(VOV5) - Tối 17/1/2017, VOV sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên Đài TNVN và chương trình giao lưu nghệ thuật "Lời của non sông".
Dịp Tết Đinh Dậu sắp tới, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có nhiều chương trình đặc sắc phục vụ công chúng cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài trên tất cả các loại hình, các phương tiện mà Đài có như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử; bằng 12 thứ tiếng nước ngoài, 12 thứ tiếng các dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, vào tối 17/1/2017, VOV sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên Đài TNVN và chương trình giao lưu nghệ thuật "Lời của non sông". Đây là chương trình ôn lại sự kiện lịch sử cách nay tròn 70 năm: Ngày 27/1/1947, vào đêm giao thừa Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã lặn lội dưới mưa dầm, rét lạnh, trong tiếng súng cầm canh của giặc Pháp, đến nơi sơ tán của Đài TNVN (tại hang Long Sơn, cạnh chùa Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, nay thuộc thành phố Hà Nội) đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương về lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt này.
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đọc Thơ chúc Tết trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật lớn, đặc sắc phản ảnh sự kiện đáng nhớ này. Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng để Đài TNVN tổ chức dàn dựng chương trình này?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Hơn 70 năm trước, đêm 19, rạng ngày 20 tháng 12 năm 1946, nghe theo Hiệu lệnh chiến đấu và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước nhất tề đứng lên, “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc xuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Mấy chục ngày tiếp theo, trong mịt mù khói bom lửa đạn, Tết Đinh Hợi 1947 cận kề.
Đêm Giao thừa năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nơi họp Hội đồng Chính phủ ở Phủ Quốc Oai, Sơn Tây lên chiếc xe đơn sơ đến Đài tiếng nói Việt Nam (sơ tán về hang Long Sơn, cạnh Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Đông) để đọc Thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Sau này, lần giở kho băng tư liệu quý của Đài, lắng nghe lời Bác, giọng đọc thơ của Bác, mỗi chúng ta đều xúc động, bồi hồi.
Việc phục dựng phần nào không khí thiêng liêng Tết năm ấy, nghe lại lời hịch của vị Cha già dân tộc và một số bài thơ chúc Tết của Bác, từ đó, giúp mọi người, nhất là lớp trẻ, yêu hơn truyền thống quật cường, nhân nghĩa, nhân văn của cha ông, từ đó ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. |
PV: Ông có những cảm nhận, nghĩ suy gì về chủ đề thơ Tết và những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Nếu tính từ năm 1942 đến lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu của chúng ta có 22 bài thơ chúc Tết. Sinh thời, Bác nhiều lần bày tỏ “Ngâm thơ ta vốn không ham…”. Bác chưa bao giờ tự cho mình là nhà thơ. Bác làm thơ là để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lý tưởng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân “kháng chiến, kiến quốc”. Vì làm thơ cho mọi người dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu nên từ ngữ trong thơ Bác giản dị, trong sáng; tứ thơ rõ ràng, đẹp đẽ; nhịp thơ khoan thai, vững chắc.
Làm thơ trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà bài thơ nào của Bác cũng toát lên niềm lạc quan vô bờ, sự khoan thai, đĩnh đạc hiếm có. Bài thơ chúc Tết, đón Xuân Đinh Hợi 1947, Bác viết (và đọc trực tiếp trên sóng Đài TNVN): “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”
Bài thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Bác không chỉ là một bài thơ hay, đặc sắc, mà còn là hiệu lệnh Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, sự chi viện, cổ vũ của quân và dân miền Bắc: "Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!Toàn thắng ắt về ta!”.
Bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
PV: Thơ chúc Tết của Bác ,hình ảnh Bác đọc thơ Tết ở khoảnh khắc giao thừa đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, của nhiều loại hình báo chí, văn học nghệ thuật, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Thời khắc giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của đất nước, của mỗi nhà, mỗi người. Ở thời điểm ấy, mọi người cùng lắng lại, nghiêm trang nhớ về năm cũ vừa đi qua, hướng về năm mới với bao ước mơ, dự cảm tốt lành. Ai nói điều gì vào lúc ấy đều trang trọng, thiêng liêng. Lời Bác, thơ Bác chúc Tết như là lời non nước, cội nguồn. Ai cũng lắng nghe, ghi nhớ, thầm hứa sẽ sống tốt hơn, lao động và cống hiến nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước.
Tôi muốn nhắc lại: Khi xem và nghe chương trình nghệ thuật đặc sắc này, chúng ta sẽ có những rung cảm thẩm mỹ sâu sắc. Tôi không muốn kể thêm, vì muốn để mọi người có thêm sự trông mong, chờ đợi, hồi hộp.
PV: Xin cảm ơn ông.