"Em đi trẩy hội non sông"

(VOV5)- Hình ảnh cái yếm đào đi vào thơ ca nhạc họa như một biểu tượng đẹp về người phụ nữ Việt xưa, và rất nhiều câu chuyện trong đó gắn với những hồi ức về mùa xuân, về những lễ hội làng.

Ảnh minh họa - Nguồn: internet

"Em mặc yếm thắm-em thắt lụa hồng –em đi trẩy hội non sông. . ." Đôi ba câu thơ ấy trong thi phẩm nổi tiếng "Bên kia sông Đuống" của thi sĩ Hoàng Cầm cũng đủ để lớp người cao tuổi "nhân thất thập tâm sinh ấu tuế" ưa hoài cổ mơ về tuổi thơ, mơ về những ngày thơ ấu lon xon theo mẹ, theo chị đi chợ, đi chùa, đi chơi  hội xuân làng mình, làng người. Những giấc mơ xuân ấy có bao giờ vắng bóng người xưa thủa nảo thủa nào xa lắc xa lơ còn mặc áo nâu sồng, còn mang yếm nâu sồng, còn yếm thắm đủ mầu chỉ để ngày xuân đi hội.

Chao ôi cái yếm ! Chỉ một manh vải sơ sài; hai dải buộc cổ, hai dải buộc tấm lưng người con gái Việt, người phụ nữ Việt, gắn liền thân thiết với cuộc sống thường nhật làng quê xưa thường nhiều lam lũ vất vả, ít khi an lạc thanh bình. Mà sao từ xa xưa cái yếm đã như một ám ảnh trong ký ức,đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thuần Việt,thành mỹ cảm hết sức nên thơ của thi ca nhạc họa. Xin lựa ra một đoạn văn của cây bút Lam Điền viết về cái yếm " Ở chừng mực nào đó chiếc yếm  thể hiện được bản sắc văn minh Việt Nam, kín đáo đạo đức nhưng cũng rất gợi cảm. Đối với cô gái trẻ chiếc yếm dùng để che bộ ngực thanh  xuân bát ngát, làm giảm đi tính cách khiêu khích của phái tính nhưng đồng thời vẫn nói lên một thứ ngôn ngữ lãng mạn của niềm tự hào về phái tính. Đó là những chiếc yếm được may với những mầu sắc tươi đẹp: mầu hồng của hoa đào, mầu xanh lục của lá non, mầu xanh phỉ thúy của ngọc, mầu trắng của bình minh nhan sắc. Chiếc yếm ấy được mặc trong cái áo tứ thân vào những dịp quan trọng. Mùa xuân chiếc yếm thắm tạo mầu sắc tưng bừng trên khắp nẻo đường quê. Những ngày hội làng, những đêm hát chèo, hát bội, chiếc yếm thắm rộn ràng những cuộc gặp gỡ xôn xao, những xúc động tình yêu và long lanh những lời hò hẹn . . .

Hiển nhiên bức tranh quê ý vị, thơ mộng cổ điển ấy phần nào biểu trưng ở cái yếm đã dần dần  trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước áp  lực của phong hóa phương Tây. Cô gái quê trong thơ Nguyễn Bính "hôm qua em đi tỉnh về" từ những năm 30 thế kỷ trước, mới "áo cài khuy bấm" thôi cũng đã làm khổ nhà thơ thế hệ trai làng ta quần nâu áo vải. Dù yếm thắm  ngày xuân chỉ còn trên sân khấu, chỉ còn thấy ở những màn trình diễn hội hè thì suy tưởng của biết bao thế hệ người Việt về cái yếm vẫn là niềm tri ân trân trọng. Ai bấy giờ tuổi đã vượt mốc nhân sinh thất thập chẳng muốn thì thầm với mình lời giản dị rằng: tôi cũng như bao nhiêu người trạc tuổi tôi đã lớn lên từ những giòng sữa ngọt tự nhiên phía sau những chiếc yếm.Và những liên tưởng, suy tưởng của người đời có bao giờ bỏ rơi cái yếm dù họ có thuộc về thế hệ a-còng. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính:

                                      Quê hương tôi có những người con gái

                                      Một ngày hai bữa cơm đèn

                                      Cách sông Cái cũng bắc cầu dải yếm

                                      Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên

Vẻ đẹp nên thơ của tinh thần Việt có bao giờ mất, dù chỉ là cái yếm tượng trưng trên thân hình mẹ ta, chị ta, em gái ta từ thủa thiếu thời !/.

Phản hồi

Các tin/bài khác