(VOV5) - Những làn điệu Chèo thường sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa đồng ý đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO xem xét, đưa Nghệ thuật Chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hôi rất tốt để các nghệ sỹ, nghệ nhân có thể quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và để những người nông dân giao lưu, cất tiếng hát.
Theo nhiều tài liệu, Chèo được khởi nguồn từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào thế kỉ X, được phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mạnh nhất là ở một số địa phương: Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội... rồi lan dần sang khu vực miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam |
Mặc dù Ninh Bình được mệnh danh là đất tổ của nghệ thuật Chèo nhưng làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình mới là nơi có phong trào biểu diễn Chèo truyền thống mạnh nhất và hiện còn lưu giữ được nhiều làn điệu Chèo độc đáo. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Cậy cho biết: "Cái độc đáo của chèo Làng Khuốc là có 18 làn điệu chèo cổ mà các đoàn chuyên nghiệp chưa có. Nhịp trống là lưu 05 và xuyên tâm 3, đó là cái khác và rất khó hát".
Những làn điệu Chèo thường sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nghệ thuật chèo đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người. Bên cạnh đó cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ.
Ngày xưa, Chèo thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Sân khấu Chèo thường chỉ là một chiếc chiếu trải giữa sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ. Diễn viên biểu diễn trên chiếu, nhạc công ngồi hai bên, còn khán giả có thể đứng xem ở cả ba phía: trước và hai bên sân khấu.
Ngày nay, Chèo được dàn dựng để biểu diễn trên những sân khấu lớn, có sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại. Xu hướng sân khấu hóa cũng kéo theo sự hình thành, phát triển của những vở Chèo hiện đại có nội dung mang hơi thở của cuộc sống để dễ hướng tới người xem hơn.
Dù thay đổi để thích ứng với thời đại nhưng Chèo vẫn là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch độc đáo. Khi diễn Chèo, đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ, như: trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục…tạo hiệu ứng lan tỏa của lời hát.
Phó Giáo sư. TS Hà Thị Hoa, Trường Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương, phân tích về những yếu tố làm nên nghệ thuật chèo: "Trước hết, Chèo chính là trò nhạc. Thứ hai, Chèo phải có lễ hội. Có hội mới có chèo. Thứ ba là ca hát trong Chèo. Chèo hầu như tiếp thu hết toàn bộ thể loại ca hát của vùng châu thổ Bắc bộ, như: xoan, hát văn, ghẹo, hát đúm, đặc biệt là quan họ… cho nên nghe diễn Chèo thấy rất gần gũi. Chèo chính là nghệ thuật rất giàu bản sắc dân tộc. Chúng ta sẽ thấy ngôn ngữ, trang phục, thậm chí là tâm thức dân tộc, đều có trong Chèo."
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Cậy. Ảnh: Hữu Trưởng |
Trước tác động của hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống đang được thúc đẩy, trong đó có việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét, đưa Nghệ thuật chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phó Giáo sư. TS Hà Thị Hoa, Trường Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương, cho rằng: "Tôi thấy đây là cơ hôi rất tốt để các nghệ sỹ, nghệ nhân có thể quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Đấy là điều rất quý vì Chèo rất giàu bản sắc văn hóa. Đây cũng là cơ hội để nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu có điều kiện học tập, đào sâu, nâng cao kiến thức để lan tỏa tới các cộng đồng, từ đó có trách nhiệm định hướng cho cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Chèo.
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, gắn liền với cuộc sống đời thường bình dị của người nông dân. Việc bảo tồn nghệ thuật Chèo là việc làm cần thiết để giữ gìn loại hình nghệ thuật nổi tiếng của người Việt Nam, đồng thời cũng góp phần bảo vệ sự đa dạng của văn hóa của thế giới.