(VOV5) - "Tôi hình dung đây là một nhà khảo cứu văn hóa, một người có am hiểu triết học, đặc biệt là văn hóa dân tộc, để có thể đi đến những chiều sâu khám phá.” - Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn nhận xét.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời ngày 12-6 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi. Nói như nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch, cuộc đời văn chương của Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ba tiểu thuyết trường thiên của ông đều được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng. Hồ Quý Ly đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Ảnh: vietnamplus |
Mẫu Thượng Ngàn đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006. Đội gạo lên chùa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Riêng Chuyện ngõ nghèo được trao giải Sách hay 2018. Năm 2018, ông được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời.
Về sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Nhắc đến ông trong vòng 20 năm qua, những tác phẩm như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, mỗi tác phẩm tiểu thuyết dài gần nghìn trang, đều ăn những giải thưởng lớn, đặc biệt đều gây tiếng vang trong văn giới, được tái bản nhiều lần.
Đặc biệt hơn ông còn là một trong những nhà văn hiếm hoi có những tác phẩm viết từ trong những thời gian khó. Tiêu biểu là cuốn Hoang tưởng trắng viết từ năm 1971 – 1972, năm 1985 được NXB Đà Nẵng in lại. đổi tên tác giả Đào Nguyễn, đổi tên tác phẩm thành Miền hoang tưởng…"
Cũng nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch, trong bài viết “Tiễn biệt một người hiền: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh” đã nhận định: "Nguyễn Xuân Khánh thuộc về một thế hệ nhà văn chỉ có được ở miền Bắc, với những con người đã đi qua kháng chiến chống Pháp, một thế hệ tạm gọi là thế hệ Điện Biên Phủ."... “Nguyễn Xuân Khánh và thế hệ ông vừa tham gia - bằng những cách và mức độ khác nhau - vào văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sau 1954, lại vừa là những người khởi xướng những cuộc cách mạng lớn của văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại.”
Trong đó tác phẩm xuất bản cuối cùng của Nguyễn Xuân Khánh là Chuyện ngõ nghèo, lại là tác phẩm được ông viết từ những năm 80, với một sự tìm tòi cách viết mới so với thời kỳ đó. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Mai Anh Tuấn đánh giá, nếu đặt Chuyện ngõ nghèo trong bối cảnh những năm 80 có một ý nghĩa lớn khi: “Đạt đến sự đổi mới về lối viết và đồng thời đạt được đến sự đổi mới về cái nhìn. Tuy nhiên như chúng ta biết Nguyễn Xuân Khánh rơi vào một gia đoạn không thật sự ngọt ngào lắm với những giai đoạn đổi mới, ở cái cuốn tiểu thuyết được in của ông là Miền hoang tưởng. Và phải gần 10 năm sau từ năm 90 đến năm 2000 thì Nguyễn Xuân Khánh mới trở lại. Từ Hồ Quý Ly trở đi, ta thấy Nguyễn Xuân Khánh gần như không đầu tư vào cách tân lối viết nữa, mà ông chủ yếu quay lại sở trường của mình là cách tân về điểm nhìn, lối nhìn. Và nhân vật để đưa lại cho ông một lối nhìn mới, chính là nhân vật Hồ Quý Ly, một nhân vật lịch sử mà cũng đầy gai góc, đầy thử thách cho bất kỳ ai muốn nhận lại về vai trò của ông trong nước Đại Việt thế kỷ 14, 15 đó.”
Nguyễn Xuân Khánh am hiểu văn chương phương tây, có trình độ tham khảo trực tiếp những lối viết hiện đại của văn học phương tây, nên Chuyện ngõ nghèo hay Miền hoang tưởng của đều tạo ra một lối viết mới trong văn chương Việt. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí năm 2006 khi nhìn lại hành trình viết văn chương của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói có lẽ tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo được viết theo lối viết cắt dán, là tiểu thuyết chồng các văn bản khác nhau, trước hết biểu hiện như một cuốn nhật ký.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhận định: “Phẩm chất trí thức trong văn chương Nguyễn Xuân Khánh rất rõ. Nếu đọc những tác phẩm như Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa hay Mẫu thượng ngàn thì sẽ thấy ở đó không phải là một nhà văn viết văn thông thường mà tôi hình dung đây là một nhà khảo cứu văn hóa, một người có am hiểu triết học, đặc biệt là văn hóa dân tộc, để có thể đi đến những chiều sâu khám phá.”
Sinh thời, trong một lần nói chuyện với bạn đọc, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng chia sẻ: “Có thể nói tôi đi theo chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt, không tô vẽ, cố gắng không viết sai đi với thời đại mình đang sống. Khi có thôi thúc, khi có những vấn đề mà mình cần viết là viết. Và chuyện đó không bao giờ xảy ra lần thứ hai nữa. Hôm nay viết như thế này nhưng ngày mai nó lại khác đi rồi. Vì vậy cứ phải làm việc, cứ phải cho tác phẩm ra đời, dù nó thế nào, dù người ta chê, người ta phê phán… thì mình cũng cứ làm như thế. Đối với nhà văn là phải như thế, người viết phải như thế.”
Theo nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Phong Lê: “Văn Nguyễn Xuân Khánh không mạnh ở cách tân nghệ thuật, mà là ở "sức nghĩ và vốn sống". Là người cùng thế hệ với nhà văn, giáo sư Phong Lê cho rằng đọc Nguyễn Xuân Khánh ông thấy rõ những trải nghiệm thật, suy nghĩ thật của thế hệ mình. Và điều này cũng là một phần của “Người tự do trên sân chơi tiểu thuyết lịch sử" như giáo sư Nguyễn Thị Bình (Viện Văn học) từng nhận xét về ông.