(VOV5) - Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (sinh 1915 – mất 1984) là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng, cũng là một nhà sử học, nhà khảo cổ học, nhà Hán học, nhà dân tộc học, và một nhà văn tên tuổi.
Nghe âm thanh tại đây:
Nhiều thế hệ người Việt đã lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích, mà hầu hết trong số ấy, đều nằm trong bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam đồ sộ do Nguyễn Đổng Chi biên soạn. Công trình quá lớn ấy của ông khiến nhiều bạn đọc không biết Nguyễn Đổng Chi, dưới các bút danh khác từng viết những tiết thuyết như: Túp lều nát, Gặp lại một người bạn nhỏ, đều là những cuốn sách “có cái nhìn sắc sảo, và thái độ dũng cảm, quyết liệt” khi phản ánh hiện thực cuộc sống.
Học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi qua nét vẽ của họa sĩ Diệp Minh Châu |
Những năm đầu thế kỷ 20, chàng thanh niên trẻ tuổi mới đôi tám Nguyễn Đổng Chi đã cùng anh trai là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi tìm hiểu đời sống người dân Bana ở Kon Tum. Cả hai đã hoàn thành công trình Mọi Kontum đồ sộ năm 1937 khi Nguyễn Đổng Chi mới ngoài 20 tuổi. Tập sách này khi ra đời được xem là công trình điều tra, khảo sát sớm nhất về người Ba Na, Mà nói như PGS TS lịch sử Andrew Hardy, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội: thì "đây là quyển sách đầu tiên về nghiên cứu dân tộc học xuất bản bằng tiếng quốc ngữ. Mà đó cũng là một thành tựu lớn của hai tác giả vốn không phải là nhà dân tộc học mà là một bác sĩ và một thanh niên 18 tuổi."
“Mọi Kon tum” được NXB Tri Thức tái bản năm 2011 với tên Người Ba Na ở Kon Tum. PGS, TS Nguyễn Hồng Lý, Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét: Ngay từ thời đó, Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi đã có một tầm nhìn xa và rộng, đã cảm nhận thấy tính toàn cầu hóa và hiện đại sẽ có ảnh hưởng như thế nào: "Trong cuốn sách có một câu các cụ viết là: Chính những cái người Bana đang có hiện nay liệu khoảng độ 10-15 năm nữa có còn hay không. Và thực tế thì nó không còn. Bởi vậy cuốn sách chúng ta có ngày hôm nay là những tư liệu cực kỳ có giá trị đối với các nhà nghiên cứu."
|
Con đường học thuật của anh em học giả Nguyễn Đổng Chi, có gốc rễ từ truyền thống gia đình. Theo tác giả Nguyễn Trung Anh trên Tạp chí văn học số 4 tháng 7 và 9/1984: “Cuộc đời Nguyễn Đổng Chi là cuộc đời một người cầm bút phong phú, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, và cũng là một cuộc đời đầy hoạt động. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ông là con thứ ba của cụ Nguyễn Hiệt Chi, tức Đầu xứ Thuận, biệt hiệu Mộng Thương, tác giả Sách mẹo tiếng Nam, Hán văn tân giáo khoa thư nhiều tập, Hán văn tân giáo pháp, Ba Xã địa dư... và nhiều thơ, văn khác, một nhà giáo có uy vọng. Học trò cụ nay còn lại đều là những bậc thức giả đáng kính – như các ông Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, Phạm Thiều... – vẫn thường nhắc đến đức độ của cụ. Nguyễn Hiệt Chi từng có chân sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết là nơi tập trung khá nhiều chí sĩ yêu nước buổi đầu thế kỷ.”
Mới 27 tuổi, Nguyễn Đổng Chi đã hoàn thành công trình Việt Nam cổ văn học sử do Hàn Thuyên xuất bản lần đầu năm 1942, giải quyết câu hỏi cốt lỗi: văn học Việt Nam có từ bao giờ. PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng từng đánh giá: “Việt Nam cổ văn học sử” có vai trò “đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam”. Những nhà nghiên cứu thế hệ sau ông đánh giá, qua công việc sưu tầm, nghiên cứu biên khảo về văn học dân gian như Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đổng Chi “cũng thể hiện rõ là một nhà nghiên cứu văn học dân gian xông xáo, một nhà văn hóa tiên phong - mở đường, một nhà biên khảo sáng tạo, chuyên nghiệp với nhiều công trình khả tín, hiện đại về lý luận và dồi dào vốn liếng điền dã cũng như tư liệu thực tế”.
PGS, TS Nguyễn Hồng Lý kể lại, thời ông mới tham gia công tác nghiên cứu, thì Nguyễn Đổng Chi đã là bậc lão thành: "Có một ấn tượng rất mạnh đối với tôi lúc đó là những cán bộ mới tốt nghiệp đại học ra, thì tôi được tiếp xúc với cụ là 1 người vô cùng hiền lành và ít nói. …Ân tượng thứ hai khi về ngoài việc nghiên cứu, cụ nhận làm kiêm Trưởng phòng tư liệu thư viện. Đối với các nhà nghiên cứu lão thành thời đó dưới con mắt của chúng tôi là những người mới ra trường thì rất lạ lung bảo nhau: sao cụ đã là bậc như thế rồi lại nhận phòng tư liệu thư viện? Thì cụ tập hợp anh em chúng tôi những người trẻ, và một trong những việc đầu tiên cụ dạy chúng tôi là cách làm tư liệu. Càng sau này tôi càng hiểu một điều rất tâm đắc đối với người làm nghiên cứu, đó là việc đầu tiên là phải làm tư liệu…."
Trở lại với những công trình nghiên cứu cổ tích, thần thoại của ông, trong một hội thảo về ông, PGS-TS Trần Thị An, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã khẳng định Nguyễn Đổng Chi là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu thần thoại mà vài chục năm sau vẫn chưa có chuyên khảo nào tiếp bước.
Những đóng góp của ông trong ngành văn hóa, đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.