là điểm đến đầu tiên của triển lãm lưu động lần này. Thông qua triển lãm, khán giả sẽ cảm nhận và khám phá được sự tinh tế của các nghệ nhân có tay nghề cao, nét hàm tiếu chứa đựng trong mỗi tác phẩm cũng như tính ứng dụng và vẻ đẹp của netsuke trong thời đại mà netsuke không còn là một phần trong cuộc sống thường nhật nữa”: "Netsuke sử dụng rất nhiều chất liệu. Ngày xưa chỉ sử dụng gỗ hay đá, ngày nay có thêm chất liệu cao su và nhựa. Và Netsuke hiện đại thì không chỉ dừng lại ở việc sử dụng đơn một chất liệu mà có thể kết hợp nhiều chất liệu với nhau. Ví như gỗ kết hợp với cao su hay gỗ kết hợp với nhựa. Gỗ thì sử dụng đa dạng, có thể là gỗ cứng hay gỗ mềm, có thể gỗ mun hay gỗ hoàng dương. Còn về kỹ thuật thì không tuân theo một cách cố định nào mà có thể kết hợp nhiều cách, ví dụ không chỉ có khắc mà còn gắn thêm đá hay phủ thêm sơn mài chẳng hạn".
|
Sự tinh xảo chạm khắc trong mỗi netsuke đều phải được thể hiện tinh tế qua mọi góc nhìn. Netsuke không giống như các tác phẩm điêu khắc thông thường dùng để ngắm. Bề mặt của mỗi netsuke trông tinh xảo và tỉ mẩn ở từng góc nhìn khi chầm chậm xoay trong lòng bàn tay. Một trong những vẻ đẹp của netsuke chính là khi dùng kính lúp xem cận cảnh từng tác phẩm một cách chi tiết, chúng ta sẽ thấy được những dụng cụ khéo léo và nghệ thuật thủ công tinh tế được mỗi nghệ sĩ đặt vào trong mỗi tác phẩm ở những nơi không ngờ đến.
Họa sĩ Vũ Kim Thư-người thử nghiệm vẽ trên giấy Washi Nhật Bản (một loại giấy tương tự như giấy dó của nước ta) và cũng từng có thời gian lưu trú sáng tác tại đất nước Mặt trời mọc, khi xem triển lãm đã phải thốt lên: "Những tác phẩm ở đây vô cùng tinh tế, nó nhỏ xíu và tạo cảm giác giữa người xem và tác phẩm phải gần lại với nhau. Bởi có những chi tiết rất nhỏ, rất tinh đòi hỏi phải đưa mắt gần để cảm nhận tất cả những cái đẹp ở trong những tác phẩm kích cỡ siêu nhỏ như vậy. Hầu như nghệ thuật Nhật Bản đều tập trung vào những tác phẩm kích cỡ nhỏ".
|
Cũng theo họa sĩ Vũ Kim Thư, tính ứng dụng là điều làm nên sự khác biệt giữa netsuke và các tác phẩm điêu khắc tí hon khác, netsuke được dùng để chốt đầu dây móc vật dụng đeo trên đai áo kimono. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù được điêu khắc dưới hình dạng nào thì đều phải có hai lỗ thủng để luồn dây qua. Chính vì vậy, việc thiết kế netsuke luôn phải chuẩn xác để bảo đảm netsuke sẽ chốt dây lại khi được luồn qua và nằm gọn ở đai áo kimono. Nếu netsuke là một điêu khắc hình người thì lỗ luồn dây sẽ nằm ở đằng sau, nếu là hình một con vật đang nằm thì lỗ luồn dây sẽ ở phía bên dưới cùng. Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ, người ta lại thiết kế chỗ luồn dây ngay ở các khớp nối giữa cánh tay và thân người hoặc giữa bàn chân và thân của động vật.
"Có một điểm chung của tất cả các loại hình nghệ thuật, nghề thủ công của Nhật Bản, đó là sự tinh tế trong cái cách họ sử dụng chất liệu cũng như là quy trình của họ. Một điều thú vị nữa là họ luôn luôn biết cách sử dụng những cái hình tự nhiên của những đồ vật sẵn có để biến nó thành tác phẩm của mình. Không giống như nghệ sĩ phương Tây là khống chế, kiểm soát khi họ làm điêu khắc, các nghệ sĩ Nhật Bản đã dùng ngay đường cong tự nhiên của thớ gỗ, họ tận dụng ngay cái vẻ đẹp tự nhiên để đưa vào tác phẩm. Đó là cái đặc trưng rất rõ của nghệ thuật nghề thủ công của Nhật Bản".
|
Những tác phẩm nghệ thuật phương Tây thường hay lấy cảm hứng từ những câu chuyện trong Kinh thánh hoặc truyện Thần thoại Hy lạp. Tương tự như vậy, nhiều tác phẩm Netsuke Nhật Bản cũng lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại và dân gian làm chủ đề. Các tác phẩm “Công chúa ống tre”, “Quái vật mũi dài” và “Cái ấm ở đền Morinji” đều dựa trên những câu chuyện dân gian Nhật Bản. Những tác phẩm netsuke đương đại, trái lại, lấy cảm hứng từ những câu chuyện của nước ngoài, ví như tác phẩm “Rùa và Thỏ” trong truyện ngụ ngôn của Ê-dốp, hay “Tiến lên! Những nhạc công của thành Bremen”, là một câu chuyện trong Chuyện cổ Grim. Còn hai tác phẩm “Ninja” và “Watanabe xua đuổi một con quỷ đáng sợ tại cổng Rashomon” đều mô tả những nhân vật trong những vở kịch có lịch sử lâu đời. Tác phẩm “Tiểu yêu” lấy cảm hứng từ buổi lễ truyền thống Setsubun được tổ chức một ngày trước khi mùa xuân bắt đầu, trong buổi lễ đó người ta ném hạt đỗ để xua đi những tà ma.
Những câu chuyện thân quen với hầu hết người dân Nhật Bản bước ra đời thực một cách sống động nhất bằng những tác phẩm điêu khắc gỗ nhỏ xinh. Sự kết hợp giữa những câu chuyện thần thoại và nghệ thuật có thể lý giải lý do tại sao netsuke vẫn được ưa chuộng và trân quý cho tới ngày hôm nay.
Từ điêu khắc gỗ, họa sĩ Vũ Kim Thư đã có cái nhìn rộng sang các loại hình nghệ thuật khác của Nhật Bản: "Có một điều thú vị của văn hóa Nhật Bản mà mình nhận thấy tức là họ luôn luôn đưa những cái bình thường nhất của cuộc sống hàng ngày nâng lên tầm của một loại hình nghệ thuật cao nhất. Từ cắm hoa, pha trà; từ thêu, nhuộm vải…đối với các nền văn hóa khác nó chỉ là cái thứ rất bình thường để người ta dùng thôi, nhưng người Nhật Bản biết cách đẩy nó lên không những đến một mức cao mà thành một loại hình nghệ thuật tinh túy nhất. Đây là đặc trưng của văn hóa Nhật Bản".
Ngoài các tác phẩm trưng bày trong tủ kính theo từng chủ đề, Ban tổ chức còn có dụng ý trưng bày một số tác phẩm bên ngoài để người xem có thể tận tay chạm vào và quan sát kỹ lưỡng, tiếp cận với vẻ đẹp tinh túy của netsuke. Bởi, mỗi khi chạm và nhìn netsuke sẽ tạo nên một sự cộng hưởng đặc biệt khiến chúng trở nên sống động và phong phú.
Tham quan triển lãm, bạn Nguyễn Phương Hoa, sinh viên năm cuối trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã cảm nhận được sự ấm ấp áp của gỗ và vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của mỗi tác phẩm netsuke: "Sau khi xem xong triển lãm điều mà mình ấn tượng nhất chính là sức sáng tạo vô hạn với một vật dụng rất nhỏ như là netsuke. Ban đầu nó chỉ là phụ kiện để mặc với kimono thôi, nhưng mà qua thời gian thì các nghệ sĩ đã có nguồn cảm hứng để chế tác ra các tác phẩm. Rất kỳ công trong việc tạo ra tác phẩm: thứ nhất là chọn gỗ bởi có một số gỗ rất khó sử dụng trong điêu khắc vì cấu trúc của vân gỗ. Ngoài ra còn sử dụng vỏ sò, những công cụ rất nhỏ xíu để tạo ra những chi tiết rất tinh tế. Ví dụ trong động vật thì lông chuột rồi những đường nét cong uốn lượn. Mình cảm thấy triển lãm rất thú vị, nó giúp ích cho việc học ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản"
Triển lãm mở cửa tự do đến hết ngày 15-3. Sau đó, sẽ đến với nhiều nước trên thế giới như mong muốn của Ban tổ chức là trong hành trình của mình, netsuke sẽ đảm nhận một vai trò mới, đó chính là vai trò của một “nút buộc” kết nối Nhật Bản với thế giới.