(VOV5) - Chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn thì sân khấu mới đủ hấp lực kéo khán giả đến rạp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ thuật nào cũng cần có công chúng, nhưng sân khấu khác biệt là bắt buộc phải có một lượng khán giả nhất định trong buổi diễn, thì khi ấy, đêm diễn mới thực sự được coi đó là tác phẩm sân khấu đích thực. Dịch bệnh Covid đang khiến tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật công cộng phải dừng lại. Nhưng đây cũng là khoảng lặng để những người làm nghề có khoảng lặng để dừng lại và lựa chọn, suy nghĩ tìm tòi về hướng sáng tạo, đổi mới.
Tác phẩm sân khấu hình thành trong quá trình trình diễn trước mắt công chúng, và công chúng khán giả, bằng thái độ khi xem, bằng cách thưởng thức ngay lập tức khi ấy, đã có tác động ngược trở lại với tác phẩm sân khấu. Nếu khán phòng quá thưa vắng, chiều phản hồi trở lại sân khấu không có thì đêm diễn có thể thất bại. Nhà báo Lê Quý Hiền cho rằng: “Khâu yếu nhất của sân khấu là chúng ta có làm hay đến mấy đi chăng nữa, rồi thì có đến 10 hội thảo đi nữa, rồi thì có biện pháp a b c nhưng mà nếu không có một chiến lược đến với khán giả sân khấu dù hay đến mấy vẫn là con số không, chẳng có ý nghĩa gì”
Vớ kịch Ngược chiều gió của Nhà hát Tuổi trẻ, một trong những vở kịch đáng xem năm vừa qua. |
Vai trò của khán giả thực sự là một thành tố tạo nên tác phẩm sân khấu chứ không đơn thuần là người tiêu thụ sản phẩm văn hóa đặc biệt. Đáng tiếc, đây lại là khâu yếu nhất của sân khấu, là bài toán nhiều năm nay đội ngũ nghệ sĩ chưa thể giải quyết được.
NSND Minh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu thành phố HCM nhấn mạnh: “Có một nguyên nhân cốt lõi làm cho sân khấu rơi vào khủng hoảng chính là khán giả. Nói như thi hào Nguyễn Trãi, khán giả là nước mà sân khấu là thuyền, sân khấu của chúng ta hiện đang khủng hoảng khán giả ở cả hai hình thức hoạt động: chính thống công lập của Nhà nước và xã hội hóa ngoài công lập của tư nhân. Sân khấu công lập, hướng tới đề tài nghiêm túc, ẩn chứa những chủ đề chính trị triết lý, nhân văn, nhân loại. Còn tư nhân chủ yếu hướng về những đề tài giải trí hài hước qua các chủ đề đời thường, tình tay ba hoặc những xung đột gia đình nhỏ nhặt. Mà cả hai hình thái sân khấu trong và ngoài công lập hiện đều có chung một tình trạng khó khăn là vắng khách. “
Đã rất nhiều nhà nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị, các nghệ sĩ… đều tìm cách lý giải vì sao sân khấu thiếu vắng khán giả. Sân khấu kịch hát dân tộc lại càng thưa vắng. Nhà viết kịch Bùi Vũ Minh phân tích: "Bây giờ tuổi trẻ thay đổi lắm. Nếu chúng ta không tiếp cận được họ và lái họ đi về những gì của dân tộc thì dần dần chúng ta mất khán giả. Trước thế kỷ thứ 20 đời sống của người nông dân, tôi cho là không biến động nhiều, có thể 4-5 thế kỷ người nông dân vẫn sinh hoạt như thế. Tôi chỉ có một suy nghĩ, đôi lúc cũng không được các bậc đi trước đồng ý mà phản ứng rất nhiều, tức là chèo chủ yếu xuất phát từ nông thôn và phục vụ nông thôn. Bây giờ nông thôn đã đô thị hóa, người thanh niên nông thôn ấy, người ta còn nghĩ như người thanh niên cách đây 30 năm, 50 năm hoặc 100 năm không? Tất nhiên là không. Chưa kể nghệ thuật nào nó cũng phải đi đồng bộ với tất cả những bộ môn khác. Chèo của các cụ ngày xưa là song thất lục bát, lục bát tứ tuyệt ngũ ngôn. Bây giờ nền văn học và thơ mới nó đã tràn ngập tại sao chúng ta không thờ đưa thơ mới vào chèo, chất biền ngẫu nó vừa phải thôi rồi ta hát ta giữ lại những gì tinh túy trong những làn điệu cổ. Người nhạc sĩ có thể từ cái tinh túy ấy cải biên lên để phục vụ khán giả. Sinh ra sân khấu là để phục vụ khán giả. Bây giờ chúng ta cứ khăng khăng giữ của tôi phải thế này mà không để ý gì đến khán giả cả."
Tâm lý khán giả thay đổi theo thời đại khiến các nghệ sĩ thật khó để đáp ứng. Và đã có thời kỳ các đơn vị chạy theo thị hiếu của công chúng nhằm lôi kéo khán giả đến rạp, nhưng đó vẫn không phải là giải pháp triệt để. Chỉ chạy theo những thị hiếu nhất thời, khi đã bão hòa thì người xem tiếp tục quay lưng, trong khi những khán giả đích thực của sân khấu không tìm thấy những tác phẩm ưng ý…
Đó là vòng luẩn quẩn mà sân khấu đang mắc phải, như ý kiến của NSƯT Chí Trung, Quyền giám đốc Nhá hát Tuổi trẻ: "Còn một yếu tố nữa mà không thể không kể đến, đó là đầu ra của tác phẩm. Rất nhiều khán giả hiện nay chỉ quan tâm đến nhu cầu giải trí. Họ chỉ cần đến để cười để nghỉ thôi và họ không muốn xem một vở cái cười dài nữa cơ. Ví dụ, những vở hài dài của chúng tôi rất hay như hài kịch Ai sợ ai; hay hài kịch Đàn ông cũng khóc hoặc là hài Cái loa phường thời chứng khoán…là khán giả không thích xem dài cơ, cứ thích bẻ hết cả ra thành là năm cái ngắn, sáu cái ngắn. Nhưng ngược lại thì những khán giả tâm huyết muốn xem những vấn đề lớn thì lại không có chỗ để mà xem, không có tác phẩm để xem. Bởi vì chúng ta đã quay sang đi bán thịt vụn tất cả rồi. Tất cả cái ấy là cả anh cả ả. Đấy, nó có một bài toán luẩn quẩn và chúng tôi không ra khỏi các bài toán đó được."
Trước đây, các nghệ sĩ miền Bắc luôn mơ ước có được lượng khán giả như sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng giờ đây, các đơn vị sân khấu xã hội hóa ở phía Nam cũng đang chao đảo, rất vất vả tìm kiếm công chúng cho tác phẩm của mình.
NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSK VN chia sẻ bí quyết thành công trong công tác tìm kiếm khán giả ở thời kỳ khi còn là lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội: "Đúng là sân khấu đang có rất nhiều khó khăn, ,mà khó khăn lớn nhất là chúng ta đang ở trong cái thời điểm rất vắng khán giả. Tôi ở một đơn vị địa phương thì tôi cũng rất trăn trở và trao đổi rất nhiều với lãnh đạo Hà Nội cho chúng tôi thực hiện những cái đề án xây dựng khán giả trong tương lai cho từng loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương. Kịch nói cũng thế cũng đang thiếu vắng khán giả. Thì chúng ta đang chú trọng vào các khuynh hướng nghệ thuật, cái giá trị chất lượng nghệ thuật mà chúng ta chưa suy nghĩ là làm thế nào để mở rộng hơn và nuôi dưỡng sự yêu thích của khán giả đối với sân khấu thì đây cũng là một việc vô cùng trăn trở."
Để cuốn hút người xem, phải tạo được mối quan hệ giữa trình diễn sân khấu và khán giả, mà ở đây chính là việc chúng ta phải có được tác phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của người xem. Chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn thì sân khấu mới đủ hấp lực kéo khán giả đến rạp.