Nghệ thuật Nhiếp ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5) - Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến  là vựa lúa lớn nhất cả nước với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt uốn quanh những sân chim, những cù lao bạt ngàn hoa  trái cùng những phiên chợ nổi trên sông Tiền, sông Hậu… Tất cả  mang vẻ đẹp văn hoá đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ. Có lẽ bởi thế, vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây luôn hấp dẫn  những nghệ sỹ, những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.    

Nghệ thuật Nhiếp ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long  - ảnh 1
Tác phẩm "Đón cha" của tác giả Lê Phong Vũ đoạt Huy chương vàng


 Nghe nội dung bài viết tại đây:




Mới đây, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra liên hoan Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 30 năm 2015. Đây là hoạt động truyền thống hàng năm có ý nghĩa như ngày hội của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh và các tay máy trẻ khu vực ĐBSCL. 


Cách đây 30 năm tại thành phố Cần Thơ  Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần đầu tiên dược tổ chức theo sáng kiến của cố nhà thơ Bảo Định Giang và cố Nnghệ sỹ Nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài. Khi ấy, lực lượng nghệ sĩ nhiếp ảnh của cả khu vực chỉ khoảng vài chục người. Kể từ đó đến nay, số lượng hội viên nhiếp ảnh không ngừng tăng lên, số người học chơi nhiếp ảnh cũng ngày càng đông, số tác giả dự thi mỗi kỳ liên hoan từ vài chục lên vài trăm rồi vài ngàn tác phẩm mỗi lần.


Nghệ thuật Nhiếp ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long  - ảnh 2
Tác phẩm: Phút thư giãn - Tác giả: Lê Phong Vũ (HCĐ)


Gặp nhau tại Liên hoan lần này, nhiều người từng tham dự kỳ liên hoan đầu tiên không khỏi xúc động trước sự lớn mạnh của phong trào nhiếp ảnh khu vực cả về lực lượng, qui mô hội nhập, trình độ nghệ thuật và sức lan tỏa rộng khắp của nhiếp ảnh trong cộng đồng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc quốc tế Văn Ngọc Nhuần, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng bồi hồi nhớ lại: "Bộ ảnh về cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ nhất hiện vẫn còn lưu từng nhân vật, từng bối cảnh. Hồi lúc đó chưa có màu, chỉ trắng đen thôi. Khung cảnh lúc ấy, nhà văn hóa Cần Thơ,, cái phông để gắn những tác phẩm ảnh ĐBSCL lần thứ nhất là một cái mê bồ. Nhìn  lại những hình ảnh hồi ấy phải nói hết sức xúc động. Qua 30 lần luân phiên các tỉnh ĐBSCl tổ chức Liên hoan là một sự thành công rất lớn của ảnh nghệ thuật ĐBSCL". 


Nghệ thuật Nhiếp ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long  - ảnh 3
Tác phẩm: Chợ nổi ngã năm - Tác giả: Tăng Quốc Bảo (HCV)


Từ sáng kiến liên kết các tỉnh, thành trong khu vực để tổ chức liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật ĐBSCL, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã nhân lên thành liên hoan truyền thống hàng năm cho cả 8 khu vực trong nước. Ở đâu, liên hoan cũng diễn ra sôi động, những năm sau đông và qui mô hơn năm trước. Các kỳ Liên hoan không chỉ không khí của một ngày hội nghề, mà còn là dịp để các nghệ sỹ, nhưng người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phổ biến xu thế, công nghệ mới của ngành nhiếp ảnh, phát huy tối đa sự sáng tạo trong nghệ thuật. Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật khu vực vì thế đã góp phần thu hút các tay máy nhập cuộc khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật khoảnh khắc và bước dần đến hội nhập quốc tế về lĩnh vực này. Cũng tại Liên hoan lần này, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Long An có sáng kiến đưa cách chấm ảnh online vào liên hoan ĐBSCL vừa giảm nhẹ chi phí, vừa tiện dụng, vừa đưa ảnh dự thi lên trang web công khai để công chúng thưởng lãm, bình luận. Sáng kiến này đang tiếp tục được nhân rộng trong cả nước.


Nghệ thuật Nhiếp ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long  - ảnh 4
Tác phẩm "Hoa Nước" của tác giả Nguyễn Hoàng Nam đoạt Huy chương bạc


Phát biểu tại Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật ĐBSCL, nghệ sỹ Nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: "Trải qua 30 năm, tôi cho rằng về mặt bằng chung số lượng tác giả tăng rất nhiều gấp trăm lần, đặc biệt hơn là về chất lượng, về kỹ thuật thì phải nói là ĐBSCL được anh em nhiếp ảnh cả nước đánh giá là một trong những nhiếp ảnh hàng đầu. Anh em rất đồng đều, sự đam mê, nhiệt tình với nhiếp ảnh thì không thua kém bất cứ một khu vực nào.  Nhìn tổng thể thì liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL đã tạo ra sức phát triển rất lớn cho nhiếp ảnh khu vực và để lại cho sự nghiệp của đồng bằng những dấu ấn quan trọng – những dấu ấn mà không có nhiếp ảnh thì chúng ta không thể nhớ được, bởi vì giá trị quan trọng nhất của nhiếp ảnh chính là tính khoảnh khắc".


Thành công lớn nhất của nhiếp ảnh ĐBSCL là luôn thu hút thêm những tay máy mới tham gia lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Nhiều người ban đầu chỉ đến với nghệ thuật nhiếp ảnh như cuộc dạo chơi, khám phá ngẫu hứng, nhưng càng ngày càng đam mê và nhập cuộc. Theo đó, kỳ liên hoan nào cũng có những tác giả mới thổi luồng gió mới của sự sáng tạo, của sức trẻ, của tư duy mới vào nền nghệ thuật nhiếp ảnh để nó có động lực phát triển mạnh hơn. 


Nghệ thuật Nhiếp ảnh ở đồng bằng sông Cửu Long  - ảnh 5
Tác phẩm "Guồng tơ công nghiệp" của tác giả Võ Trung Kiên đoạt Huy chương bạc


Như ở kỳ liên hoan lần này, trong bộ giải ảnh màu, tác phẩm “Đón cha” của tác giả Lê Phong Vũ (tỉnh Tiền Giang) đã xuất sắc đoạt huy chương vàng. Tác phẩm lấy đề tài “nông thôn mới” để thể hiện vẻ đẹp của cuộc sống bình yên, hạnh phúc trên quê hương nông thôn đang đổi mới. Tác giả không nhấn vào màu sắc mà nhấn vào bố cục, nội dung và sắc thái tình cảm của nhân vật nghệ thuật. Lê Phong Vũ là tác giả mới tham gia nhiếp ảnh nghệ thuật được 4 năm cho rằng anh đã học hỏi và tiến bộ nhờ các kỳ liên hoan và sự dẫn dắt của các nghệ sĩ đàn anh. "Tôi thích môn nghệ thuật này, nhnưg mới bước vào tôi cũng thấy khó. Tuy nhiên được sự chỉ dẫn của mấy anh đi trước, càng khó tôi lại càng thích. Đến với liên hoan như thế này tôi rất thích dù có giải hay không có giải, vì đến đây tôi học hỏi được nhiều. Ở đây có nhiều nghệ sĩ tên tuổi đáng để học hỏi" - Lê Phong Vũ chia sẻ. 


Năm 30 năm là thời gian đủ dài để đánh giá sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật ĐBSCL. Qua Liên hoan lần này có thể thấy ĐBSCL vẫn giữ vững là lá cờ đầu cả nước về lĩnh vực nghệ thuật khoảnh khắc, đóng góp tích cực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và công cuộc đổi mới  ở Việt nam đến công chúng trong nước và quốc tế. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác