(VOV5) - Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã thổi thồn vào những chú Rắn mang màu sắc của nghệ thuật.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Chữ Nôm, còn được gọi là Quốc âm hay Quốc ngữ, là bộ chữ được người Việt tạo ra dựa trên chữ Hán, các bộ thủ, âm đọc và nghĩa từ vựng trong tiếng Việt. Cảm mỹ bộ chữ cổ truyền của dân tộc, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã sáng tạo nên các bức tranh giàu màu sắc nhờ hình tượng nghệ thuật. Trong đó nổi bật có bộ tranh “Rắn - Ất Tỵ” gồm 4 tác phẩm khổ 55 x 40cm bằng chất liệu giấy dó, giấy kraft và màu acrylic.
Tranh rắn của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn, |
Bước vào không gian của Triển lãm “Tranh Chữ” (tại Vân Art Gallery số 12 phố Yên Hoa, Tây Hồ, Hà Nội) mới diễn ra vừa qua, bên cạnh các tác phẩm hội họa về nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc sống, thì công chúng và người thưởng thức đã dừng ngắm khá lâu bộ tranh “Rắn- Ất Tỵ” của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn được trưng bày trang trọng ở giữa phòng tranh.
Bốn bức tranh là bốn cung bậc cảm xúc thể hiện chiều sâu mỹ cảm khi người cầm cọ chuyên tâm thể hiện dáng vóc và sắc màu của chú Rắn- linh vật năm 2025 để gửi gắm những dự cảm tốt lành trong năm mới. Điểm nổi bật trong các bức tranh chính là họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã nương theo nét mềm mại, uyển chuyển của bộ chữ Nôm để tạo hình những thế Rắn một cách độc đáo, sinh động:
Tranh rắn của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. |
"Năm nay là năm Ất Tỵ- năm con Rắn, nên tôi đã có các bức tranh về loài vật này. Nhưng nếu chúng ta ngắm kỹ thì đây đều là các bức tranh Chữ Nôm cổ của ông cha ngày trước. Các cụ sáng tạo Chữ Tỵ từ mấy nghìn năm trước nhìn khá giống với con Rắn ngoài đời thực. Nhưng sau một thời gian dài, thì các cụ lại không dùng chữ có quá nhiều hình ảnh và ký tự khó nhớ và khó viết đó. Các cụ lại cô đọng dần. Cuối cùng chỉ còn 8 nét với hơn 200 bộ thủ. Bộ tranh “Rắn- Ất Tỵ” của tôi chỉ vận dụng lại tạo hình trong Chữ Tỵ cổ, tôi có đưa thêm không gian mới, đời sống mới mang sắc màu trẻ trung của đời sống đương đại” - Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn nói.
Đặc tính của loài Rắn là nét mềm mại, uyển chuyển. Vì thế Rắn đã đi vào ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng phong phú, nhất là về tạo hình và trong nhiều câu chuyện cổ dân gian. Trong các đền, miếu, phủ thì Rắn là một con vật linh thiêng. Loài vật này còn có thể lột xác để tái sinh. Đặc biệt trong ngành Y, hình ảnh chú Rắn quấn mình quanh một cây gậy đã trở thành biểu tượng của ngành này…
Rắn đã đi vào lăng kính hội họa của Nguyễn Doãn Sơn với đầy đủ sắc độ cùng tạo hình độc đáo thông qua bộ tranh “Rắn- Ất Tỵ” mang nét tươi tắn, khỏe khoắn và đầy phóng khoáng: "Thay vì dùng chất liệu vải toan, thì tôi dùng giấy kraft và giấy dó để màu lên được tự nhiên. Màu da cam và màu đỏ có sự trung chuyển, thể hiện nét rực rỡ, không rợ màu, vẫn giữ độ dịu rất quý trong tranh. Cũng màu này nếu tôi vẽ lên toan trắng thì màu dễ bị rợ. Nhờ màu nâu của giấy kraft cộng hưởng với acrylic sẽ tạo nên màu sắc tươi sáng rực rỡ, nhưng vẫn giữ được nét trầm mặc, mộc mạc. Trong nét rực rỡ chung của ngày Xuân năm mới, thì người xem vẫn nhận ra nét cá tính riêng của người họa sĩ trong tác phẩm."
Một góc triển lãm tranh có bộ tranh rắn của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. |
Trong quá trình sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã không ngừng kiếm tìm các giá trị văn hóa cổ xưa của cha ông để tiếp tục thổi hồn thắp sáng các giá trị ấy trong nghệ thuật đương đại. Để vẻ đẹp tiềm ẩn trong Chữ Nôm cổ trở nên gần gũi, dễ hiểu đối với nhiều người: “Quá trình tìm hiểu chữ Nôm cổ thì tôi thấy hôm nay định hình này, ngày mai định hình khác, rất phong phú và sinh động. Vì thế bộ tranh “Rắn- Ất Tỵ” có bốn con Rắn mang những phong cách khác nhau. Mỗi khoảnh khắc tôi lại có cách nhìn, cách ẩn dụ sáng tạo về chữ đó. Qua đây chúng ta sẽ thấy việc tìm hiểu vẻ đẹp của chữ Nôm trở nên thú vị và đáng yêu, giúp cuộc đời thêm nhiều sắc ẩn.”
Bốn bức tranh là bốn tạo hình đặc biệt của loài Rắn. Những chú Rắn có đôi mắt to, sáng, thân hình uốn lượn thu hút ánh nhìn của công chúng khi tới thưởng thức triển lãm. Chị Thu Hương (công tác tại Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) khá thích thú khi ngắm tác phẩm: "Triển lãm về tranh chữ tôi ít có dịp xem. Tôi khá ngạc nhiên bởi không chỉ là tranh chữ đơn thuần mà họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn còn kết hợp với linh vật của năm nay, tức là con Rắn. Tôi thấy có nhiều thế vẽ về con vật này thú vị. Tôi rất thán phục họa sĩ vì có nhiều sáng tạo trong tạo hình loài vật này. Đặc biệt là về màu sắc có sự đa dạng phù hợp với không khí của những ngày đầu Xuân năm mới."
Tranh rắn của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. |
Còn chị Ngô Tố Hoa (Hà Nội) dừng bước khá lâu trước bộ tranh. Màu sắc và cách trình bày của họa sĩ về linh vật Rắn dường như đã tiếp thêm cho chị sự tự tin, năng lượng tích cực để đón chào năm mới: "Đứng trước bức tranh thì cảm xúc của tôi có sự tươi mới, một năng lượng tràn đầy. Từ thể hiện màu sắc cũng như kết hợp với tượng hình chữ Hán Nôm trong từng nét vẽ, giúp tôi cảm thấy ấm áp, tin tưởng vào năm Ất Tỵ khởi sắc, tràn đầy năng lượng để thành công."
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã thổi thồn vào những chú Rắn mang màu sắc của nghệ thuật. Ở đó người xem sẽ không còn thấy sự hiểm ác đáng sợ của loài vật này, mà thay vào đó là nét uyển chuyển, mềm mại và tinh anh của loài Rắn trong cuộc sống. Bộ tranh mang đến những dự cảm tốt lành trong năm mới, gặp hung hóa cát, tạo điều may mắn, bình an trong năm mới Ất Tỵ